Lá thư của cô chỉ có một dòng: "Rất vui vì đã được làm vợ của anh. Cảm ơn chồng". Khi yêu nhau, cô đã tự nhủ sẽ "vẩy màu" cho cuộc sống của anh và bảy năm hôn nhân, lời hứa đó vẫn được giữ nguyên.
Nguyễn Thúy, 29 tuổi và chồng gặp gỡ nhau 10 năm trước. Hồi đó, cô sinh viên trường ngoại ngữ hàng ngày đi xe đạp điện đến một ngôi nhà ở Hưng Yên, dạy gia sư tiếng Việt cho ba người Nhật. Được khoảng nửa năm, một người nghỉ hưu về nước, một người chuyển công tác, chỉ còn lại "ông chú" tên Taro, 40 tuổi vẫn độc thân.
Hai người dần trở nên thân thiết như bạn. Không biết từ bao giờ cô sinh viên 21 tuổi coi Taro là nơi để tâm sự mọi chuyện, từ những mâu thuẫn với bạn trai tới chuyện trượt môn vì bị bắt xem tài liệu trong phòng thi. Thi thoảng, Thúy dạy "ông chú" vài câu tiếng Việt như: "Lấy tôi đi", "Tôi sẽ bảo vệ em"... dặn học thuộc lòng để mai này tán gái.
Taro chăm chú nghe, thi thoảng nở nụ cười. "Anh như cây cổ thụ, còn tôi như một chú chim ríu rít bên cạnh", cô hồi tưởng.
Ở tuổi 40, Taro chưa có mối tình nào vì anh xác định không lấy vợ. Ngoài công việc, anh tận hưởng cuộc sống bằng các sở thích cá nhân như leo núi, âm nhạc, đọc sách,... "Gặp cô gái trẻ trung, giàu năng lượng như Thúy, tôi thấy lòng xáo trộn. Nhưng hồi đó tôi nghĩ cô ấy giống như một ngôi sao, mình không thể với tới. Vì vậy, được là bạn, tôi cũng thấy vui rồi", Taro, quản lý một công ty sản xuất linh kiện điện tử tại Hà Nội, nói.
Sống một mình ở Việt Nam, hôm anh ăn cơm quán, hôm ăn đồ hộp. Có lần, đến dạy, cô gái Việt thấy "ông chú" tiu nghỉu vì đến bữa thì lon đồ hộp bị chuột gặm mất. Thấy thương, hôm sau Thúy mua đồ ăn, chạy xe đạp điện đến nấu cơm cho Taro. Bữa đầu tiên vào bếp cho Taro, cô luộc ngao thì ngao không mở miệng, làm sườn xào chua ngọt vừa đen, vừa rắn. Bày cơm ra, Thúy mới biết người Nhật không ăn xương.
"Món ăn không như ý, mặt cô ấy sưng lên. Tôi thì thấy đáng yêu và cảm động", anh kể. Một hôm, Taro kể với Thúy, có một nhân viên quán ăn Nhật nhắn tin "thả thính" anh. Đọc tin, đột nhiên Thúy thấy tức giận. Trêu anh, nhưng trong lòng cô bực bội. "Bỗng dưng tôi thắc mắc sao anh không thích mình?", cô cười.
Vài hôm sau, Taro nhắn tin xin nghỉ học vì ốm. Thúy tức tốc chạy xe đạp điện tới. Anh sốt cao, gương mặt hay cười nay bơ phờ. Anh di chuyển chậm chạp như thể dùng hết sức còn lại để mở cửa cho khách. "Tự nhiên tôi muốn ôm anh và tôi đã làm thế", Thúy kể.
Không lời tỏ tình, họ chính thức thành đôi. Taro mời Thúy về thăm gia đình anh ở Nhật Bản. Cô cũng đưa Taro về Hải Dương xin phép bố mẹ. Sau khi tốt nghiệp đại học, họ dọn đến một căn hộ ở Hưng Yên sống chung. Trong lòng, Thúy tự nhủ sẽ "vảy màu" để thay đổi cuộc sống nhàm chán của người yêu.
Mỗi ngày, anh đi làm về, Thúy đều tạo một bất ngờ. Cô dán giấy chỉ dẫn cho anh một món đồ vừa mua. Cô viết rất nhiều chú thích để dẫn đến tủ quần áo, nơi có dòng chữ: "Cảm ơn anh đã làm việc vất vả. Đây là phần quà của anh", đặt cạnh là một thanh kẹo. "Ở bên cô ấy, tôi thấy mình trẻ hơn. Lúc ấy tôi nghĩ 10 năm sau, chúng tôi sẽ không nhận ra hai đứa chênh lệch tuổi tác đâu", anh nhớ lại.
Vũ Nhàn, 29 tuổi, bạn thân của Thúy kể, cô hay sang nhà bạn ăn cơm. Có lần, Thúy trổ tài món canh bằng nước sôi, rau xà lách với ruốc. Bạn thân không dám đụng thìa, nhưng Taro tấm tắc "em nấu ngon nhất đấy". "Nghe xong tôi nghĩ đúng là chỉ có tình yêu mới khiến người ta ăn dở cũng thành ngon", Nhàn kể.
Xác định đến với nhau, cô gái Việt tiếp tục theo học tiếng Nhật, dự định tìm một công việc ổn định trước khi kết hôn. Nhưng học tiếng khó, trong khi bạn bè đều đã đi làm, Thúy hoang mang. Một cuộc nội chiến xảy ra trong lòng cô: Bắt đầu cuộc hôn nhân với một người đàn ông gần gấp đôi tuổi, hay trải nghiệm cuộc sống tự do. Một hôm, Taro đi làm về, thấy bạn gái đã thu dọn hành lý. "Em đi Hà Nội. Anh đừng lo", cô viết trong một tờ giấy để lại.
Nhìn căn phòng đầy ắp kỷ niệm giờ vắng bóng người yêu, Taro trống rỗng. Anh quay lại đời độc thân trở lại như kẻ vô hồn. Nhắn tin cho Thúy, anh bảo: "Anh tôn trọng và ủng hộ mọi quyết định của em. Khi nào em muốn về thì gọi cho anh".
Thúy đến ở nhờ phòng trọ của Nhàn tại Hà Nội. Trải qua vài công việc không thuận lợi, Thúy xin nghỉ. Cô vật vờ trong phòng cả ngày, tính tìm một việc mới chứ không quay về. Những ngày xa anh, nhớ thương người yêu, cô âm thầm về lại căn hộ lúc anh đi làm.
Cảm nhận được những giằng xé trong lòng bạn, Nhàn khuyên Thúy "nghe con tim mách bảo". Lời bạn khiến Thúy nghĩ đến Taro nhiều hơn: "Mình nhảy vào đời anh, làm xáo trộn mọi thứ rồi đột ngột tháo chạy. Mình thật ích kỷ. Ở bên anh, mình vẫn có thể sống như mình mong muốn mà". Cô gọi cho anh: "Em nghỉ làm rồi. Anh lên đón em nhé".
Chiều cùng ngày, Taro đến Hà Nội đón người yêu bằng một nụ cười rạng rỡ. Anh không hỏi nhiều. Cả hai chỉ nắm tay nhau im lặng, tự sắp xếp lại suy nghĩ và cảm xúc. "Sau lần này, tôi sẽ không để cô ấy rời vòng tay mình thêm lần nào nữa", Taro nói về cảm xúc khi đó.
"Khi tôi hỏi có sợ mất nhau không, anh nói rất sợ. Nhưng anh không thể vì yêu mà bảo tôi đừng đi đâu cả. Nếu tôi đi đâu đó mà được vui, được hạnh phúc thì anh thấy cũng tốt", Thúy kể. Cô tin anh là bến đỗ của đời mình, bởi anh luôn ưu tiên cảm xúc của người mình yêu.
Tháng 10/2016, cô gia sư người Việt và "cựu học trò" tổ chức hôn lễ. Quyết tâm chinh phục ngôn ngữ quê chồng, Thúy giờ là giảng viên tiếng Nhật tại một trường ĐH ở Hà Nội. "Hôn nhân giúp Thúy trở thành một phiên bản khác tốt hơn của chính mình, lại vẫn giữ được tính cách thật", cô bạn thân Vũ Nhàn nhận xét. Từ cô gái không nấu nổi món gì, nay Thúy nấu được cơm bento cho chồng đi làm mỗi sáng.
Khi chưa vợ, Taro có những chuyến leo núi kéo dài hàng tuần, ở cả Nhật và nước ngoài. Sau kết hôn, có hai con, anh chưa từng leo núi trở lại. "Khi tôi hỏi có buồn, có nhớ núi không, anh bảo sẽ cùng leo núi với vợ và các con. Chắc phải cõng, nhưng anh muốn mọi người bên nhau", Thúy kể.
Cùng với hai cậu con trai, mỗi ngày, cô gái Việt đang làm cuộc sống của Taro thêm nhiều màu sắc hơn, theo một cách khác, đúng lời đã hứa.
Theo vnexpress