Dù khi còn ở Việt Nam hay đã định cư tại Mỹ, vào mỗi mùa Vu lan, trước làn hương khói Phật đài, anh Nguyễn Trọng Ngân vẫn cầu nguyện sức khỏe, an lành cho những người thân, trong đó không thể nào quên hướng về mẹ Nguyễn Thị Ngọc Anh.
Vì hương bay hay vì mong nhớ, đôi mắt anh vẫn cay, vẫn đỏ mỗi khi nhắc về người mẹ không sinh anh ra nhưng dường như đã có tình mẫu tử từ kiếp trước.
|
|
Mẹ Ngọc Anh đếm từng ngày để gặp lại con trai - Ảnh do nhân vật cung cấp |
“Mẹ Ngọc Anh là vợ trước của ba tôi. Vợ chồng không có con nên chia tay, nhưng mẹ vẫn giữ mối liên hệ với cha mẹ chồng cũ, thỉnh thoảng tới lui thăm viếng và về sau yêu thương, quan tâm con của chồng - là tôi - như thể con ruột. Những lần mẹ về thăm, thế nào tôi cũng được cho quà bánh, quần áo và được ôm hôn. Thích nhất là mẹ dúi chút tiền để tôi mua kem chuối ăn cho đã thèm. Những cái ôm, những lời răn dạy… của mẹ dành cho tôi không hề va phải vách ngăn máu mủ ruột rà. Năm tháng qua, tôi vẫn nhớ hình ảnh mẹ với dáng vẻ, lời nói nhân hậu, từ tốn, nhu mì” - anh Trọng Ngân chia sẻ.
Thuở mới biết bò, cậu bé Trọng Ngân đã sớm xa vòng tay cha mẹ do 2 người đôi ngả đôi đường, đi xây duyên mới. Ông bà nội ở huyện Gò Công Tây (Tiền Giang) tần tảo nuôi đứa cháu bơ vơ ăn học bằng nghề buôn gánh bán bưng.
Tuổi lên 8, lên 9, cậu đã phụ ông bà, cô Út làm mắm ruốc, nước mắm, xay bột, nạo dừa tráng bánh tráng và gánh gạo lúa ra chợ bán. Gánh oằn vai từ khi mặt trời chưa ló dạng, cậu bé nhiều lần vấp té trên đường đất đá hay trơn trợt sau mưa; qua cầu tre lắt lẻo hay những bưng rẫy hoang vắng rợn người.
Những lúc ấy, cậu bé cồn cào nhớ mẹ, thèm được ngả vào vòng tay êm đềm và mùi tóc thơm thơm của mẹ. Nhưng khi mẹ về đến, cậu không hé răng kể nửa lời và mặc áo tay dài, giấu kỹ những vết trầy, bầm. Cậu sợ mẹ biết sẽ buồn lo.
Vì hoàn cảnh quá khó khăn, cậu phải dở dang việc học ở cấp III để đi học nghề mộc, dù rất ham học và học giỏi. Nhiều đêm mơ thấy được cắp sách đến trường, tỉnh dậy biết đó chỉ là ảo ảnh, cậu khóc ướt gối. Một lần, mẹ Ngọc Anh nghiêm túc hỏi: “Con có muốn đi theo mẹ về Bà Rịa - Vũng Tàu không? Mẹ sẽ xin nội và cha mẹ con để làm giấy tờ, mẹ rước con về”. Cậu hào hứng trả lời: “Dạ, nếu cha cho thì con đi”.
Cha đã không chấp nhận, có lẽ vì sợ con ở tuổi mới lớn sẽ dễ hư hỏng nếu thay đổi môi trường sống hoặc ngại ảnh hưởng tới hạnh phúc mới của mẹ Ngọc Anh. Đôi mắt trũng buồn, mẹ Ngọc Anh vẫn không hờn trách, chỉ tiếp tục lặng lẽ lui tới thăm con và chăm sóc mẹ chồng cũ (di chứng bị giặc đánh đập, tra khảo thời chiến ảnh hưởng dây thần kinh khiến bà nội anh nằm liệt nhiều năm cuối đời).
Khi được hỏi kỷ vật thiêng liêng nhất của mẹ, anh Trọng Ngân “bật mí” đó là chiếc nhẫn vàng mẹ cho ngày anh chập chững vào nghề thợ mộc. Rất tiếc, kỷ vật đó đã không còn giữ được qua những biến cố của cuộc sống, nhưng chiếc nhẫn dường như vẫn ánh lên từ đáy lòng anh. Dù hiện diện bên nhau hay không thì ý nghĩ ấm áp về mẹ luôn cho anh động lực vượt lên những khúc quanh trong đời.
|
|
Giữa trời tuyết trắng, anh Trọng Ngân càng nhớ hơi ấm tình mẹ - Ảnh do nhân vật cung cấp |
Hiện anh Trọng Ngân làm việc tại một hãng bao bì ở Mỹ, anh vẫn giữ nghề hát cải lương nơi xứ người. Mùa Vu lan lại đến, anh có dịp dâng trào cảm xúc qua những trích đoạn, những bài ca cổ về công ơn cha mẹ. Anh thầm cảm ơn nhân duyên tuyệt vời đã đưa đến cho anh một người mẹ đúng nghĩa là nơi an trú tâm hồn qua những chặng đường hạnh phúc, an vui hay chới với, khổ đau.
Xuất ngoại năm 2019, đã bao mùa Vu lan rồi, anh vắng mẹ. Nỗi nhớ cứ lao xao trong câu hẹn, tiếng chờ. Thông qua nhịp cầu Báo Phụ nữ TPHCM, anh Trọng Ngân nhắn gửi: “Mẹ ơi, đã biết bao lần mẹ nói thương con, cưng con, nhưng con không nhớ đã lần nào mạnh dạn ôm mẹ và nói rằng “Con thương mẹ lắm”. Chắc chắn con sẽ nói trong chuyến trở về gần nhất”.
Theo phụ nữ TPHCM