Sáng nay, tình cờ đọc bài báo có tựa đề Chăm sóc cha mẹ già thì cứ nghĩ mình là con một, chị Ngọc Thương không cầm được nước mắt. Từ năm 2022, chị rơi vào hoàn cảnh con một bất đắc dĩ vì chị Hai của chị phát bệnh ung thư, ra đi ở tuổi 47.
Nhà chỉ có 2 chị em, chị Ngọc Thương vào TPHCM học hành, lập nghiệp, lấy chồng, sinh con; mọi việc chăm sóc cha mẹ, giỗ tết, coi sóc vườn tược đều do một tay chị Hai đảm đương, vì chị Hai lấy chồng gần. Trước đây, chị chỉ về thăm cha mẹ khi rảnh rỗi, còn từ khi chị Hai mất, cứ như một mệnh lệnh, chiều thứ Sáu, tan ca là chị lên xe đò về Bình Thuận.
|
|
Xong việc ở cơ quan, trời nhá nhem tối là lúc chị Thùy Dương chở mẹ đi châm cứu, tập vật lý trị liệu, tập nói… - Ảnh: Diệu Hiền |
Trong tuần đã có người giúp việc, nhưng thường xuyên phải thuê mới, vì ít ai trụ nổi 3 tháng. Cha mẹ thường bất hợp tác ngay khi chính chị chăm sóc. Lần lữa với câu hỏi tiếp tục “như con thoi” thế này hay đổi việc về quê ở hẳn để toàn tâm toàn ý lo cho cha mẹ tuổi “gần đất xa trời”, 2 năm trôi qua, chị chưa thu xếp được.
“Mỗi tuần về, thắp hương cho chị Hai, tôi lại ray rứt về sự hồn nhiên, vô tâm của mình, để chị Hai gánh gồng cha mẹ nay ốm mai đau. Mẹ lại bị lẫn, thỉnh thoảng tiêu tiểu mất kiểm soát. Với những cuộc gọi, những tin nhắn chị Hai nhờ trợ giúp, nhiều khi tôi vội trả lời: “Em chưa rảnh, em kẹt”. Góp tiền bạc cũng vậy, tôi ỷ y cha mẹ đã có lương hưu, nào ngờ trực tiếp chăm sóc mới hiểu chị Hai đã đuối như thế nào về mọi mặt. Có lẽ vì vậy mà khi gặp bạo bệnh, chị không gượng dậy nổi” - chị Ngọc Thương bộc bạch.
Trái với trường hợp cha mẹ chị Ngọc Thương, bà Kim Thu lại là “cục vàng di động” của các con. Con gái đầu ở tại quê nhà Mỏ Cày Nam (Bến Tre), con gái thứ hai, thứ ba ở quận 4 (TPHCM), con trai út ở Bình Tân (TPHCM).
Sau đám giỗ ông ở quê nhà, các con định đưa bà trở lên ở nhà chị Tư nhưng bà khóc, tỏ ý muốn ở quê thêm một thời gian nữa (bà tai biến, yếu một bên, không nói chuyện được). Các con đều lo lắng, ngần ngại vì chị Hai là chị Nguyễn Thị Thùy Dương - Chủ tịch Hội LHPN huyện Mỏ Cày Nam - với trăm công ngàn việc, sao đảm trách nổi mẹ già yếu, bị bệnh.
Nghĩ mẹ có đòi hỏi gì xa xỉ, chỉ muốn được sống trong căn nhà của mình, giữa làng quê mình, chẳng lẽ không đáp ứng được, chị Thùy Dương mạnh dạn quyết để mẹ lại. Mỗi sáng, chị dậy thật sớm lo cơm nước, thuốc men cho mẹ; buổi trưa chạy vội về nhà với mẹ rồi lại đi làm buổi chiều.
Ở cơ quan, chị mở camera dõi theo bóng mẹ liêu xiêu, chầm chậm rề rà ở giường, ở võng. Chị thiết kế chiếc ghế bô trong phòng để mẹ khỏi vào nhà vệ sinh dễ bị trơn trợt. Buổi tối, chị lấy dây cột mẹ để giữ chặt lại trên xe máy. Mẹ con cùng đi tập vật lý trị liệu, châm cứu… Tranh thủ được chút thời gian là chị tập nói cho mẹ, gợi lại những lời ru, câu ca dao quen thuộc hay tập thơ gia đình do chính mẹ sáng tác lúc còn khỏe.
Chị Thùy Dương nuôi mẹ một thời gian thì chị Tư nhao nhao đòi rước vì nhớ mẹ quá và lo ngại dưới quê nhà quá rộng, mẹ đi một mình không ai trông, lỡ có chuyện bất trắc xảy ra. Hành trình của bà Kim Thu lại xoay vòng qua nhà chị Tư, nhà trọ anh Út… và đến đâu bà cũng là tâm điểm tưng bừng của con cháu. Nhóm chát gia đình gần đây lại rộn ràng với lịch “luyện thanh” cho bà do 9 cháu nội, ngoại từ 6-30 tuổi luân phiên đảm trách hằng đêm, cả trực tiếp lẫn qua mạng.
Chị Thùy Dương chia sẻ: “Chăm sóc cha mẹ, ông bà không chỉ là trách nhiệm mà thực sự là niềm hạnh phúc của các con cháu. Hạnh phúc ấy quá xứng đáng để mỗi con cháu ưu tiên thời gian, công sức, cân bằng việc riêng - chung sao cho chu toàn. Bông vẫn còn hồng, các con vẫn còn mẹ để phụng dưỡng là điều vô giá, không gì có thể đổi được. Cùng chung lo, báo hiếu tạo không gian gắn kết, yêu thương và thấu hiểu, san sẻ giữa các thành viên trong đại gia đình. Báo hiếu không đòi hỏi con cháu phải có điều kiện, phải thật giàu, phải rộng rãi thời gian, phải ở gần… Chỉ cần con cháu có sự quan tâm, có trái tim quý yêu cha mẹ, ông bà là sẽ tìm ra 1001 giải pháp để cha mẹ, ông bà sống vui khỏe với mình”.
Theo phụ nữ TPHCM