Bà kể, chồng bà sắp 75 tuổi nhưng… không chịu già. Cả năm nay ông đi bệnh viện suốt, bác sĩ khuyên ông nên chống gậy đi cho vững, đi xe lăn càng tốt. Bệnh tim, tiểu đường khiến ông từ một người đàn ông khỏe mạnh bỗng chốc hóa người bệnh đáng thương.
Những ngày đầu từ bệnh viện về, ông còn khá yếu, mà bà bận nấu ăn, nhà cửa và bao nhiêu việc không tên khác, ông đành nhờ cây gậy đỡ đần. Sau này, khi đã chấp nhận mình là người đàn ông bệnh tật, ông kể lại cảm giác lần đầu tiên cầm gậy, nó kinh khủng và thật... xấu hổ.
Đâu rồi người đàn ông mạnh mẽ của ngày hôm qua? Bây giờ, việc mắc màn thôi, cũng phải nhờ vợ. Đi vệ sinh, có vợ canh cửa, làm gì cũng có vợ để mắt. Ban đầu, ông cảm thấy mắc cỡ với bà, riết rồi ông... chai mặt.
Nằm trên giường thì thôi, bật dậy là ông quờ quạng tìm gậy, không có gậy ông cảm thấy bất lực. Không có gậy, ông chỉ đi chừng mươi bước đổ lại. Có gậy, ông cảm thấy an toàn và tự tin, linh hoạt hơn.
|
|
Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK |
Thỉnh thoảng bà đưa ông ra công viên gần nhà hóng gió. Vì đi hơi xa nên ông cần xe lăn. Từ nhà bước ra, ông yêu cầu bà đẩy chiếc xe lăn trống, còn ông chống gậy đi, bảnh bao với bộ đồ sơ vin đóng thùng đàng hoàng. Cái khẩu trang ông đeo, vừa bảo vệ sức khỏe, nhưng có vẻ dùng che mặt là chính.
Bà bảo, những bước chân cố tỏ ra mạnh mẽ, gương mặt cố tỏ ra thần thái, nhưng được đâu chừng vài ba phút là hết... xí quách. Lúc này, ông ra hiệu cho bà dừng lại, để ông bước lên xe. Rồi ông bắt đầu... quăng cục lơ với mọi người, mặc cho vợ gật đầu xã giao với ai đó.
Có đến nửa năm ông mới chấp nhận việc mình phụ thuộc xe lăn. Ông dần quen và không còn cảm thấy xấu hổ khi tuổi già bệnh tật. Bà hay đùa, bảo, rồi một ngày có khi ăn có người đút, mặc tã giấy, không làm chủ bản thân, ăn thua gì với cái gậy, cái xe lăn này. Ông cười méo xệch, đưa tay véo nhẹ má bà, như thể từ nay tôi phải trông cậy vào bà, chỉ có bà mới thông cảm, hiểu và đỡ đần cho tôi mà thôi.
Bà hay động viên ông là, tuổi già làm bạn với những dụng cụ hỗ trợ như gậy, xe là cũng may mắn rồi. Có người nằm liệt giường nhiều năm như ông Thọ, bà Mai cùng con hẻm, mà họ vẫn cố sống hy vọng một ngày hết bệnh, vợ/chồng, con cháu vẫn yêu thương chăm sóc họ tử tế.
Còn ông, 75 tuổi, mới chỉ làm bạn với gậy và xe lăn, bộ óc vẫn còn minh mẫn là hạnh phúc rồi. Bà hay động viên ông, còn tỉnh táo thì hãy nghĩ về những điều tốt đẹp, đó là phương thuốc kéo dài tuổi thọ. Rằng, tuổi tác chỉ là con số, ông cứ sống vui, sống khỏe, mọi chuyện còn lại để tôi lo.
Ông cảm ơn tuổi già có vợ đỡ đần, hiểu chuyện. Ông cảm ơn trời Phật độ trì vợ khỏe mạnh để bước tiếp cùng ông quãng đường còn lại, cảm ơn các con tuy không túc trực nhưng ông vẫn được nhận tình thương yêu từ các con rất nhiều.
Bệnh tật khiến đôi chân ông không đỡ nổi tấm thân, nhưng ông còn đôi tay. Ông có thể ngồi một chỗ để nhặt rau phụ vợ, có khi ông còn cầm mỏ lết vặn lại con ốc của chiếc xe lăn.
Ông nhớ lại ngày còn khỏe mạnh đã từng nói với vợ rằng, già mà sống phụ thuộc người khác, sống cảnh bệnh nặng thì thà chết còn hơn, rằng, người như tôi, sắm bệnh viện ra làm chi... Bây giờ, bước vào thế giới bệnh tật, sống cảnh phụ thuộc, tự nhiên ông thấy quý trọng sức khỏe, muốn được sống hơn bao giờ hết, muốn rút lại những lời chủ quan, mạnh miệng ấy, và ngoan ngoãn ăn uống, làm theo mệnh lệnh của người bác sĩ bất đắc dĩ - là bà.
Nhìn ông bà quấn quýt trong căn nhà nhuốm màu thời gian, tôi vừa trân quý chặng đường hôn nhân dài mà hạnh phúc của họ, lòng thầm nhủ: Chặng cuối cuộc đời, người già ơi hãy vui lên khi còn có thể. Bệnh tật đâu phải lúc nào cũng làm người ta rệu rã, cũng có lúc nó ngừng lại để người già tiếp nhận một cách hiệu quả sự hà hơi tiếp sức của những người thân yêu luôn bên cạnh mình.
Theo phụ nữ TPHCM