Bà Phạm Thị Sáu, 66 tuổi, vừa đi “nhiều chuyện” về, đang nằm đu đưa trên chiếc võng. Cơn gió trời lồng lộng ngoài rạch Cây Bông thổi vào ru đôi mắt bà ríu lại. Chín giờ sáng, cái nắng vàng như rót mật trải đều khắp nơi, nhưng không khí mát mẻ bao trùm khoảng không gian quanh nhà.
|
Chiếc cổng ngõ dẫn vào ngôi nhà vợ chồng bà Sáu trên cù lao |
“Nay có khách vô tui vui, chớ bình thường giờ này tui ngủ rồi”, giọng bà Sáu vang lên giữa cù lao.
Chúng tôi mở bản đồ trên điện thoại để xác định vị trí căn nhà bà Sáu - nơi mình đang ngồi thuộc địa phận nào, bởi vì từ chỗ ấy phóng tầm mắt về phía trước, những tòa cao ốc của khu đô thị Phú Mỹ Hưng như nằm sát bên hông. Ngăn cách bởi con rạch Cây Bông với đôi ba chục mét đường chim bay, vậy mà bước sang bên này, chỉ cần buộc chiếc xuồng máy vào bờ rồi đặt chân lên trên mặt đất của cù lao Xanh, chúng tôi như đang sống ở một thế giới khác với cổng ngõ phủ đầy dừa cạn, hoa giấy. Bước qua chiếc cổng đó là tiếng gà lục tục đùa giỡn trong sân, rồi căn bếp củi nổ lách tách đang nấu thức ăn cho gia súc.
Chúng tôi dùng cái tên “cù lao cô đơn” để gọi nơi bà Sáu cùng chồng đang sinh sống (ấp 4, xã Phước Kiển, H.Nhà Bè, TP.HCM), bởi ngoài giọng nói sang sảng của bà Sáu, không nhìn thấy một bóng người nào. Để diễn tả sự neo người đó, bà Sáu nói: “Nói không phải chớ, tui với ổng sống với ma không, có bóng người nào đâu. Nước cạn thì có vài người đi bắt còng bắt dộp, chích cá về ăn. Còn nước lớn thì cả ngày chỉ nghe tiếng của tui với tiếng mấy con gà trong chuồng”.
“Nói thì nói vậy chớ đất ở đây cũng còn vài chủ. Chỉ có điều họ không chịu được điều kiện sống thiếu thốn nên thỉnh thoảng vô thăm nom mà không ở”, bà Sáu nói để đính chính rằng “cù lao cô đơn” không hẳn cô đơn như chúng tôi nghĩ. Cụ thể như trước khi chúng tôi lên, bà có cơ hội đi “nhiều chuyện” khi những cơn sốt đất lan đến cù lao. Cứ vài ngày lại có người lên hỏi mua bán đất.
“Nay bà muốn ăn gì, tui nấu?”, ông Trần Văn Sên, 69 tuổi, hỏi vợ trong khi tay đang kéo một con cá tra dính câu độ chừng 2kg từ dưới ao bên hông nhà lên. “Mà thôi, để tui kho ba lát bà ăn cơm cho ngon miệng, phần còn lại để tụi nhỏ thích nấu gì thì nấu”, ông nói thêm, như thể hiểu rõ câu trả lời của bà Sáu. Bà ngồi trên võng, nhìn về phía chồng gật gù.
“Già rồi mà tình ghê! Hơn vợ chồng son”, chị Đằng, con dâu bà Sáu quay sang nói với chúng tôi và cười. Trước khi lên cù lao thăm vợ chồng bà Sáu, tôi không ít lần được nghe chị Đằng nói về hạnh phúc của ba mẹ chồng với bao sự ngưỡng mộ. “Nay tôi lên đón bà má đi khám bệnh, ba đưa má qua sông mà ổng dặn đủ điều. Bà về ở với tôi được một hai ngày mà ông chèo ghe về rước”, hay “Từng tuổi này, vậy mà mẹ nói mẹ thèm gì là cỡ nào ba cũng đi tìm mua cho bằng được. Mẹ bệnh, ba khóc suốt, nắm tay nằm kế bên. Chỉ ước mong sau này già đi, vợ chồng còn thương nhau được như ông bà”.
|
Ông bà Sáu và con cháu |
“Bây nói đây là “cù lao cô đơn”, chớ hổng có cô đơn nha. Đời còn tui, còn ổng, cô đơn gì”, bà Sáu nói, khi không còn nhìn thấy bóng lưng chồng. Quãng đời hơn 50 năm chung sống như một thước phim quay chậm trong trí nhớ của bà Sáu khi nói đến chồng. Bà là dân Long Thới, sinh ra trong một gia đình nông dân, cơ cực từ nhỏ. Cưới nhau từ năm 1975, vợ chồng bà về cù lao này cất chòi ở khi xung quanh hoang vu dừa nước, đầy những ổ kiến vàng. “Vậy mà dựng cái chòi lên, ổng xuống trụ, tui leo lên chằng mái lá. Có được cái chòi, ổng đi bắt cá, soi còng, có khi “ma dắt” đi lạc, vòng vòng cả đêm trong đám dừa nước không ra được. Tui thì đội cá trên đầu, lội sông đi bộ ra tới đường Nguyễn Hữu Thọ để bán”, bà Sáu kể.
Rồi những ngày cơ cực cũng qua, con cái lớn lên rồi trưởng thành, có cuộc sống riêng ổn định, mong đón cha mẹ về phố để tiện chăm sóc. Những người từng gắn bó với cù lao cũng theo cơn sốt đất, giã từ cơ cực để về với phố. Riêng vợ chồng bà Sáu về phố với con được vài ngày, suốt ngày nằm trong phòng máy lạnh, đói thì chỉ tay ra, cơm sườn, hủ tíu mang đến tận phòng, vẫn thấy nhớ da diết cơn gió trời lồng lộng của cù lao. Vậy rồi ông bà quyết định trở lại, tuổi già nương tựa nhau như ngày nào.
Theo lời bà Sáu, ngày nào ông cũng nấu cho bà ăn, bữa thì nui, bữa hủ tíu, những ngày còn lại thì khoai lang, khoai mì. Xong bữa sáng thì ông bà ra cuốc đất, đào ao. Sống đến nay 50 năm, con cái trưởng thành đầu sắp bạc, vợ chồng bà chưa có một tiếng lớn tiếng nhỏ, nói gì đến chuyện cãi nhau.
“Tui la ổng thì có chớ ổng có nói năng gì đâu. Tui thương ổng có một chân rưỡi à, bước đi lắt xắt, mà mần tối ngày. Giờ già, tui thương ổng nhiều hơn đó. Ổng sống với mình trọn đời, gánh hết những phần cực khổ. Con cái đã trưởng thành, tui không lo lắng gì nữa. Đêm nằm nghĩ, chỉ sợ tui đi trước, bỏ lại ổng một mình, thương đứt ruột đó bây”, bà Sáu tâm tư, khi nghĩ đến khối u ác tính ở gan mà bà đã đeo mang, chiến đấu nhiều năm nay.
Khi được hỏi chỉ vợ chồng già sống trên cù lao, có gì bất tiện không, bà Sáu gạt phăng: “Cá dưới ao, xoài, mít trên cây, thèm gì có nấy. Tui với ổng ăn không hết, mít rụng xuống ao đùng đùng, cá thi nhau đớp. Lâu lâu tui kêu tụi nhỏ lấy xuồng qua chở về chia bà con ăn. Lo là lo lúc ốm đau, vậy mà bữa ổng đau chân, tui lội ra rạch cõng ổng đi vèo vèo về tới trong đó. Lúc về nhà nhìn ba cái điện thoại để hàng hàng, tui quánh cái đầu, nghĩ mình ngu, sao không biết gọi cho con, tụi nó biết la chết”.
Theo phunuonline