|
Chị Kim Dao - con gái lớn (mẹ của tác giả) - ngày nào cũng sang tâm sự và xoa bóp cho bà, nhưng bà sợ con gái mỏi tay nên toàn bảo: “Cứ ngồi đây chơi với mẹ là được rồi” |
Những bữa ăn từ đôi bàn tay…
Hồi tôi vào mẫu giáo, cha mẹ bận rộn suốt ngày nên hầu như hôm nào cả nhà tôi cũng “ăn chực” cơm nhà ông bà ngoại. Bà tôi nấu ăn rất ngon và nguyên liệu hầu như đều lấy từ vườn. Vườn của bà có rất nhiều cây ăn trái và đủ mọi loại rau. Trước nhà bà có ao nuôi cá, trong chuồng có nuôi gà…
Mùa hè, tối nào ngoại cũng dọn cơm ngoài sân cho mát. Tôi rất thích được bà cho ăn món canh cua nấu với rau đay, mồng tơi, mướp hương và hoa thiên lý, ăn kèm với cà pháo giòn tan tự tay bà muối. Những món thịt cá, bà luôn kho nhừ với gừng (kho bằng bếp củi rồi ủ tro), tôi nghĩ cũng giúp loại bớt đạm xấu.
Tôi học tiểu học cùng 1 chị họ và 1 em họ. Trưa tan học là chúng tôi chạy thẳng về nhà ông bà ăn cơm, rồi ở đó đến tối mới về. Mùa hè, chúng tôi luôn được bà cho uống nước trái cây ngâm đường như nước mơ, nước chanh, nước đào, dâu tằm… hoặc sữa đậu nành, nước chè xanh pha với đường và chanh.
Năm bà 79 tuổi thì ông ngoại mất. Lúc đó, ông bà mới xây xong nhà được 2 tháng. Bà tôi buồn và không nấu ăn nữa. Nay ăn ở nhà người con này, mai ăn ở nhà người con khác. Bà có tất cả 6 người con (3 trai, 3 gái). Phải rất lâu sau, bà mới lấy lại tinh thần và lại muốn vào bếp.
Bà tôi có sức khỏe tốt hẳn cũng nhờ việc ăn vừa đủ. Bà luôn ăn rất ít, nhất là thịt, cá. Mỗi bữa, bà chỉ ăn nửa chén cơm, canh với một ít thức ăn. Nay đã đến tuổi 100, bà vẫn ăn uống rất giữ gìn, con cháu muốn ép hay mời bà ăn thêm cũng không được. Bà không tự nấu được, con cháu dọn cơm gì bà ăn nấy, nhưng vẫn chỉ ăn chút ít và không bao giờ ăn vặt.
Tự quyết ấm no, hạnh phúc
Quê bà ở huyện Hải Anh, Nam Định. Ngày xưa, bà đội hàng đi bộ sang tận Kim Sơn, Ninh Bình buôn bán rồi gặp ông ngoại. Ông bà yêu nhau rồi lấy nhau. Mỗi khi nghe chuyện, tôi vẫn nghĩ, trong điều kiện nào thì phụ nữ cũng có thể tự quyết được hạnh phúc của mình.
Bà tôi rất tự chủ, không sống dựa vào ông ngoại. Bà chăm ông chứ chưa bao giờ cần ông chăm lại. Chính cách sống của bà đã làm gương cho các con, đến giờ con cái vẫn rất tôn trọng, hiếu thảo với bà. Còn bà thì dù ở tuổi xưa nay hiếm vẫn giữ được tinh thần tự chủ, không phụ thuộc vào con cháu.
Ngoại tôi không được đi học, nhưng bà buôn bán giỏi đến mức mua được mảnh đất mặt tiền đường lớn dài tới 40m ở trung tâm thị trấn để chia cho các con trai. Bà tự sắp xếp, xây dựng cuộc sống. Bà tự sắm sửa, tự khâu vá. Bà ăn trầu, uống nước chè tươi hằng ngày. Bà gội đầu bằng nước lá, tắm bằng nước mưa. Bà dùng lược gỗ chải đầu nhiều lần mỗi ngày…
|
Các con, cháu, chắt cùng tổ chức sinh nhật cho bà. Bà không biết chính xác ngày, tháng sinh, nhưng năm nào bà cũng được tổ chức sinh nhật vài lần |
Con cháu thời nay phải học nhiều mới có kiến thức quản lý tài chính cá nhân. Nhưng bà tự kiếm tiền, tự thu vén. Bà rất chi tiết: khoản tiền nào để chi tiêu, khoản nào tiết kiệm, khoản nào kiếm dôi dư thêm thì mua vàng. Tôi nhớ, bà chưa bao giờ đổ thức ăn thừa, dù bà không có tủ lạnh. Cơm thừa bà sẽ đem phơi khô để rang hoặc nổ bỏng, canh nấu vừa đủ ăn và thịt cá kho mặn để bảo quản được nhiều ngày. Bà luôn có kế hoạch chi tiết cho từng buổi như sáng ăn gì, tối ăn gì và không bao giờ làm khác; luôn nhớ lịch tuần tiết để đều đặn nấu xôi thắp hương, tính toán thu hoạch rau trái ở vườn mang đi bán.
Chi li như thế nhưng ở cùng bà lúc nào tôi cũng thấy thoải mái, ấm no, đầy đủ. Cũng nhờ thuở nhỏ có nhiều thời gian bên bà nên tôi “ngấm” được tính tự quản tốt trong việc chi tiêu, không mua sắm theo cảm xúc và thích xây dựng cuộc sống an toàn khi về già.
Đặt hoàn cảnh ngoài thân
Bà tôi đặc biệt thích giao dịch - mua bán, trao đổi hàng hóa. Sau này, khi bà không buôn bán nữa thì ngày nào bà cũng vẫn ra chợ mấy lượt để mua đồ tươi ngon và để “khảo sát thị trường”, nên đầu óc bà rất minh mẫn. Chuyện gì từ thời xưa đến nay, chuyện con cháu trong nhà… bà đều kể vanh vách.
Dù xã hội có thay đổi, nhiều phát minh hay điều kiện khác ra đời, bà vẫn chỉ dùng những thứ vừa đủ và gọn gàng. Bà tôi không dùng tủ lạnh, không dùng máy lạnh, vẫn nhắc nhở con cháu tiết kiệm điện nước, tránh lãng phí. Ngoại không theo đạo nào nhưng mức độ hiểu biết về lẽ sống của bà rất cao. Phương châm sống của bà bao lâu nay luôn là “giữ mình chứ không giữ cảnh”, bởi chỉ có bản thân mình là có thể kiểm soát được còn hoàn cảnh hay những điều xảy ra vốn chẳng nằm trong khả năng.
Sớm hiểu ra như vậy nên bà đã luôn nỗ lực, chăm chút mọi thứ cho bản thân chứ không bao giờ sân hận, nói xấu hay trách cứ ai. Đối với cái chết, bà cũng coi nhẹ như không. Bà luôn sẵn sàng đón nhận cái chết mà không hề sợ hãi, tiếc nuối vì đã cảm thấy mình sống đủ nên giữ được sự bình thản những năm tháng cuối đời.
Năm nay, bà tôi đã yếu nên không di chuyển nhiều, nhưng với đại gia đình tôi, bà vẫn luôn là tấm gương sáng, là cây cao bóng cả với những bài học giá trị cho con cháu. Tôi mong bà có thể sống vượt xa con số 100 tuổi.
Theo phụ nữ TPHCM