Lâu lắm mới gặp lại dì Năm, tôi nói: “Ngày nào cũng thấy dì Năm live stream hát hò trên mạng. Dì hát hay ghê, vui ghê dì ha”. Tay cắt lá chuối, dì Năm trả lời: “Không có ai nói chuyện nên dì mới hát chứ vui vẻ gì đâu con! Dì thích có người nói chuyện lắm”. Hình như mắt dì đang ngấn nước.
|
|
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock |
Dì Năm là út trong gia đình. Hồi còn trẻ, dì rất đẹp: dáng người mềm mại, môi đỏ, da trắng như trứng gà bóc. So với mẹ tôi và những người còn lại, dì luôn là người lanh lợi; làm gì cũng khéo léo, chu toàn. Tôi nhớ lúc còn sống, bà cố hay nhìn người đoán ý. Bà cố bảo cuộc đời dì Năm sau này sẽ khổ, lắm thăng trầm.
Năm tháng trôi qua, bà cố về trời nhưng lời bà từ lâu đã ứng nghiệm. Dì Năm vì mê vẻ hào hoa, lãng tử của dượng mà phải chịu một đời đắng cay. Dượng vô công rồi nghề, suốt ngày tụ tập rượu chè khiến dì phải một tay chạy chợ, làm nông nuôi 4 người con.
Mấy chị em lấy chồng gần làng nhau, ngoài làm nông, dì Năm còn làm thêm nghề gói bánh chưng bán ở chợ nên mỗi tuần vài lượt, dì đến nhà tôi xin cắt lá chuối. Những lần dì và mẹ cùng làm lá, tôi cứ bám theo. Chẳng bao giờ tôi nghe dì kêu ca, than vãn với mẹ một lời.
Thế nhưng, tôi biết dì vất vả lắm. Có một người chồng rượu chè, lười biếng, lại đông con; dì phải bươn chải, cắn răng chịu đựng cả thể xác lẫn tinh thần. Rất nhiều lần trên con đường cha đưa tôi đi học sớm, thấp thoáng từ xa, tôi thấy dáng dì đang thu vó sau 1 đêm dài ngồi đợi trong sương.
Dì Năm là thế, dù khuya sớm, mưa nắng bao nhiêu nhưng làm gì miễn kiếm được tiền nuôi con, dì đều làm. Dì tần tảo, đắp đổi, buôn thúng bán bưng đúng như hình ảnh “con cò lặn lội sớm hôm” trong ca dao.
Mãi sau này, khi người chồng nghiện rượu mắc bệnh nặng rồi mất, các con đều đã lớn, tôi cứ tưởng đời dì sẽ sang trang, dì sẽ đi qua phía bên kia con dốc cuộc đời bình yên, êm ả. Thế nhưng, sự thiệt thòi, đau khổ như búi chỉ cứ níu mãi vào đời dì.
Mảnh đất nơi dì ở nằm ngay khu vực thuộc dự án sẽ mở một con đường lớn. Với phần đất bị cắt đi, nhà dì được bồi thường một khoản tiền lớn. Mặt khác, căn nhà cũ cũng trở nên thông thoáng, tăng giá trị nhờ sở hữu mặt tiền. Thấy mẹ có nhiều tiền, 4 người con của dì Năm, đứa trong Nam, đứa ngoài Bắc lập tức bỏ việc về nhà.
|
|
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock |
Ai nấy đều giở thói ích kỷ, đua đòi. Mỗi lần chung mâm, chẳng đứa nào để ý dì Năm đang xót xa trong nín lặng. Họ mặc nhiên lớn tiếng, đòi hơn thua, được mất ngay trước mặt dì.
Biết con hư, dì Năm chỉ buồn chứ không đành lòng làm điều gì nghiêm khắc. Dì rộng vòng tay giúp đỡ, bù đắp cho từng đứa. Theo lý của dì, vì lúc nhỏ nhà nghèo nên các con mình đã chịu một tuổi thơ cơ cực, thiếu thốn, thua kém bạn bè. Bây giờ, dì sẽ tìm mọi cách để lo liệu, cân đối. Dì mong cuộc đời mỗi đứa sẽ sáng hơn ở phía tương lai.
Các con dì Năm sau khi “ẵm” được tiền lại như chim tung cánh bay đi tìm khoảng trời riêng. Họ chẳng mấy khi về thăm dì, cũng chẳng bao giờ đoái hoài, hỏi han dì. Vậy nhưng, mỗi lần về, họ lại mang theo muộn phiền khiến lòng dì chất chứa.
Lần thì đứa con gái đầu ôm con về khóc lóc đòi ly thân vì mẹ chồng quá quắt. Lần thì đứa con trai thứ đem con về gửi vì cháu đang bệnh nhưng ba mẹ đang lỡ việc, phải theo mối đi giao hàng xa. Lần khác, đứa con trai út sau mấy tháng biệt tăm trở về thăm dò, ngỏ ý mong mẹ rút nốt chỗ tiền an dưỡng để có thêm vốn làm ăn…
Những ngày con về thăm là những ngày dì Năm chưa kịp vui đã vội vã nín nhịn, nén tiếng thở dài. Rồi khi dì giúp các con giải quyết xong xuôi mọi việc, họ lại êm xuôi rút đi không một lần ngoái đầu nhìn lại. Dì Năm lại lật đật bật máy hát karaoke…
Trong vườn, cây lá xào xạc, tôi nghe tiếng dì Năm vừa xa vừa gần: “Hát không vui đâu con. Trò chuyện mới vui. Không ai trò chuyện được khi chỉ có một mình. Mấy đứa con dì Năm đâu biết cách trò chuyện với mẹ, mà có khi, điều chúng tìm ở dì là những thứ khác thực sự cần thiết với cuộc sống của chúng hơn”.
“Đời người, mọi khổ đau rồi sẽ vượt qua được hết, chỉ cần bên mình có một người luôn biết trò chuyện, lắng nghe. Nhớ siêng về nhà nghe mẹ tâm tình nghe con” - dì Năm dặn tôi khi chiều sắp tắt nắng.
Theo phụ nữ TPHCM