leftcenterrightdel
 Mẹ tôi hay nói, khi dọn mâm cơm ra, nhìn mấy cha con xuýt xoa ăn uống, người làm bếp như bà sẽ thấy hạnh phúc (Ảnh minh họa)
Cuối cùng sau những ngày khó khăn, vợ chồng tôi đã có được một căn nhà riêng nho nhỏ. Căn nhà có sự góp tay của ba mẹ 2 bên, và chúng tôi còn phải vay mượn kha khá. Tuy nhiên khi dọn vào nhà mới trong những ngày cuối năm, vợ chồng tôi ôm nhau khóc vì hạnh phúc.

Có nhà, trách nhiệm kiếm tiền đè nặng, nhưng chúng tôi như có động lực gấp đôi. Cả 2 chúng tôi đều bận rộn. Mẹ tôi vì thế phải ra phố để trợ giúp việc chăm lo cho lũ trẻ.

Ngày mẹ ra, mẹ mang lỉnh kỉnh thực phẩm quê. Nhưng khi mở tủ lạnh, rồi ngó nghiêng bếp núc của tôi một hồi, mẹ hỏi: “Hình như… mẹ thấy nhà con ít khi nấu nướng”. Tôi nói vì cuối năm nên chúng con đi miết, bọn nhỏ ăn bán trú, tối thì giờ giấc vợ chồng trái nhau… Một loạt lý do có vẻ hợp lý, hợp tình tôi kể ra. Nhưng nghe xong mẹ thở dài: “Mẹ biết từ xưa con không thích vào bếp nấu nướng. Nhưng có một tổ ấm rồi thì không phải việc gì thích, mình mới làm đâu con”. Tôi hơi chột dạ với lời mẹ.

Đúng là tôi không thích vào bếp, nên buổi tối về nhà trong tình trạng uể oải mệt mỏi, tôi rủ chồng ăn đại gì đó bên ngoài hoặc nấu một tô mì nhỏ gọn. “Bày biện chi cho mệt, để lúc nào đó thư thư…”. Tôi hay có những lý do như vậy từ hôm dọn vào nhà mới.

“Mẹ thấy chồng con thích vào bếp. Điều đó có nghĩa nó muốn ăn cơm ở nhà chứ không đại khái như con đâu”. Mẹ tôi nổi lửa trong bếp, miệng nói bâng quơ nhưng giống một lời nhắc nhở nhiều hơn.

Tự nhiên những lời của mẹ khiến tôi ngẩn người. Hồi còn ở trọ, mỗi lần đứng trong góc nhỏ xiu xíu nấu nướng, tôi lại tha thiết mong có một căn bếp của mình. “Em sẽ nấu món này, món kia. Em sẽ sơn căn bếp màu sáng để mỗi khi lửa bừng lên, nhà mình sẽ ấm áp”. Bao nhiêu lần nói câu đó với chồng trong quá khứ, tôi không nhớ nữa.

Tôi chuyển về nhà mới hơn một tháng, chồng tôi vào bếp nhiều hơn vợ. Có khi tôi về rất muộn, nấu vội tô mình rồi ôm máy tính đến khuya. Hiếm hoi có một bữa tôi tôi bày ra như đã từng mong ước.

leftcenterrightdel
 Hình minh hoạ


Tôi nhìn mẹ thoăn thoắt lặt rau, băm băm, nấu nấu. Rồi mẹ lau lau chùi chùi, góc bếp nhà tôi sáng bóng lên. Mẹ có thích công việc đó không? Những người phụ nữ khác có thích công việc ấy không? Sao bếp nhà ai cũng cần nổi lửa? Những việc đó thực ra chỉ làm cho mình cực thân sau một ngày đã mệt mỏi bên ngoài xã hội. Nhưng mẹ tôi hay nói, khi dọn mâm cơm ra, nhìn mấy cha con xuýt xoa ăn uống, người làm bếp như bà sẽ thấy hạnh phúc. Vì mình đang chăm sóc người thương của mình mà!

“Nếu con mệt, chồng con sẽ phụ, mấy đứa nhỏ lặt rau, dọn dẹp đồ chơi, thậm chí nó còn làm được những việc con bất ngờ hơn nữa. Mình đứng bếp, bọn nhóc cũng được học thêm trách nhiệm san sẻ và chăm sóc bữa cơm gia đình”. Mẹ tôi vẫn miệt mài rủ rỉ với đứa con gái to xác mà lúc nào cũng viện đủ cớ để cho phép mình lười biếng. 

Tôi vòng tay ôm qua vai mẹ: “Con hiểu rồi, mẹ giúp con đợt này nhé. Con sẽ chấn chỉnh lại bản thân để chăm sóc chồng con...”. Mẹ cười, còn tôi lại thấy mình trở lại thời ấu thơ. Được chăm sóc, được yêu thương bởi người phụ nữ luôn hết lòng với cha con tôi...

Theo phụ nữ TPHCM