Ba má chị không ở chung với nhau được nữa, dù ông bà đã có với nhau 3 mặt con, cùng ngồi sui, dựng vợ gả chồng cho các con và giờ có cháu nội, cháu ngoại đề huề.
|
|
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock |
Bà đổ lỗi cho ông về tất cả khó khăn nghiệt ngã mà bà phải chịu đựng trong suốt quãng đời làm dâu, những giỗ chạp họ hàng, những thói tật bắt bẻ nhỏ mọn của các bà cô, bà thím bên chồng. Ông không nói gì. Tính ông vốn im lặng, chịu đựng. Nhưng rồi có lần ông đã gục ngay giữa cơn xối xả từ ngữ của bà, khi bà đang toang toang kể lể, dằn hắt. May mà cơn nhồi máu không mang ông đi, nhưng từ đó ông yếu hẳn. Chị cảm được cái đau đớn hắt lên trong mắt ba khi nghe mẹ mỉa mai bới móc những chuyện từ ngày nảo ngày nào. Chị sợ có lúc ba sẽ lại rơi vào cơn đột quỵ.
Vậy là chia 2. Mẹ về ở cùng con gái thứ hai, ba ở cùng đứa em trai út. Vợ chồng chị ở chung với ba chồng. Hằng ngày, chị chăm lo cho ba chồng ăn sáng, dặn người giúp việc làm bữa trưa cho ông rồi tranh thủ đưa đón con, chợ búa trong ngoài. Ngày hôm sau có thể đã phải sang TP Thủ Đức để thăm ba ruột, chăm cho vết thương ở chân ông mãi vẫn không lành do biến chứng tiểu đường. Ngày hôm sau nữa phải vòng qua quận Tân Phú thăm mẹ ruột. Nếu chị không tới, bà sẽ cho rằng con cái vô ơn bạc nghĩa, bỏ rơi ba mẹ.
3 ông bà cụ, 3 người giúp việc, ở 3 nơi. Vậy mà thiếu mặt con là không được, người sẽ không ăn, người sẽ lên cơn hốt hoảng cộc cằn, người sẽ bệnh nặng hơn, nhiễm trùng, sốt. Cái vòng dưỡng lão hằng tuần của chị không chỉ tốn tiền xăng, tiền gửi xe, mà khiến chị không thể dành thời gian cho bất kỳ việc gì khác. Các ông bà đã lớn tuổi, ai cũng như ngọn đèn trước gió, ai cũng như chuối chín cây, thật là gian khổ.
Một bữa chị về muộn, hôm đó ba chị bị nghẹn. Ông cứ nuốt được một muỗng cơm lại ngồi thừ ra cả mươi mười lăm phút, người giúp việc sốt ruột rầy la ông, ông cố sức nuốt, thế là nghẹn. May mà chị có ở đó, đưa ông vào viện; bác sĩ dặn nhớ theo dõi bữa ăn của ông, lần này còn may chứ chậm một chút nữa thì không cứu kịp. Chồng thấy mãi vợ chưa về nhà, gọi điện tìm. Đến lúc anh về nhà, thấy nhà cửa bề bộn, mặt chồng nhăn nhó quạu đeo, chị im lặng đi nấu cơm, dọn nhà. Lúc cả nhà ăn cơm xong, chị đứng rửa chén mà tự nhiên chảy nước mắt.
Con bé Út hỏi: “Mẹ mệt lắm hả mẹ? Mẹ đi qua ông ngoại về trễ hả mẹ?”. Chị ôm đầu con, nhìn chồng, thủ thỉ: “Ừ ông ngoại mệt, mẹ phải đưa ông vô bệnh viện. Mà con nhớ mai mốt con cũng phải ở cạnh ba, canh coi nếu ba bệnh, ba mệt cũng phải đưa ba vô bệnh viện nha”. Con bé nói: “Con biết rồi, anh Hai chơi game đâu có để ý ba. Hồi nãy con thấy ba đói bụng, con lấy đồ cho ba ăn liền. Mà tại ba hông chịu ăn đó chớ”.
Chồng chị nhìn 2 mẹ con, như nhận ra một điều rằng trong hình hài của người phụ nữ gần 50 tuổi đang đứng trước mặt anh kia, có bóng dáng cô con gái mà anh cưng yêu hết mực. Cô bé ấy rồi sẽ lớn, rồi sẽ trở thành mẹ, thành bà. Con gái anh, đứa con gái mà người đàn ông to lớn là anh hôm nay rồi sẽ dựa cậy vào, sẽ “nhõng nhẽo” đòi được con quan tâm chăm sóc trong những ngày đau ốm, cho đến tận cuối đời. Ừ thì trẻ cậy cha, già cậy con, chứ còn biết trông vào ai được nữa.
Chị ngó theo ánh mắt chồng đang nhìn vào màn hình camera. Trong màn hình đen trắng đó, có một ông già gầy gò đang nửa nằm nửa ngồi trên chiếc giường y tế ở tầng trên, mắt ông nhìn vô định vì không có ai xung quanh cả. Chồng chị ngập ngừng, rồi như hơi ngượng nghịu, anh nói: “Để anh lên thăm ba chút”. Con bé nhảy phắt lên bậc thang đầu: “Con đi với ba”.
Nhìn 2 cha con dắt tay nhau đi lên lầu thăm ông nội, chị thấy nước mắt bớt tràn ra khóe mắt. Cuộc đời con người, dài vậy mà cũng ngắn vậy, dễ dàng gì mà chắt chiu, dành dụm được khoảnh khắc nhỏ này. Chị biết, gia đình chị vừa dành tặng cho nhau một điều vô giá.
Theo phụ nữ TPHCM