Có lần, các cặp vợ chồng thân rủ nhau cà phê. Cánh đàn ông bàn về chuyện tặng quà cho vợ dịp lễ 8/3, 20/10, sinh nhật, tình nhân... Nhân - chồng Hà - nói vợ chồng anh sống thực tế, quà cáp không nói lên vấn đề gì.

Đám bạn cho rằng Nhân nghĩ đơn giản quá, phụ nữ có thể mua sắm bằng tiền của bản thân, nhưng họ luôn muốn chồng tặng gì đó. “Gần 20 năm mà không tặng quà cho vợ, hỏi cô ấy buồn không? Đàn bà, ai mà chẳng thích được chồng tặng quà?”. Nhân không nghĩ vợ mình... thèm quà đến vậy.

Ảnh mang tính minh họa - Freepik
Ảnh mang tính minh họa - Freepik

Nhân tự tin hỏi vợ có cần chồng tặng quà những dịp lễ không. Nhìn quanh, toàn những gương mặt thân quen, Hà thành thật: Quà mà không thích thì thích cái gì hả chồng? Hà chỉ nói chừng đó thôi, nhưng về nhà bị chồng trách, chồng bảo có cần phải nói thẳng như vậy không.

Hà ôn tồn: “Mọi người là bạn thân của em, họ muốn góp ý để cuộc sống vợ chồng mình được vui vẻ, cũng giống như mình từng quan tâm đến những câu chuyện của họ vậy mà”.

Nhân không nghĩ chuyện tặng quà là nghĩa vụ của đàn ông. Tiền bạc, anh không hề khắt khe, vợ thích mua gì thì cứ quẹt thẻ, hoặc thích mua gì thì cứ nói để chồng đưa đi mua, đừng bắt chồng phải nát óc chọn quà. Với anh, đọc sở thích, đọc suy nghĩ của vợ là việc làm khó nhất trên đời. Vợ chồng, có gì nói thẳng để hiểu nhau hơn.

Hôm đó, anh cũng bộc bạch: “Từ nay, vợ muốn mua gì, anh chở đi, tới nơi vợ được chọn lựa theo sở thích. Vợ được quyền đòi quà mà”. Nghe mấy lời của chồng, Hà thấy mình dại. Cứ nghĩ chồng vô tâm rồi tủi thân, ấm ức suốt gần 20 năm. 8/3 năm nay, Hà quyết biến ông chồng vô tâm của mình thành ông chồng... có tâm, bằng cách dẹp cục tự ái sang một bên, sẽ đòi quà, vừa giá trị về vật chất lẫn tinh thần.

Mấy năm trước, Hà thấy mình “có qua” nhưng chồng không “có lại”, nên cô mất hết kiên nhẫn, không đòi tặng nữa. Giờ thì mọi chuyện dễ dàng rồi. 

Theo phụ nữ TPHCM