Trong cuộc đời, nhiều người có xuất phát điểm giống (ngang) nhau về gia cảnh (thành phần), học vấn… Từ xuất phát điểm ấy, mỗi người rẽ đi mỗi hướng - người đi nhanh, người chậm lụt, người bình chân, người dừng lại hẳn… tạo nên sự đa dạng trong cuộc đời, mỗi người một hoàn cảnh, tâm trạng, cuộc sống riêng… không ai giống ai, ngày càng rời xa xuất phát điểm ban đầu.

leftcenterrightdel
 Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock

Cuộc sống hôn nhân cũng không ngoài quy luật ấy. “Đôi bạn ngày xưa học chung một lớp”, thậm chí, anh còn học giỏi hơn chị. Ra trường, anh làm cơ quan quản lý nhà nước, đời công chức, lương, thưởng ổn định, đóng… bảo hiểm đều đặn. Chị làm doanh nghiệp, lương khởi điểm cao hơn anh nhiều. Mọi thứ trong nhà một tay chị chỉ huy. Rồi doanh nghiệp giải thể, chị chuyển sang doanh nghiệp khác, lương cao hơn… cứ thế thăng tiến. Anh tụt hậu dần trong mắt chị với cái nghề công chức đều đều buồn tẻ, ngày ngày cắp cặp vào cơ quan lơ ngơ như kẻ mộng du. Một ngày, doanh nghiệp chị… phá sản. Tuổi đã cao, chị không còn bay nhảy nơi nào nữa, phải lui về nhà.

Cái người “lơ ngơ” vậy mà hay, sống lâu lên lão làng, 3 năm đều đều tăng lương, cộng thêm những năm chí thú học hành chuyên môn, thêm phụ cấp khiến lương lên cao ngất ngưởng, chưa kể các khoản ngoài lương, phong bì giao tiếp, họp hành. Bây giờ, gia đình lại trông chờ vào đồng lương mà ngày xưa khi nắm tiền tỉ (của cơ quan), chị đã nhìn anh với con mắt coi thường.

Nhiều trường hợp, xuất phát điểm hơi chênh nhau. Chồng tốt nghiệp ngành hóa một trường đại học hàng tốp, vợ một trường dân lập. Ra trường, mẹ chồng không muốn con trai làm nghề hóa vì sợ bệnh dị ứng hóa chất, bèn xin cho con vào một tòa soạn, làm kỹ thuật trang online. Vợ ban đầu làm việc ở công ty giống cây trồng. Tưởng thế là yên phận, vợ chồng sớm tối có nhau. Một ngày, vợ nhận lời mời về dạy ở trường đại học nơi chị đã từng học. Trường cũ, bạn bè, thầy cô quen biết, vợ thấy tự tin. Thời cơ đến, vợ học thạc sĩ, học thêm tiếng Anh. Vừa sinh con đầu lòng, vợ có suất học bổng làm tiến sĩ ở nước ngoài. Mang con gửi về nhà ngoại, vợ lên đường.

Bây giờ, thỉnh thoảng nghe ông ba chồng nói chuyện, đời không biết đâu mà lần; hồi chúng nó quen nhau, tưởng con trai học trường danh giá ngon hơn con dâu, hóa ra con dâu vượt lên, còn con trai giậm chân tại chỗ, nếu không nói là thua xa.

Rất nhiều trường hợp cùng một xuất phát điểm, người chồng thăng tiến trong sự nghiệp là chuyện bình thường; nhưng ngược lại, dù cuộc sống gia đình người ngoài nhìn vào thấy êm ấm, khó khẳng định được người chồng không mặc cảm - không chỉ bởi thua sút vợ mà còn với bạn bè, bà con… Lạ nữa, vào trường hợp này, nhiều người chồng thường an phận.

Trong khi đó, người phụ nữ, muốn vẹn cả đôi đường, tự bản thân họ phải cố gắng rất nhiều; không thể bỏ bê con cái hay phó thác hết nhà cửa cho chồng hay người giúp việc. Vậy nên, nhiều bà mẹ có con gái học giỏi mà không thấy vui. “Học đến mấy cũng phải đi chợ, rửa chén, đám giỗ bên chồng cũng phải xắn tay áo vào nếu không muốn bị… người ta xa lánh hay coi thường”. Ấy là nói điều bi quan, chứ thực ra các cô bây giờ đừng có hòng, phải tôi ở, không phải chia tay. Thế hệ già nghe vậy lại thở dài, vợ học cao cho lắm rồi khinh chồng.

Cô nào hiểu được rằng, sự nghiệp của cô hôm nay có công đóng góp rất lớn của ông chồng là điều tuyệt vời. Không chỉ cô hiểu mà chồng cũng phải biết. Chồng biết, phân công xã hội như vậy rồi, khả năng vợ được phát huy, vợ được làm việc trong một môi trường tốt, không chỉ nâng cao trình độ mà còn có tiền lương xứng đáng. Không phải chồng dở mà là duyên ai người nấy hưởng. Giỏi còn có yếu tố may mắn mới quyết định thắng - thua. Từ cổ chí kim, biết bao người tài gặp hạn.

Mới thấy, thành công hoàn toàn phụ thuộc thiên thời, địa lợi, nhân hòa. Cùng điểm xuất phát nhưng hơn thua còn ở vận - hạn. Đôi khi để nghiệm ra được điều này, con người phải trải qua biết bao điều chua xót bởi sự không đồng cảm từ vợ hay chồng.

Vợ hiểu chồng, chồng biết vợ, bí kíp nghe đơn giản vậy, nhưng nếu thực hành được thì gia đình sẽ nhận được nhiều lợi ích.

Theo phụ nữ TPHCM