“Chào tháng 3, tháng của chị em chúng mình”! Một cô đồng nghiệp của tôi đã đăng lên trang cá nhân của mình câu đó, kèm theo hình ảnh cả phòng kéo nhau đi ăn uống vào 8/3 năm ngoái.
Do đặc thù ngành nghề, công ty tôi rất đông nữ, chỉ lác đác vài anh nam ở bộ phận kỹ thuật. Mỗi năm, vào các dịp lễ lạt của phái yếu, các anh tương đối phải “gồng” thì mới lo xuể. Dù không bày biện nhiều, nhưng vẫn tốn mỗi người một khoản tương đối. Càng chẳng thể giả vờ quên hay lảng tránh được, bởi cánh chị em “truy sát” vô cùng ráo riết, như thể đó là quyền lợi đương nhiên của mình vậy.
Mỗi người một cành hoa, đãi ăn trưa cả tổ, rồi giỏ hoa riêng cho lãnh đạo nữ. “Xong cái lễ đầu năm này cũng thấy nhẹ cả người, phải tới tháng 10 mới phải lo lần nữa”, một anh đồng nghiệp đã thật tình chia sẻ.
"Anh đâu có quan tâm tới mấy cái ngày này, em cũng biết mà? Anh Sơn khó chịu trả lời khi vợ hỏi “quà đâu?”. Chị Nga tủi thân khi biết chồng chẳng chuẩn bị gì lại còn “thái độ lồi lõm”.
Đã nhiều lần vợ chồng chị cãi nhau vì anh Sơn thờ ơ, vô tâm, nhưng rồi đâu cũng vào đó. Chẳng lẽ lại… bỏ nhau vì chồng không lãng mạn, chẳng có chút tâm ý gì cho vợ.
Thật ra chị Nga từng nghĩ tới điều ấy, nhưng rồi không dám thực hiện, bởi anh Sơn vốn dân công trình, ăn to nói lớn, đi vắng suốt, nhưng anh có trách nhiệm với gia đình, phụ trách chính kinh tế trong nhà.
Nếu nói anh là người chồng tệ thì không đúng. “Sau này mình biết ý rồi, suy nghĩ thoáng hơn, nên cũng thoải mái trong lòng”. Chị Nga từ hồi “vỡ” ra được thực tế mỗi nhà mỗi cảnh, thì đã nhẹ người, bớt trách móc. Chị cầm tiền chồng “nộp” để mua thứ mình muốn, rồi chủ động chuẩn bị bữa cơm tươm tất hoặc đặt chỗ cho cả gia đình đi ăn. Thế là vui vẻ, đỡ cắng đắng nhau, không khiến chồng áp lực.
|
Món quà nhỏ mang ý nghĩa tinh thần vẫn đủ vui và ấm áp, phải không? (Ảnh minh họa)
|
Theo tôi, thi cắm hoa, nấu ăn, biểu diễn văn nghệ… vào “ngày của chúng mình” là điều đáng được tôn vinh, trân trọng, còn khoe quà trên mạng xem ai “thu hoạch nặng ký” hơn, hoặc oán trách giận hờn vì mình bị bỏ rơi, bị nhận quà không đúng như đã “gợi ý hoặc đề xuất” là điều khó coi.
Một ngày lễ không phải là cơ hội duy nhất để ai đó bày tỏ thành ý hay tấm lòng chân thật của họ. Đó chỉ là một sự kiện, như bao nhiêu sự kiện buồn vui khác trên cõi đời phức tạp này.
Quốc tế phụ nữ khác với lễ tình yêu, nên xin đừng quên ngoài vợ hoặc bạn gái, thì chúng ta vẫn còn mẹ, chị em gái trong nhà, con gái, bạn thân là nữ giới… Những bóng hồng ấy dù ở độ tuổi hoặc cân nặng như nào thì cũng vẫn rất vui khi được người thân nhớ tới vào ngày này. Không cần gì nhiều, cũng chẳng mấy khó. Về sớm, mua chục trứng vịt lộn, ổ bánh bò hấp, rồi cả nhà cùng ăn chung là vui rồi. Hoa và quà, có thì tốt, không có cũng đâu sao, đừng tự làm khó mình khó người, phải không!
Ngày nay, đa phần chị em đều đi làm, nên rất đề cao vai trò và sự đóng góp của mình cho xã hội và gia đình, xem trọng khái niệm bình đẳng giới. Thế nhưng, sự cực đoan hoặc cứng nhắc có thể làm mất, làm giảm ý nghĩa của vẻ mềm mại nữ tính. Bình đẳng đâu có nghĩa là khăng khăng từ chối hoa hay quà nam giới chân thành trao tặng. Càng không phải là hùa nhau bắt đồng nghiệp nam mời đi ăn, bắt “bao”.
Sự bình đẳng, độc lập, mạnh mẽ… của phái đẹp chính là cảm giác ung dung tự tại, làm chủ cảm xúc và túi tiền. Muốn mua gì đều có khả năng tài chính lẫn quyền tự quyết được mua hay không. Là không quá vui hoặc quá buồn trước những bề ngoài phù phiếm hay hào nhoáng, sẵn sàng cảm thông khi chồng hay người yêu “lỡ quên” hoặc “lỡ dại” tổ chức khác với mong mỏi của mình.
Đó mới là một 8/3 ý nghĩa và trọn vẹn nhất. Bạn có đồng ý không?
Theo phụ nữ TPHCM