Nhóm các anh chị em đang sinh sống và làm việc trong các ngành nghề khác nhau tại Kiev
Định cư ở đất nước Ucraina cũng mấy chục năm, con cái sinh ra lớn lên và đã trưởng thành, có cháu còn kết hôn với người bản địa. Chính vì vậy hầu như mọi gia đình người Việt hòa cùng niềm vui nơi nước sở tại đều tổ chức đón mừng năm mới theo lịch chung trên toàn thế giới. Thế nhưng cứ mỗi độ Xuân về, Tết cổ truyền gần tới nơi quê nhà Việt Nam, những nỗi nhớ quê hương, kỷ niệm về những năm xưa được đón Tết cùng ông bà, cha mẹ, người thân lại dâng trào trong tâm tưởng mọi người để rồi họ lại nao nức chuẩn bị để cùng nhau đón Tết, duy trì nét đẹp văn hóa của quê hương, giữ gìn bản sắc của dân tộc cho con cháu mình.
Dù những món ăn đặc trưng của các vùng miền được các gia đình chuẩn bị để dâng cúng, thắp hương trên ban thờ và mâm cơm ngày Tết phong phú đến đâu cũng sẽ không có được hương vị Tết nếu thiếu bánh chưng. Trừ những năm đã xa, khi chưa có điều kiện, những chiếc bánh chưng gói bằng lá dong chỉ có được khi có ai về phép Việt Nam mang sang, chia sẻ hương vị quê nhà với bạn bè cùng học, cùng làm việc. Còn những năm sau này, khi việc đi lại dễ dàng, thuận tiện, những chiếc lá dong được mang sang trước Tết một, hai tuần để rồi cùng những hạt gạo nếp, đỗ xanh, thịt lợn, hạt tiêu… được gói bằng những bàn tay khéo léo thành những chiếc bánh vuông vắn, mang trọn hương vị Tết cổ truyền của dân tộc tới các gia đình.
Ở thành phố Kiev, để có được khung cảnh cùng gói bánh chưng, cùng ngồi quây quần bên nhau quanh nồi bánh chưng sôi sùng sục như ở nơi quê nhà là rất khó bởi hầu như các gia đình đều sống ở khu chung cư, trong các căn hộ. Bánh chưng vì vậy được gói, luộc bởi một vài người ở những ngôi nhà riêng có điều kiện đun nấu rồi giao lại theo đặt hàng của những đơn vị tổ chức Tết chung cho cộng đồng hay các công ty của người Việt chia làm quà biếu Tết cho các nhân viên và bán trong gian hàng khô cùng các nguyên liệu chế biến đồ ăn khác của người Việt.
Những năm gần đây, do tình hình làm ăn kinh tế khó khăn, số lượng người gói bánh để giao bán ít đi do có nhiều người đã trở về Việt Nam sinh sống. Việc tổ chức Tết cũng tiết kiệm hơn, thế nhưng bánh chưng vẫn là món ăn không thể thiếu trong ngày Tết. Trước đây, chỉ một số gia đình đông con cháu hay một vài nhóm anh chị em bạn bè họp nhau lại cùng gói bánh chưng chung rồi hoặc cùng luộc chung một nồi to, hoặc chia nhau mang về tự luộc ở các bếp của gia đình mình. Bây giờ đã có nhiều hơn trước những gia đình hay những nhóm như vậy. Với họ, đây là một dịp để cả đại gia đình được xum họp, quây quần, anh chị em bạn bè có những ngày giờ vui vẻ đầm ấm bên nhau ăn chung một bữa cơm, cùng ôn lại những kỷ niệm xưa về Tết nơi quê nhà, chỉ dẫn cho nhau từ cách gói luộc bánh chưng, chế biến các món ăn ngày Tết của các vùng miền, đến chia sẻ, động viên nhau vượt qua những khó khăn của cuộc sống hiện tại…
Chỉ với chiếc nồi nhỏ vừa vặn với mấy chiếc bánh chưng được chia sau khi đã cùng nhau gói cũng đủ làm ấm sực, lan tỏa khắp trong gian bếp của gia đình mùi thơm đặc trưng của những ngày Tết nơi quê nhà. Ký ức đẹp đẽ về từng con phố, làng quê gắn bó, thân thương, những kỷ niệm và những câu chuyện về Tết xưa được ôn lại cùng những người thân trong gia đình… và họ tin rằng Tết cổ truyền của dân tộc sẽ luôn được gìn giữ, duy trì và trường tồn trong đời sống thế hệ kế tiếp của những người con xa xứ.
Theo Quê Hương