Theo Sở VH-TT-DL Vĩnh Long, nghề làm tàu hũ ky tại xã Mỹ Hòa, TX.Bình Minh khởi nguồn từ nghề gia truyền của người Hoa từ đầu thế kỷ 20. Năm 1912, ông Châu Xường cùng vợ và 2 người con trai là Châu Khoạnh (1894 - 1974), Châu Sầm (1900 -1973) bắt đầu nghề làm tàu hũ ky. Dần dần, người dân trong khu vực theo nghề này và sản phẩm bán ra khắp vùng, từ đó hình thành nên làng nghề.
Nhà có 5 đời theo nghề truyền thống
Ngày nay, tàu hũ ky không chỉ dành riêng cho người ăn chay mà rất đa dạng, phong phú trong việc kết hợp với các nguyên liệu khác để tạo nên nhiều món ăn ngon, ngay cả việc kết hợp với một số món ăn mặn cũng tạo nên thương hiệu cho tàu hũ ky Mỹ Hòa.
Ông Nguyễn Văn Công (64 tuổi, ngụ ấp Mỹ Khánh 1, xã Mỹ Hòa, TX.Bình Minh), cháu nội ông Châu Sầm, cho biết làm tàu hũ ky chủ yếu là các hộ dân sống dọc theo sông, thuộc ấp Mỹ Khánh 1. Ông là người nối nghiệp đời thứ 4. Ban đầu, khi về đây, ông nội và cha làm nghề chỉ nấu có 7 chảo và dùng rơm để đốt. Sau đó, nhiều người trong xóm làm theo rồi hình thành nên làng nghề. Hiện nay, con gái ông Công cũng theo nghề này, tức là đời thứ 5. Nghề vất vả mà thu nhập không nhiều, chủ yếu lấy công làm lời, nhưng vì muốn giữ gìn nghề truyền thống của cha ông nên mọi người cố gắng làm.
"Hiện gia đình tôi có 2 giàn với 42 chảo. Mỗi cữ (từ 3 - 4 ngày) cho ra khoảng 75 kg tàu hũ ky thành phẩm khô. Với giá bán khoảng 120.000 đồng/kg, mỗi cữ tôi lãi khoảng 1 triệu đồng. Nguyên liệu là đậu nành nhập khẩu và than bụi, tức là than bể, giá rẻ hơn than nguyên cục. Mỗi nhà có kinh nghiệm để làm miếng tàu hũ dai mỏng theo yêu cầu. Còn cơ sở nào sản xuất nhiều thì đầu tư lò hơi, nhưng đắt tiền lắm, tôi không theo nổi. Tôi làm theo đơn hàng nên làm ra là bán hết. Lời không nhiều lắm, chủ yếu lấy công làm lời và giữ nghề", ông Công chia sẻ.
Theo ông Công, nghề này khá vất vả vì phải thao tác liên tục. Để tàu hũ ky dai và ngon thì quan trọng nhất là khâu chọn hạt đậu nành, còn công thức làm thì từ xưa đến nay vẫn vậy. Đậu nành đem phơi khô rồi ngâm, sau đó cho vào cối xay nhuyễn. Nước cốt đậu nành được cho vào các chảo đun liên tục. Người thợ phải đứng canh lớp váng phía trên, dùng que chuyên dụng vớt lớp váng đã chín vắt lên sào phía trên. Lớp váng này sau khi ráo nước sẽ được đóng gói dạng tươi hoặc phơi khô để giữ lâu hơn.
"Vừa qua, nghề làm tàu hũ ky được công nhận di sản văn hóa phi vật thể, tôi vui lắm. Tôi hy vọng chính quyền có chính sách hỗ trợ các gia đình làm nghề lâu năm giống gia đình tôi để nghề ngày càng phát triển và sản phẩm có mặt ở nhiều tỉnh, thành trong nước hơn", ông Công kỳ vọng.
Sản phẩm tiêu biểu ĐBSCL
UBND TX.Bình Minh cho biết năm 2013 làng nghề được Cục Sở hữu trí tuệ công nhận nhãn hiệu tập thể "Tàu hũ ky Mỹ Hòa - Bình Minh". Năm 2017, sản phẩm của làng nghề đoạt giải thưởng sản phẩm tiêu biểu ĐBSCL. Ngày 4.8.2022, Bộ VH-TT-DL ra Quyết định số 1832 đưa nghề làm tàu hũ ky vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Hiện tại, làng nghề tàu hũ ky Mỹ Hòa có 33 hộ, mỗi ngày sản xuất khoảng 3 tấn sản phẩm. Có 2 cơ sở đầu tư lò hơi để sản xuất số lượng lớn. Thương hiệu tàu hũ ky Mỹ Hòa được khách hàng tại ĐBSCL và nhiều khu vực trong cả nước ưa chuộng.
Bà Nguyễn Thị Quyên Thanh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long, cho biết trải qua hàng trăm năm, làng nghề dù có cải tiến quy trình và công cụ sản xuất để nâng cao chất lượng sản phẩm và tiến độ sản xuất nhưng vẫn giữ hồn cốt gắn với kinh nghiệm đã có từ hàng trăm năm. Niềm vinh dự khi được vinh danh không chỉ khẳng định nghề làm tàu hũ ky là một di sản có đầy đủ các tiêu chí mang tính đại diện, thể hiện bản sắc địa phương, cộng đồng; phản ánh sự đa dạng văn hóa và sự sáng tạo của con người, được kế tục qua nhiều thế hệ, có khả năng tồn tại lâu dài, mà còn là minh chứng cho tình yêu, sự trân trọng giá trị lao động, ý thức giữ gìn bản sắc văn hóa và tinh thần đoàn kết, tương trợ mang tính cộng đồng trong lao động của người dân Vĩnh Long.
Để bảo tồn và phát huy giá trị của nghề làm tàu hũ ky Mỹ Hòa, UBND tỉnh Vĩnh Long đã đề nghị các đơn vị nhanh chóng xây dựng Đề án bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể để làng nghề phát triển bền vững, hiệu quả và lâu dài. Theo đó, ứng dụng công nghệ số trong quản lý, quảng bá và xúc tiến thương mại sản phẩm; mở rộng thị trường hoạt động, xây dựng thương hiệu cho làng nghề. Đồng thời, nghiên cứu đề xuất cơ chế, chính sách hỗ trợ các hộ dân trong tỉnh nói chung, các hộ dân làng nghề làm tàu hũ ky ở xã Mỹ Hòa nói riêng; định hướng hoạt động du lịch và các hoạt động dân sinh khác trong làng nghề tàu hũ ky phù hợp với quy hoạch các cấp; xây dựng khu trung tâm giới thiệu làng nghề, xây dựng các hoạt động trải nghiệm cho khách tham quan, góp phần phát triển du lịch một cách bền vững…
Theo Thanh niên