Hồi nhỏ, nhà nấu cơm bếp củi. Mẹ thường chỉ tôi canh nước bằng cách dùng lóng tay đo. Tôi máy móc làm theo, gạo ít cũng đo như gạo nhiều nên cơm nhiều bữa nhão như cháo. Mẹ hỏi, biết nguyên nhân, mới dặn: “Bữa sau lỡ đổ nước nhiều, thấy cơm sôi lâu chưa chịu cạn thì chắt nước ra”.

À, ra vậy, từng thấy mẹ làm mà tôi quên. Chiều ấy mẹ về, tôi hí hửng khoe: “Hôm nay con nấu cơm biết chắt nước rồi nha”. Chị Hai nhìn quanh, hỏi: “Vậy rồi chén nước cơm đâu?”. “Dạ, đổ rồi” - tôi đáp. “Trời ơi, nước cơm để uống sao lại đem đổ?”.

Mẹ dàn hòa, dặn lần sau nấu cơm, chắt nước, con không uống thì để dành người khác uống. Nước cơm ngon, bổ, đừng đổ phí lắm.

Nước cơm là món ngon của tác giả thuở nhỏ
Nước cơm là món ngon của tác giả thuở nhỏ

Hôm sau, tôi ở nhà nấu cơm, chắt nước, xong đem “chế biến” như chị Hai chỉ. Khuấy đường xong, đợi nước cơm nguội, còn hơi ấm, tôi rón rén hớp thử một hớp. Ngon thật! Hương gạo thơm, vị bột cám gạo tan trong chén nước cơm bùi, béo, quyện thêm chút ngòn ngọt của đường càng kích thích vị giác, tưởng chừng đang uống sữa - cái thức uống xa xỉ mà thời nghèo cực chúng tôi chỉ được biết mùi mỗi khi đổ bệnh.

Vị ngon của chén nước cơm khiến tôi được đà “làm tới”, quên béng ý định ban đầu - hớp thử một hớp, còn dành phần chị Hai.

Quen ăn bén mùi, hôm nào được mẹ giao nấu cơm tôi cũng cố tình đổ nhiều nước để… chắt nước cơm. Mẹ dặn: muốn có nước cơm ngon phải canh, đợi cơm sôi già, nước trên mặt nồi hơi đặc lại, ngả sang màu trắng đục mới chắt. Nước cơm chắt đúng độ, uống sẽ bùi, béo đậm đà, chỉ cần thêm tí muối, không cho đường vẫn ngon.

Thêm nữa, chén nước cơm để nguội còn tạo thành lớp váng dẻo trên mặt, vớt ăn rất khoái.

Sau này tôi hóa “tín đồ” trung thành của món nước cơm. Mẹ biết ý, hôm nào nấu cơm cũng chắt nước dành riêng cho tôi một chén. Đi học, đi làm về đúng bữa cơm, bao giờ tôi cũng dáo dác tìm chén nước cơm để uống trước khi ăn.

Chẳng biết có phải nhờ uống nước cơm nhiều không, nhưng thời thơ ấu quả thật tôi có khỏe mạnh, lớn mau, ít bệnh tật. Mẹ luôn khẳng định điều đó, cho dù bà không được học hành, bảo chỉ dựa vào kinh nghiệm của cha ông(?). Tôi thú thật, hơi nghi ngờ.

leftcenterrightdel
 Ảnh mang tính minh họa - Internet

Mãi đến lúc trưởng thành, quyết đi tìm hiểu thông tin khoa học để “giải nghi” cái vụ nước cơm ngày nhỏ mới vỡ lẽ: hóa ra mẹ tôi nói đúng nước cơm - thức uống dân dã tưởng chừng không mấy giá trị kia lại là thứ thực phẩm bổ sung mang công dụng tuyệt vời cho sức khỏe. Lành và bổ, hàm lượng dinh dưỡng khá, đặc biệt chứa rất nhiều vitamin và vi chất quý. Mẹ tôi không biết tri kiến “hàn lâm” ấy, nhưng bằng trực giác, kinh nghiệm và tình thương, bà đã nuôi nấng con đúng cách để hôm nay nó được khỏe mạnh, nên người.

Giờ là thời đại 4.0 với những căn bếp sạch bong, lỉnh kỉnh nồi niêu xoong chảo… điện. Nấu cơm nồi điện, không ai còn đi chắt nước, muốn chắt cũng không thể và chắt để làm gì khi lũ trẻ nay chỉ quen mùi trà sữa. Thời thế khác khiến sở thích, nhu cầu cũng khác.

Vẫn biết cuộc sống bây giờ đi lên, tiện nghi, phát triển hơn xưa; nhưng con người ấm no nhờ tiến bộ, lòng vẫn không quên cái thuở “hàn vi”, nên thi thoảng cứ hay lãng đãng nhớ nhớ thương thương những điều xưa cũ.

Mẹ tôi đi xa lâu rồi và tôi cũng đã xa lâu lắm cái tuổi lên 10, ngóng tới giờ nấu cơm để được “lộc” là chén nước cơm bốc khói. Vậy nhưng hương vị món nước cơm ngày nhỏ thi thoảng vẫn ngọt vào tận giấc mơ…

Theo phụ nữ TPHCM