leftcenterrightdel
 Ảnh minh họa

Thời gian trọ học cấp ba nơi thành phố, tôi có thể về quê ngoại vào mỗi chiều cuối tuần. Khi mà khoảng cách về với ông bà gần, dễ dàng hơn bắt một chuyến xe, vượt một chặng đường dài về nhà mình. Về với ngoại cho vơi đi nỗi nhớ nhà thăm thẳm, cho vơi đi cảm giác chênh vênh của một đứa trẻ lạc lõng nơi phố thị. 

Mỗi lần tôi về, bằng một cách nào đó, ngoại đã chạy lên con lộ lớn phía trên nhà, nơi có một sạp bán thịt lợn hiếm hoi, mua một miếng thịt về nấu đãi đứa cháu ngoại. Bằng một cách nào đó, lần nào ngoại cũng dúi vào tay tôi dăm đồng để đi học mua gì đó bồi dưỡng thêm. 

Những tờ tiền ngoại tự thu vén, tiết kiệm cất giữ trong chiếc túi nhỏ lận phía trong áo cẩn thận. Những tờ tiền lẻ quý giá được nâng niu bằng tất cả tình thương. Ngoại chẳng dám tiêu gì cho mình song sẵn sàng trao gửi hết cho đứa cháu nhỏ. Bằng một cách nào đó, hẳn ngoại muốn bù đắp cho đứa cháu gái thiếu vắng tình thương của cha mẹ.

Ngày đó, ngoại còn khỏe và minh mẫn, nụ cười hiền như nắng mai, ấm áp như ánh lửa dịu dàng giữa đêm Đông giá rét. Ngoại thích ăn trầu và hầu như bên cạnh người, trong chiếc túi áo vuông luôn có chiếc cối giã trầu nho nhỏ. Cối được cậu tôi làm bằng mảnh vỏ đạn, gửi về từ chiến trường năm nào. 

Cậu đi bộ đội, ngày trở về chỉ là tờ giấy báo tử lặng lẽ. Từ đó, ngoại thu mình, lặng im hơn và thường xuyên giữ chiếc cối cạnh bên như mang theo hình bóng đứa con trai. Ngoại thường ngồi bên bàn thờ thủ thỉ trò chuyện như cậu vẫn còn đó.

Ngoại dồn hết thương yêu, chăm chút cho tụi nhỏ bằng tình thương mộc mạc mà đậm đà. Nghĩ về ngoại là nhớ hoài hương trầu cay thoang thoảng, bảng lảng trong không gian, vướng vít mỗi lần về bên. 

Hương thơm lưu cữu ký ức, động đậy cùng năm tháng. Hương thơm giản dị, bình an, của sự trở về. Hương thơm như cổ tích, gợi dậy mùa xưa cũ ấm áp mà tôi vẫn thường thích hít hà. Chúng tôi vẫn thường tranh nhau được làm nhiệm vụ giã trầu cho ngoại. 

Một miếng cau, miếng trầu đã têm, một chút thuốc lào, một chút chay nho nhỏ. Tất cả quyện hòa với nhau tạo nên hương thơm đặc trưng, khó lẫn. Bởi ngoại có một đàn cháu nhỏ nên chúng tôi phải oẳn tù tì để đến lượt được làm công việc ấy. Niềm vui vẫn thường râm ran chảy trong huyết mạch. 

Tôi thích sà vào lòng ngoại để được ôm, được nghe ngoại kể chuyện, được ấp ủ vào lòng hương thơm dịu dàng, thân thuộc ấy. Hương thơm khắc khoải đi theo tôi qua tháng năm, khiến cho tôi hoài nhớ người bà của mình.

Năm tháng sau này, rời xa mùa hè bên ngoại, rời xa những buổi chăn trâu, đuổi bắt ngoài đồng, tôi cũng rời xa bao nhiêu điều êm đẹp bên mình. Tôi vẫn thường thổn thức thèm nhớ món khoai xéo đậm vị của ngoại. 

Mỗi năm đến mùa khoai, ngoại thường lo lắng phơi phóng khoai dưới nắng thơm, chờ những ngày mùa Đông giá rét nấu một nồi khoai xéo đủ vị cho tụi nhỏ, hay để dành đến mùa hè năm sau tụi nhỏ về kiểu gì cũng có món yêu thích. 

Khoai phơi khô, được nấu cùng với nếp, lạc rang và dùng đũa xéo đều với nhau, món ăn lấp đầy ký ức, rót mật ngọt cho những năm tháng hồn nhiên thơ trẻ. Bằng một cách nào đó, ngoại đã nhen nhóm tình yêu với những điều bình dị trong tôi để nỗi nhớ ghim chặt, chẳng thể phai mờ.

Tôi mỗi ngày lớn khôn, đồng nghĩa ngoại mỗi ngày già theo thời gian. Người chẳng còn minh mẫn như xưa. Duy chỉ có tình thương của ngoại vẫn mãi tròn đầy cùng năm tháng, trong trái tim tôi.

Huệ Hương