Thời nay, nhiều phụ nữ không còn quanh quẩn trong bếp. Họ cũng đi làm ngoài xã hội như nam giới nên công việc ở nhà cũng phải san sẻ cho cả hai vợ chồng. 

Một trung tâm tư vấn hôn nhân ở Hà Nội cho biết, ngày nào cũng tiếp những phụ nữ than phiền chồng không chịu làm việc nhà.

Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK
Ảnh mang tính minh họa. Nguồn: Shutterstock

Cũng là đàn ông cả, tại sao lại có anh lười nhiều, có anh lười ít và thi thoảng cũng có anh được vợ khen? Có phải vì đàn ông mỗi người một tính, kẻ chăm, người lười? Là vợ, bạn phải làm gì để lôi cuốn chồng vào công việc ở nhà?

Thứ nhất, phải cho đàn ông thấy, làm việc nhà, họ được lợi gì. Điều ít ai ngờ là hầu hết đàn ông tham gia việc nhà đều có sức khỏe tốt hơn. Ngày nay, trong môi trường lao động hiện đại, không ít ông ngồi lì suốt ngày ở bàn giấy, thiên về lao động trí óc mà rất ít dùng đến cơ bắp.

Hiện tượng những ông chồng mới ngoài 40 tuổi đã “có bụng” hoặc béo phì chính vì cơ bắp hoạt động quá ít cộng thêm uống bia rượu quá nhiều. Các bác sĩ khẳng định “chiều dài của thắt lưng tỉ lệ nghịch với tuổi thọ”. Việc đi lại hay đi lên đi xuống cầu thang, làm các việc lặt vặt trong nhà có tác dụng không kém tập thể dục thường xuyên.

Thứ hai, người ta nhận thấy những đầu bếp nổi tiếng thế giới đều là đàn ông, vì đặc điểm của phái mạnh là thích mới lạ, anh ta không bao giờ muốn lặp lại những món ăn của ngày hôm qua. Ngay cả khi vừa làm bếp vừa phải xem sách dạy nấu ăn, đàn ông vẫn thường có những “cải tiến” riêng, vì thế họ hay “sáng tác” những món ăn độc đáo.

Không ít đàn ông thú nhận, sau một thời gian làm “hỏa đầu quân”, anh ta thấy đây là một công việc đầy sáng tạo, đem lại không ít lý thú, nhất là khi tự thưởng thức tác phẩm của mình. 

Ảnh mang tính minh họa - Freepik
Ảnh mang tính minh họa - Freepik

Những người vợ khôn ngoan, khi thấy chồng bắt đầu nhúc nhắc việc nhà, nên tìm mọi cách động viên khích lệ. Nếu anh ta dọn dẹp, bày biện chỗ nào đó theo ý của anh ấy, người vợ nên khen đẹp chứ không nên chê bai. Nếu bắt chồng dẹp bỏ, bày biện lại như cũ theo ý mình thì chẳng khác nào bảo anh ta lần sau đừng làm gì nữa.

Đặc biệt, khi chồng hí hửng bày ra bàn những món “đặc sản” do anh ta sáng tác, người vợ nên sung sướng thưởng thức và dù có hơi khó nuốt cũng đừng nhăn mặt mà phải khen “chưa từng được thưởng thức món này bao giờ”. Bởi đầu bếp là một nghề, không phải người đàn ông nào mó tay vào cũng làm ngay được. Nếu được động viên, khuyến khích, sau một thời gian thử việc, có khi tay nghề họ còn hơn cả bạn đấy.

Có những ông bị vợ chê lười nhưng đi sâu tìm hiểu mới biết, anh ta làm gì trong nhà cũng không vừa ý vợ. Dọn dẹp nhà cửa thì vợ dọn lại. Rửa chén, vợ cũng phải rửa lại. Nấu ăn bị vợ chê là làm thế này ai dám ăn. Treo cái tranh, cái ảnh lên vợ cũng không ưng, đòi tháo xuống. Cuối cùng, anh ta cảm thấy đó đâu phải việc của mình. Tốt hơn hết là cứ đóng vai một người “ăn nhờ ở đậu”.

Thứ ba, phụ nữ phải chỉ việc cho đàn ông làm. Nhiều chị chê chồng không chịu động tay động chân, nhưng thực ra do bản tính xuề xòa, các ông thấy không có mình mọi việc vẫn đâu vào đấy nên cứ ngồi chơi. Cho nên người vợ phải chỉ việc cụ thể như lau nhà, giặt quần áo, tưới cây…

Ảnh mang tính minh họa - Freepik
Ảnh mang tính minh họa. Nguồn: Freepik

Hãy ra những yêu cầu ấy càng ngắn gọn càng tốt, vì đặc điểm của đàn ông là không thích nghe nói dài. Chẳng hạn: “Anh quét nhà đi!”. Hay ngọt ngào hơn thì: “Anh quét dùm em cái nhà đi!” và tuyệt đối không nên ca cẩm hay tệ hơn là: “Sao anh không đứng dậy quét cái nhà đi?”.

Thứ tư, đàn ông luôn cần những lời khen. Bản chất đàn ông là hiếu thắng. Bạn hãy giúp chồng tìm thấy chiến thắng ngay trong công việc gia đình. Hãy chứng tỏ rằng, trong nhà này, việc đó chỉ có anh ấy làm tốt nhất, nghĩa là cho anh ấy giành vị trí số một, là người khéo nhất, tài nhất, làm cái gì cũng giỏi; chứ đừng xếp anh ấy vào hàng thứ hai, sau bạn; nhất là đừng xếp chồng vào loại người vụng về, làm trông ngứa cả mắt, thà mình làm luôn cho xong.

Thứ năm, hãy biết cảm ơn chồng khi anh ta chịu khó chia sẻ với mình những công việc nội trợ. Có chị đi xe máy ngoài đường đánh rơi cái mũ, được một người đàn ông xa lạ nhặt cho, chị cười tươi như hoa khi nói lời cảm ơn. Nhưng thử hỏi chồng chị làm bao nhiêu việc cho chị, đã bao giờ được một lời cảm ơn nào chưa? Ngay cả việc về đến nhà, chồng phải đẩy xe lên; đi làm, chồng phải dắt xe xuống, không ít người vợ coi đó là nghĩa vụ của chồng, chồng không làm là “có chuyện” chứ đừng nói cảm ơn.

Ảnh mang tính minh họa - Freepik
Ảnh mang tính minh họa. Nguồn: Freepik

Có thể nói, đàn ông lười việc nội trợ là một “truyền thống” từ hàng ngàn năm trước để lại, khi người phụ nữ dường như sinh ra là để “nâng khăn sửa túi” cho chồng, không có địa vị gì trong gia đình và xã hội. Chỉ từ hơn nửa thế kỷ nay, sự nghiệp giải phóng phụ nữ mới đòi hỏi đàn ông phải chia sẻ việc gia đình.

Từ một chàng trai được mẹ và chị hay em gái chiều chuộng, ít khi phải mó tay vào việc gì, đến chỗ trở thành một người chồng biết cùng vợ chia sẻ việc gia đình không phải là một "quá trình tự nhiên" mà đòi hỏi người vợ phải đào tạo, chứ đừng chì chiết hay kêu ca, hò hét.

Đó là cả một nghệ thuật làm vợ, nghệ thuật đào tạo chồng từ “gã đàn ông lười như hủi” thành người chồng đáng yêu. 

Theo phụ nữ TPHCM