Như bao người mẹ, người bà khác, về già, mẹ tôi có một tổ hợp bệnh: suy tim, viêm xoang, bệnh ở tuyến giáp, hạ huyết áp, rối loạn tiền đình… Số bệnh của mẹ cứ tăng lên theo thời gian.
Thấy mẹ uống thuốc như thay cơm mà tôi xót xa, lo lắng; nhất là dù có thuốc, mẹ tôi vẫn không khá hơn. Tôi biết thời gian của mẹ không còn nhiều nữa nên cố chiều và không tranh cãi với mẹ như trước.
Mẹ muốn đi đâu, làm gì… tôi cũng ủng hộ, tạo điều kiện. Thế nhưng, người ngăn cản bà không phải là tôi.
Kể từ khi được cho chiếc iPhone 6 cũ, mẹ tôi lên mạng, lướt web ngày đêm không mỏi mệt. Khi thì xem Facebook: “Trời, cô A, B… giờ già, nếp nhăn thấy rõ mà bảo “nhà có hai nàng tiên”, “Cháu ngoại của cô C xấu mà ai cũng nhào vô khen hot boy. Không biết khen có thật lòng không”…
Lúc thì mẹ nghe những clip tư vấn chuyện tình yêu hôn nhân gia đình cả đêm, rồi bà cũng sôi sục, mắng cô con dâu, bà mẹ chồng, chàng rể trong câu chuyện đó.
|
|
|
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock |
|
Mạng xã hội cuốn mẹ tôi đến những vùng đất xa xôi của Trung Quốc, nơi có mấy hot boy ở rừng núi, đi lấy măng, hái nấm và rau rừng về chế biến thức ăn trong cảnh non xanh nước biếc, suối chảy róc rách. Nó cũng đưa mẹ tôi đi gặp, theo chân các thầy Pháp Hòa, sư cô Hương Nhũ đến đại sư Tịnh Không (Trung Quốc)…
Xem cứu hộ động vật xong, mẹ tôi coi đến clip hướng dẫn làm nước rửa chén bằng rác thải… Buông bỏ điện thoại là mẹ tôi chuyển sang remote. Hết phim này đến phim khác, hết game show này lại đến chuyện mai mối, mẹ chồng nàng dâu…
Mẹ tôi cũng lên tiếng khi MC Quyền Linh và đạo diễn Lê Hoàng tranh cãi chuyện một chàng U40 vẫn còn ngủ chung với mẹ…
Tôi muốn mẹ cai điện thoại, bớt ti vi, nhưng không biết làm cách nào, vì tôi chưa kịp lên tiếng thì mẹ đã trách tôi “suốt ngày dán mắt vô điện thoại” mà không hiểu tôi đang có việc cần làm trên đó.
Tôi nhắc mẹ nên đi bộ, tập thể dục cho khỏe, gặp gỡ các bạn già khác cho vui; mẹ bảo bác sĩ nói người bệnh tim như bà thì không nên tập thể dục, không làm việc nặng.
Hôm nào siêng, mẹ tôi tập gậy trong nhà. Chưa kể là mẹ tôi còn hay bị ám ảnh về chuyện bỗng bị tai biến khi không có con cháu bên cạnh, người khác thấy mà không biết bà là ai để liên lạc với người nhà. Minh chứng cho lời mẹ nói là chuyện bác tôi ở quê, khi ngủ dậy bị tai biến. Lúc con cháu phát hiện, đưa vào bệnh viện thì đã muộn. Bác tôi sống đời sống thực vật suốt bốn năm trước khi qua đời.
“Mẹ mà nằm một chỗ thì con khổ chứ ai. Nên thôi, mẹ không đi đâu cho yên chuyện” - mẹ kết. Tôi cũng “cạn lời” để tranh luận khi mẹ tôi thỉnh thoảng hờn trách: “Người già phải được làm những gì mình thích, chứ không phải là sống theo ý muốn của con cháu nữa”.
|
|
|
Ảnh mang tính minh họa - Tirachardz |
|
Tuần trước, mẹ tôi ra tiệm mua bánh mì về ăn sáng. Lúc mẹ đi ngang qua công viên nhỏ gần nhà, một nhóm các cụ đang tập thể dục dưỡng sinh thấy bà, vẫy tay rối rít: “Vô chơi chị ơi! Vô tham gia với nhóm cho vui. Đây là sân chơi cuối cùng của mình rồi, đừng ngại ngùng gì nữa”.
Chỉ nghe mẹ kể lại, tôi đã có thể hình dung ra nhóm các cô, các dì đó. Gương mặt họ bừng sáng, vui vẻ dù ai cũng ít nhiều có bệnh như mẹ tôi. Gặp nhau chỉ khoảng một giờ mỗi sáng nhưng đó chính là động lực, là niềm vui hằng ngày của các cụ khi còn thấy nhau, cùng nhau vượt qua bệnh tật.
Tuy không gặp các dì, các cô đó nhưng tôi thầm cảm ơn những cụ già yêu đời, chịu khó luyện tập, giữ sức khỏe cho bản thân và con cháu đã rủ rê mẹ tôi.
Tôi hy vọng không sớm thì muộn, mẹ tôi sẽ bị “dụ dỗ” để tham gia chung với họ.
Mong rằng sân chơi cuối cùng này sẽ giúp mẹ tôi sống thọ, bình an bên con cháu và kết nối mẹ tôi với cuộc sống thường nhật khi xưa để mấy bạn “Phây”, hot boy xứ lạ… không dắt U80 đi Tây, Tàu đến quên tháng ngày.
Theo phunuonline.com.vn