Anh Vũ Quang Nam (Bình Tân, TPHCM) luôn tự hỏi mình đón mẹ lên thành phố để phụng dưỡng, vậy đã thực sự là người con có hiếu hay chưa? Trường hợp của anh Nam cũng như hàng ngàn người con khác đang tha hương cầu thực ở thành thị, chỉ muốn cha mẹ già được hưởng cuộc sống thành thị mà không biết rằng họ có thực sự thích hay không?
|
|
|
Người con có hiếu nhất là người luôn làm cha mẹ hài lòng |
|
Anh Nam là kiến trúc sư, vợ anh làm về bất động sản. Hai vợ chồng anh Nam có thu nhập ổn định. Bố mẹ anh Nam ở quê, ông bà sinh ra anh Nam khi đã U40.
Từ ngày kết hôn, anh Nam luôn nói với vợ “nếu ba mẹ - một mất, một còn thì mình đón lên thành phố chăm sóc”. Anh rào trước đón sau để vợ chuẩn bị tâm lý. Vài năm trước, ba anh Nam qua đời vì ung thư phổi ở tuổi 75. Mẹ anh Nam ở nhà một mình. Chị gái anh lấy chồng cách nhà 3km nhưng thỉnh thoảng mới ghé sang vì bận công việc. Cháu ngoại càng lớn càng bận học cũng ít đến với bà hơn.
Anh Nam về quê đón mẹ lên ở với vợ chồng anh. Từ ngày lên thành phố, mẹ trầm buồn, ít nói hẳn. Nhà 4 tầng lầu, phòng ngủ của bà tận lầu 4. Mỗi lần lên được phòng ngủ có khi phải mất 5 phút vì đi được 1 bậc cầu thang, mẹ phải dừng lại nghỉ. Anh Nam bảo vợ đổi phòng ngủ tầng 2 cho mẹ nhưng vợ anh không muốn, vì chị đã quen ở phòng đó.
3 năm nay, anh Nam cố gắng chăm lo cho mẹ. Anh mua đủ thứ đồ ăn ngon mang về cho mẹ nếm thử, đưa mẹ đi ăn buffet, đi chơi cùng gia đình. Anh muốn cho mẹ hưởng thụ tuổi già nhưng thấy mẹ không vui. Nhiều lần, mẹ anh lại còn từ chối. Bà cho rằng mình không quen ăn thịt nướng, không quen ăn tiệc tùng như vậy. Những ngày đầu, anh Nam cố gắng về ăn trưa với mẹ nhưng rồi cũng không kéo dài thói quen ấy được lâu.
Ở nhà bà cũng không phải làm việc gì, giúp việc theo giờ đã dọn nhà, cơm tối thì con dâu nấu. Con dâu dặn không mở cổng, không để người lạ vào nhà nên bà cứ vậy, “tầm đi xa từ phòng xuống bếp”. Cháu đi học từ sáng tới tối. Bữa trưa, nhiều lần vợ chồng anh Nam để đồ ăn ngon dặn mẹ “trưa mẹ ăn nhé” nhưng qua camera anh thấy mẹ chẳng động đũa. Bà lôi cơm nguội ra chiên hoặc ăn với muối mè, khi thì chế gói mì. Để mẹ không ăn mì gói, anh Nam dặn vợ để lên cao hoặc không mua.
Vài lần anh Nam về sớm hơn chút, không thấy mẹ ở phòng khách, phòng ngủ, anh vội chạy lên sân thượng đều thấy mẹ đang tíu tít nói chuyện. Lúc đầu, anh còn tưởng mẹ nói chuyện một mình, nhưng không phải, bà đang nói với các bà hàng xóm.
3, 4 bà đều giống mẹ anh, ở với con cái nhưng không được mở cổng tiếp chuyện nên họ chọn sân thượng để “tám” cùng nhau.
Anh Nam chợt nghĩ, nếu ở nhà, mẹ không được gần con cháu nhưng có dì, có mợ và hàng xóm để mẹ được trò chuyện.
Anh Nam hỏi mẹ: “Mẹ về quê ở không?”, bà bộc bạch giờ về quê cũng khó. Người ta lại bảo theo con lên thành phố ở giờ lại về quê, bước chân đi quay về cũng không được.
Trường hợp của gia đình bà Nguyễn Thị Xuân (quận 2, TPHCM) cũng tương tự. Vợ chồng bà Xuân từ Đắk Lắk mới lên thành phố được gần một năm. Các con đều lập nghiệp ở thành phố. Con cái phân tích, cha mẹ đã già, ở xa không may xảy ra chuyện gì thì khó được cấp cứu, người thân họ hàng cũng cách nhau cả trăm cây số. Cha mẹ lên thành phố gần con cháu, đi khám bệnh cũng gần. Nghe có lý, vợ chồng bà Xuân đồng ý.
Cuộc sống ở thành phố của vợ chồng bà Xuân chỉ ở trên “lưng chừng trời”. Bà Xuân không đi được thang máy. Mỗi lần lên - xuống chóng mặt nên đành chịu. Chưa kể, cuộc sống với con dâu đôi khi gặp nhiều mâu thuẫn. Ông bà và con ăn uống không hợp nhau nên chỉ cần bữa cơm cũng phải nhìn nét mặt của con để ăn.
Nhiều lần, chồng bà Xuân than thở nhớ nhà, nhớ cảnh đi rẫy, vui vẻ trò chuyện với nhiều người bên những gốc cây cà phê, bắt “xe thồ” qua nhà bạn chơi làm xị rượu tám chuyện. Còn ở đây, ông chẳng có lấy một người bạn. Giờ về quê là ước muốn thầm lặng của ông bà nhưng đành chịu vì “lỡ bán hết nhà cửa”.
Theo ông Trịnh Trung Hòa - chuyên gia về gia đình, hôn nhân tại Trung tâm tư vấn tâm lý Linh Tâm (Hà Nội) - xu hướng lên thành phố ở với con cháu ngày càng nhiều lên. Con cái muốn “tiện” cho mình nên để cha mẹ ở gần, đỡ lo khi trái gió, trở trời. Tuy nhiên, ông Hòa cho rằng đón cha mẹ già lên thành phố có người hợp có người không. Tốt nhất con cái nên hỏi cha mẹ mình có thích hay không. Nếu họ không thích thì không nên ép bởi đâu phải ai cũng quen với môi trường sống ở phố thị.
Nhiều người con sợ mang tiếng bất hiếu, để ba mẹ già thui thủi ở quê nên cố gắng đón họ ở cùng mình. Nhưng thực chất, ông Hòa cho rằng, người con có hiếu nhất là người luôn làm cha mẹ hài lòng. Cha mẹ hài lòng thì sẽ sống vui và sống thọ chứ không phải cứ tạo ra cuộc sống đầy đủ tiện nghi là các cụ sung sướng.
Theo phunuonline.com.vn