leftcenterrightdel
 Người già sẽ hạnh phúc vô bờ nếu được con cháu yêu thương, chăm sóc (Ảnh minh họa)

Nửa đêm, 2 điều dưỡng và 2 hộ lý đưa bệnh nhân mới vào phòng cấp cứu của khoa. Bà nằm như dán xuống cái băng ca, người bà gầy, chỉ còn xương với da nên 2 cô hộ lý chẳng khó khăn gì khi nhấc bà, đưa lên giường bệnh. Điều dưỡng chỉnh máy đo điện tim đồ, huyết áp. Hộ lý lấy đồ của bà đưa lên giường. Không một người thân nào của bà ở cạnh để phụ giúp, chăm lo.

Bác sĩ vào hỏi thăm bệnh trạng của bà và hỏi người nhà đâu. Bà lấy chút tàn hơi trả lời nhưng không rõ, khiến bác sĩ phải hỏi đến mấy lần. Hộ lý và bà đều xác nhận lúc trước có người nhà của bà “đâu đó ngoài mấy băng ghế phía trước”.

Đến lúc bác sĩ đi ra, bà rên, than lạnh và kêu tên một người. Kêu mãi không thấy, bà lớn tiếng hờn, oán trách: “Sao mày ác quá vậy T.! Sao mày ác quá vậy!”. Bà cằn nhằn, dằn dỗi và nhỏ dần tiếng rên.

Hơn nửa giờ sau, một thanh niên dẫn theo một cậu bé, xách theo một túi đồ nhỏ vào chăm bà. Anh ta hỏi thăm mẹ, rồi sau đó cằn nhằn "Tự nhiên nửa đêm đòi vào bệnh viện", rồi quay sang cậu bé: “Mai mày nói má mày vô mà nuôi ngoại. Đừng giao hết cho tao nha!”.

Thấy cả phòng đang ngủ, hai cậu cháu nhỏ tiếng dần. Bà cụ than khát, người con trai đi tìm ly đựng nước và ống hút cho mẹ, lúc ấy cậu bé đến bên giường bà.

Thấy mắt bà ướt, cậu lấy ra một cái khăn, lau nước mắt cho bà. Rồi bé lau xuống cổ, sau đó lại lau lên trán bà một cách chậm rãi và âu yếm.

Không chiếu, không mền, hai cậu cháu sau đó lên ngủ trên cái giường bệnh nhân còn trống bên cạnh.

Mọi người trong phòng bệnh dần quen với việc đi tìm người nhà của bà khi bác sĩ muốn gặp, cũng xăng xái giúp bà uống nước hay đắp giùm cái mền khi bà cần. Khuya hôm sau, con bà nháo nhào điện thoại cho các anh chị em trong nhà vì tưởng bà hấp hối. May sao là các bác sĩ can thiệp, cứu bà qua cơn nguy kịch. 

Những lúc đau bệnh các cụ cần nhất là liều thuốc yêu thương mà con cháu đem đến cho mình. (Ảnh minh họa)
Những lúc đau bệnh các cụ cần nhất là liều thuốc yêu thương mà con cháu đem đến cho mình. (Ảnh minh họa)

Bệnh nhân giường bên cạnh là một cụ bà, cũng ốm yếu, kiệt sức, khó thở, nhập viện đã mấy ngày và có một người con gái nuôi bệnh. Con gái bà chẳng mấy khi rời mẹ. Chị liền tay cho mẹ ăn qua ống, bóp tay chân; nâng, hạ giường... 

Chị lau mình cho mẹ thật nhẹ nhàng, dịu dàng, chậm chậm từng chút một. Buổi tối, chị không trải chiếu dưới đất mà ngồi gục kế bên mẹ ngủ để biết từng chút động tĩnh của bà.

Khi bị đâm kim lấy máu, bà rên rỉ than: “Ui da, đau quá! Đau quá!”. Con gái bà an ủi, vuốt ve mẹ: “Mẹ đau hả? Ừ con biết rồi. Mẹ ráng xíu thôi. Xíu nữa thôi là xong rồi!”. Khi mẹ khỏe, chị đưa điện thoại cho mẹ xem những bức ảnh của gia đình. Chị thủ thỉ: “Ai đây? “Cô gái” sún răng này là ai vậy? Mẹ nhớ lần này là mình đi đâu chơi không?...”. 

Nhìn 2 cụ già ở 2 giường bệnh rơi nước mắt, ai nấy xót lòng và đều có sự so sánh. Sự hạnh phúc, vui vẻ của một người già không phải là được ăn ngon, mặc đẹp hay túi rủng rỉnh tiền, mà là được con cháu yêu thương, chăm sóc. Dù biết rằng ông bà, cha mẹ ta thường có những lúc giận hờn, ngô nghê và đôi lúc vô lý, nhưng chỉ cần một cử chỉ nhẹ nhàng, một lời nói ân cần cũng đủ làm các cụ qua cơn khó ở bất chợt và nhanh chóng quên đi những cơn đau. 

Liều thuốc tình yêu đó không được bác sĩ kê toa hay một nhà thuốc nào bán, nhưng chỉ cần được cảm được vị “thuốc” đó, các cụ sẽ nhanh chóng vượt qua được bệnh tật, và lại vì con vì cháu như lâu nay.

Đó là thứ thuốc “hiệu nghiệm, free, sẵn có”, ai cũng có thể đem cho tặng người thân mà không cần phải mua hay cất công tìm kiếm. Thuốc này tác dụng rất lâu dài, có thể là mãi mãi, vì ta sẽ không phải tiếc nuối khi không còn cơ hội được nắm bàn tay nhăn nheo, nhìn khuôn mặt móm mém đầy yêu thương của ông bà cha mẹ...

Theo phụ nữ TPHCM