“Sắp tới ngày hội toàn dân ăn thịt kho hột vịt” - Câu status trên facebook của bạn tôi vào những ngày cuối năm khiến bạn bè cảm thấy thú vị, thả icon “haha”. Món thịt kho bình thường thôi, bỗng trở nên đặc biệt trên mâm cỗ ngày tết. Tết mà không có thịt kho, dường như chưa trọn vẹn.
|
|
Tết đến phải có thịt kho mới giống tết - ảnh minh họa |
Có năm ông xã tôi nói thôi đừng kho thịt, tết nào cũng nấu món này, nghĩ tới đã ngán. Thời ông bà mình mấy ngày tết nghỉ họp chợ, lại chưa có tủ lạnh như bây giờ nên để có thức ăn trong mấy ngày tết, phải kho thịt với hột vịt. Lâu ngày thành nếp, tết đến nhà nhà kho thịt. Thời nay khác rồi, mùng 1 chợ vẫn bán, tủ lạnh lại trữ đầy thức ăn ngon, hà cớ gì nấu hoài món thịt kho.
Tôi cũng từng nghĩ sẽ thử một cái tết không kho thịt. Nhưng rồi đi chợ, ngang qua hàng thịt, thấy mấy bà nội trợ bu đen bu đỏ. Lúc nâng lên đặt xuống mấy miếng ba rọi, thịt đùi… những bàn tay đã chộn rộn, lòng dạ đã xốn xang. Trong vô thức, tôi cũng len vào chọn lựa. Đã tự dặn mình mua ít thôi, tủ lạnh đã trữ đủ thứ rồi, nhưng lúc trở ra, trong giỏ đã có đủ thịt ba rọi cho tụi nhỏ, thịt đùi cho chồng. Lòng lại nhẹ nhõm vì cảm giác “vậy mới giống tết”.
“Tết đến nhà không có thịt kho hột vịt, còn gì là tết”, câu đó năm xưa má tôi sụt sịt nói với ba vào một chiều cuối năm. Cảnh nhà hiu quạnh vì má bệnh. Mấy bữa trước ba má tát đìa ăn tết, chân vịt máy bơm bay ra, phạt ngang cánh tay má, cắt một vết rất sâu. Ba bỏ đìa cá, luýnh quýnh đưa má đi bệnh viện. Tiền dành dụm sắm tết, đổ vào thuốc thang cho má.
Mấy chị em rầu rĩ chẳng còn hồn vía gì. Chị Hai vừa dọn dẹp bàn thờ vừa sụt sịt khóc. Tôi với anh Tư quét sân mà cứ ngóng ra đường, mong ba má về. Ba chở má về trên chiếc xe đạp cọc cạch. Tay má băng, treo trên cổ. Mấy chị em bật khóc, thương má đau.
Bà nội sang thăm, đi một vòng từ trước ra sau bếp, nội thở dài. Rồi nội ra chợ, mua về 2 ký thịt và mấy chục hột vịt. Mấy chị em mừng quýnh, nhảy tưng tưng reo mừng. Má thì rơm rớm nước mắt. Nội dặn chị Hai ướp thịt với tỏi ớt, thêm chút đường rồi mang phơi nắng cho lớp mỡ trong. Kho thịt phải để lửa riu riu cho thịt thấm. Hột vịt muốn lột vỏ không nát thì phải cho chút muối, vắt nửa trái chanh…
Chị Hai lần đầu kho thịt, vừa làm vừa run. Tôi và anh Tư xúm xít coi chị làm, phụ chị băm tỏi ớt, kê bếp ở góc sân. Má nằm trên võng, thỉnh thoảng lại nhắc chừng: “Hớt bọt cho nước trong nghe con”, “Đừng để hột vịt sớm quá sẽ bị cứng”… Nồi thịt chị Hai kho năm đó đỏ au, đậm đà. Sáng 30 tết, ba bày mâm cơm tất niên lên bàn thờ, cúng rước ông bà. Ba cười tủm tỉm, nói: “Con Hai kho thịt khéo vầy, gả chồng được rồi”.
Bịch kẹo thèo lèo và hủ dưa kiệu là của cô út cho. Cặp dưa hấu là dì Sáu tặng. Nhà tôi năm đó ăn một cái tết đủ đầy nhờ tình thương của hai bên nội ngoại. Mỗi lần nhắc lại biến cố năm đó, má vẫn hay dặn chị em tôi: “Tình thân ruột rà quý lắm, luôn giúp nhau khi khốn khó. Tụi con không được quên ơn những người đã giúp mình. Nhận ơn thì phải trả ơn”. Cho tới giờ, đại gia đình tôi vẫn giữ nề nếp cũ: một nhà có việc thì những nhà còn lại cùng giúp. Thương nhau, giúp nhau khi bất trắc thì tình thân càng đầy.
Chị Hai lấy chồng xa. Tết đến, chị kho mấy nồi thịt to rồi chia phần, mang tặng những gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Chị nói với tôi: “Thấy người ta nghèo túng, chị nhớ cảnh nhà mình năm đó nên thấy thương em à. Năm đó nội không cho mấy ký thịt là nhà mình không có tết”. Chị kể có người nhận hộp thịt kho đã rưng rưng: “Chị mang tết đến cho gia đình tôi”.
Món thịt kho không chỉ là món ăn ngày tết, mà còn là ký ức yêu thương, là văn hóa ẩm thực trong lòng nhiều người Việt.
Theo phụ nữ TPHCM