Cha tôi vốn là nhà giáo nên rất nghiêm khắc trong cách dạy con, nhất là với con gái. Do hoàn cảnh mẹ tôi bận công tác nên việc nội trợ hàng ngày chị em tôi lại học được nhiều từ cha mình. Tôi là con gái út nên có lẽ được cha dành nhiều tình cảm chăm chút hơn cả. Qua việc bếp núc, cha dạy tôi nhiều về lẽ sống ở đời, chẳng phải là những triết lý cao siêu trong quan niệm “công, dung, ngôn, hạnh” dành cho người phụ nữ truyền thống, mà là những trải nghiệm của chính cha muốn truyền dạy cho con gái mình.

Cha thường bảo: “Nhìn vào gian bếp là có thể biết được cơ bản nết ăn nết ở của người phụ nữ. Công việc nội trợ chính là sợi dây gắn kết tình cảm gia đình; biết nấu ăn để phục vụ mình và chăm sóc mọi người, đó là trách nhiệm nhưng cũng là niềm hạnh phúc…”.

Cha dạy tôi rất cặn kẽ từ việc nấu bữa cơm ngày thường đến việc làm những món ăn ngày Tết. Cái thời cuộc sống còn nghèo nàn thiếu thốn, việc chế biến món ăn luôn phải đảm bảo tiêu chí “tiết kiệm mà vẫn ngon”. Và một món ăn đọng mãi trong kí ức tuổi thơ tôi như một kỉ niệm thân thương về cha ấy là món giò xào. Đó là một món ăn đặc trưng trong mâm cỗ Tết cổ truyền ở miền Bắc. Ngày xưa ở thôn quê chưa có tủ lạnh để giữ thức ăn, trong tiết trời se lạnh, giò xào là một món ăn để được lâu nhất, tiện dụng nhất. Qua mấy ngày nghỉ tết, mọi người xuống đồng cấy vụ chiêm chỉ cần mang theo chiếc bánh chưng và khoanh giò xào là có thể ở lại cánh đồng làm từ sáng sớm đến chiều muộn.

mon gio xao Giadinhonline (1)

Món giò xào của cha.

Chẳng phải cao lương mỹ vị nhưng giò xào lại là một món ăn được nhiều người ưa chuộng. Trong gian bếp nhỏ ấm cúng, vừa hướng dẫn tôi các bước làm giò xào cha vừa ân cần răn dạy: “Món giò xào với nguyên liệu đơn giản, chủ yếu là thịt thủ, thậm chí được pha trộn từ những phần “đầu thừa đuôi thẹo” của con lợn, nhưng chỉ cần khéo chế biến là có thể trở thành món ngon. Và đặc biệt sự hoà quyện của các nguyên liệu lại ẩn chứa bao lẽ sống giản dị mà sâu sắc. Đó là sự đan cài quấn quýt của tình cảm gia đình với nghĩa tình bền chặt, là sự thu vén tiết kiệm tảo tần khéo léo của người nội trợ; đó còn là triết lý “lạt mềm buộc chặt”. Có lẽ vì ý nghĩa ấy mà món này không thể thiếu trong mâm cỗ ngày Tết như một khát vọng về hạnh phúc sum vầy, hoà hợp an yên”.

Và những lời ân cần thủ thỉ ấy của cha đã neo lại trong tâm trí tôi suốt mấy chục năm qua. Để rồi có lúc từng gặp sóng gió, bát lệch đũa xô, tôi lại da diết nhớ về lời dặn dò ấy và tự động viên mình biết cách dung hoà tình cảm, có đủ nghị lực bản lĩnh mà bước tiếp…

mon gio xao Giadinhonline (2)

Khi lập gia đình, tôi cứ khắc ghi mãi một câu nói quen thuộc của cha: “Người phụ nữ là trái tim của gian bếp. Mà bếp lại là linh hồn của gia đình”.

Tết Kỷ Mão (1999), nhà tôi nuôi được một con “lợn còi” ước chừng chưa đầy ba mươi cân, con lợn nuôi lâu lớn nên thịt nạc và chắc, rất ít mỡ. Năm ấy, nhà tôi không phải đụng lợn với hàng xóm như mọi năm.

Sáng ba mươi, cha gọi tôi dậy sớm đun một nồi nước to để làm thịt lợn. Cha dặn tôi chỉ đun nóng già đủ để cạo sạch lông chứ không được đun sôi kẻo thớ thịt sẽ “chín”, mất đi độ tươi, làm món giò gì cũng giảm độ ngon. Cha nhờ người mổ lợn rồi tự tay pha thịt.

Phần thịt nạc còn nóng hổi được cha nhanh chóng cho vào cối giã để gói giò lụa. Sau đó cha lọc thịt từ thủ lợn và mấy chiếc chân giò để dành làm giò xào.

Năm đó, lần đầu tiên cha để tự tay tôi làm món giò xào, từ khâu nêm nếm gia vị đến nén giò, buộc lạt. Tất nhiên cha vẫn ngồi bên chỉ bảo tôi từng bước một. Vẫn là món Tết quen thuộc mà sao tôi háo hức đến thế. Vì cây giò xào ấy có trọn vẹn hai cái tai, một cái lưỡi và cả phần thịt chân giò, rất ít thịt ba dọi nên hứa hẹn những miếng giò giòn dai ngon tuyệt hảo.

Ba ngày đầu năm mới, mỗi bữa cha cắt một khoanh giò bày lên mâm cơm cúng gia tiên. Cầm cây giò xào thấy chắc tay, nhìn khoanh giò vừa thái có thớ thật mịn, cha gật gù tấm tắc khen tôi làm được như vậy là “đạt tiêu chuẩn”.

Tuần nhang vừa tàn, cả nhà quây quần bên mâm cơm có đủ giò lụa, nem chạo, thịt đầu rồng nướng riềng, nhưng ai cũng thích nhất đĩa giò xào. Gắp một miếng giò thái hình con chì đẹp mắt, chấm nhẹ vào bát nước mắm cốt thơm thơm, chầm chậm nhai để cảm nhận được sự giòn dai sần sật thú vị, nhấm nháp thêm miếng dưa hành, thấy hương vị ngày Tết thật đậm đà ấm áp yêu thương. Với tôi, cái cảm giác “hãnh diện” khi khoe với mọi người về món ăn do tự tay mình làm ra sao mà miên man vui sướng đến thế…

Nhưng rồi ngày mùng 4 tết, chỉ sau một cơn cảm mạo, cha tôi đã cưỡi hạc xe mây về nơi tiên cảnh. Nỗi mất mát quá đột ngột khiến cả gia đình tôi tưởng như không thể gượng dậy. Nhìn đâu cũng thấy vảng vất hình bóng của cha.

Những món ăn ngày Tết cha từng gói ghém dụm dành giờ bỗng chơ vơ lạc lõng, se sắt nguội lạnh. Có món đã hỏng nhưng tôi không nỡ bỏ đi vì đau đáu nhớ tới bàn tay gầy guộc mà khéo léo của cha đã tỉ mẩn cẩn trọng làm nên.

Nhìn cây giò xào vẫn còn một nửa, tôi tưởng như những lời ân cần dặn dò của cha vẫn còn thủ thỉ đâu đây mà thương nhớ đến quặn lòng. Gian nhà nhỏ và góc bếp thân thương mới đây còn rộn ràng đầm ấm bởi bóng dáng thân thuộc cùng giọng nói trầm ấm của cha, giờ tất cả bỗng trở nên trống trải hắt hiu…

Khi lập gia đình, tôi cứ khắc ghi mãi một câu nói quen thuộc của cha: “Người phụ nữ là trái tim của gian bếp. Mà bếp lại là linh hồn của gia đình”. Thế nên tôi yêu căn bếp nhỏ như một lẽ tự nhiên để giữ lửa hạnh phúc của gia đình mình.

Tết nào tôi cũng tự tay làm món giò xào để giữ tròn vị cho mâm cơm ngày Tết và cũng để tưởng nhớ về cha. Vẫn với những nguyên liệu quen thuộc được sơ chế kĩ càng, cách nêm nếm gia vị phù hợp, cách cuộn thịt, nén giò, buộc lạt chặt chàng để có được một cây giò tròn trịa với những khoanh giò đẹp mắt, tôi khao khát tìm lại vị ngon đã thấm sâu trong tiềm thức. Bao nỗi nhớ niềm thương cứ nghèn nghẹn rưng rưng. Tôi vẫn bâng khuâng nghe đâu đây lời cha dạy về triết lý sống sâu sắc gửi gắm trong món ăn giản dị này…

Theo giadinhonline.vn