Với nhiều người, cơm nhà thường được mặc định là bữa cơm tươm tất được nấu nướng, bày biện ngon lành, đẹp đẽ và ấm cúng từ đôi tay “nữ tướng” - người vợ đảm đang. Còn tôi, dù mang tiếng là người giữ nhà, giữ bếp nhưng lại luôn định nghĩa bữa cơm nhà của mình bằng 2 chữ “cơm chồng”. 

leftcenterrightdel
 Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock

Hôm nào đó, bạn bất chợt ghé chơi thì được dịp tròn mắt ngạc nhiên khi thấy chồng tôi đang lặt rau, xắt thịt, xào nấu nêm nếm điệu nghệ trong bếp. Bạn xuýt xoa cho rằng tôi tốt phước mới “vớt” được ông chồng đảm đang, chịu khó vào bếp, chứng tỏ đó là người đàn ông tốt và biết yêu thương vợ con. Còn bạn, bao nhiêu năm sống với chồng toàn phải cặm cụi nấu nướng rồi kêu gào ầm ĩ chồng mới miễn cưỡng phụ dọn cơm, thì đừng mong ngóng chi đến việc kêu chồng đứng bếp.

***

Tôi không rõ mình có phải người tốt phước nhưng rõ ràng, việc một ông chồng vạm vỡ chịu xắn tay đi chợ sau giờ làm hoặc ngày nghỉ, rồi khệ nệ tay xách nách mang mấy túi thực phẩm vào bếp, xào nấu các kiểu thì quả thật cũng không nhiều người làm được.

Trong số đàn ông quanh tôi, từ anh em trong nhà đến họ hàng, hàng xóm… và chồng của bạn bè tôi…, số đàn ông chịu nấu nướng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Người chịu khó vào bếp nấu nướng lại thường… độc thân. Khi có vợ rồi, họ lại khoán trắng cho vợ. 

Cha mẹ chồng tôi mất sớm, anh là con út trong gia đình đông anh chị em nhưng lại có tính tự lập từ nhỏ. Việc anh giỏi bếp núc một phần cũng từ lý do này. Khó khăn, vất vả từ nhỏ nên với anh, làm sao để cái bụng không bị đói là quan trọng nhất. Sống với nhau mười mấy năm, tôi nghiệm ra 1 điều: anh rất sợ đói.

Nghe có vẻ hơi nực cười nhưng sự thật là vậy. Hồi mới quen nhau, anh chăm sóc tôi bằng cách luôn mời tôi đi ăn cơm cùng. Cho đến bây giờ, lễ lạt, kỷ niệm ngày cưới, sinh nhật…, không bao giờ anh tặng tôi hoa hay quà. Thay vào đó, anh tặng những bữa ăn thịnh soạn do anh tự tay nấu hoặc khi bận quá thì anh đưa cả nhà đi ăn tiệm. Tôi từng tủi thân vì thấy anh quá khô khan. Nhưng rồi sau những giận hờn, tôi nhận ra mình thật trẻ con.

Những món ăn ngon lành, ấm cúng đó đều chứa đựng rất nhiều công sức và tình cảm của anh. Sau này, dù rất sợ mập nhưng tôi vẫn vui vẻ nhận “món quà” dễ gây tăng cân đó.

2 lần mang thai, tôi đều bị ốm nghén rất nặng, nghe mùi cơm sôi, nước sôi, hành tỏi, cá thịt… là nôn thốc tháo. Nhưng, nhờ có một “vua đầu bếp” trong nhà, mẹ con tôi được chăm sóc ổn thỏa. Chỉ có điều, khẩu vị của anh khác tôi. Anh quen ăn mặn, món gì cũng phải đậm đà. Thậm chí mua ổ bánh mì thịt đem về, anh phải xịt thêm nước tương, dặm thêm muối tiêu rồi mới ăn. Nhìn ổ bánh mì thấm đẫm nước tương là tôi… hết thấy đói. Đôi lúc “cơm chồng” chưa thực sự hoàn hảo là vậy. 

Bầu tháng cuối, cũng vì đồ ăn anh “lỡ tay” nêm mặn, tay chân mặt mũi tôi sưng vù, người thì rêm hết. Tôi giận, khóc một trận. Từ lần đó, anh rút kinh nghiệm, khi nêm nếm đều kêu tôi thử lại cho vừa miệng.

Tôi sinh con đầu lòng, nằm cữ 2 tháng. Anh đi làm suốt ngày, chỉ có thể nấu bữa cơm tối. Ban ngày, tôi phải nhờ mẹ nấu đồ ăn. Vậy nhưng mẹ tôi là người ưa tranh thủ làm một tay đôi ba việc. Bắc nồi cá kho lên bếp, mẹ ra quét sân, tưới cây, lui cui dọn vườn. Khi bà trở vô thì nồi cá đã cháy đen, bốc mùi khét, nồi canh cũng rệu rã vì quá lửa. Con tôi bú nhiều nên tôi rất mau đói, cứ nhắm mắt nuốt bừa. Vài lần như vậy thì anh biết.

Tôi nhớ mãi lần đó, anh đột ngột về sớm, nhìn nồi thịt kho cháy hết nửa, anh thần người, thốt lên khe khẽ: “Trời ơi!”. Vẻ mặt buồn bã của anh (có lẽ vì nghĩ rằng mình không chăm sóc vợ chu đáo) đến tận mười mấy năm sau vẫn còn in trong tâm trí tôi.

Sau này, dù có nhiều chuyện cơm không lành, canh không ngọt, thậm chí tôi từng đùng đùng đòi đâm đơn li hôn nhưng nhớ lại vẻ mặt đó, không hiểu sao cơn giận dữ của tôi từ từ lắng xuống. Tôi nhớ lại vợ chồng từng dìu nhau qua bao gian khó, chẳng lẽ kết cục lại chọn bước vào những ngã rẽ chỉ toàn nỗi buồn phía trước. Rất may, tôi đã kịp “phanh” lại trước khi quyết định đoạn tuyệt với “cơm chồng”.

***

“Cơm chồng” sướng không? Sướng chứ (nếu trừ cái khoản mình phải lui cui thu dọn bãi chiến trường mà chồng bày đầy trong bếp sau khi nấu). Dù vậy, có một ông chồng chịu nấu, ham nấu cũng rất áp lực; nhất là khi nhà có nhiều người mà mỗi người thích ăn mỗi kiểu. Chồng tôi mê cá biển, tôi chỉ quen cá đồng. 2 đứa con thì đứa thích thịt gà, đứa mê thịt bò. Thời buổi giá cả đắt đỏ, thu nhập lại giảm, vợ chồng phải thắt chặt chi tiêu.

Vậy nên, thường thì tôi nhượng bộ để anh tự lên thực đơn, dĩ nhiên đa phần là… cá biển. Khi nào thèm cá đồng, tôi đề nghị anh đổi thực đơn, cũng là để cho anh “nếm” cảm giác không hề dễ chịu khi phải ăn món mình không thiết tha. 

Về sau, thực đơn được linh động luân phiên thay đổi. Kỳ lạ thay, từ một kẻ không thích ăn cá đồng, chồng tôi lại biết thèm cá bống kho tiêu, lòng tong kho quéo, cá trê kho gừng, cá sặc chiên ghém xoài xanh nước mắm… Rồi một người thấy cá biển là nhờn nhợn thì nay lại biết thế nào là một tô canh cá ngừ nấu ngót ngon thiệt ngon, dĩa cá thu xốt cà béo ơi là béo hay dĩa cá nục hấp chiên thơm thiệt thơm…

leftcenterrightdel
 Mấy ai được chồng nấu cho ăn? (Ảnh minh họa)

Áp lực “cơm chồng” trong mùa dịch COVID-19 đến giờ vẫn thỉnh thoảng hiện lên trong tâm trí. Ròng rã 4 tháng trời, chúng tôi chỉ quẩn quanh trong căn nhà nhỏ, mỗi tuần được cấp phiếu đi mua thực phẩm 2 lần mà lúc có lúc không. Mỗi sáng, chồng tôi chào vợ con bằng câu hỏi quen thuộc: “Nay nhà mình ăn cơm gì ha?”. Tôi biết chồng mình hỏi chỉ để có thêm một niềm vui nhen nhóm rằng hôm nay cả nhà vẫn khỏe mạnh bình yên quây quần bên nhau. Đó là phước lành lớn nhất mà gia đình nhỏ của tôi may mắn có được, giữ được ròng rã mấy tháng dịch bệnh kinh hoàng. 

Tuy nhiên, chồng tôi hỏi cũng vì hầu như cả ngày dài không có gì để làm ngoài việc… nghĩ món, lên thực đơn, nấu cơm. Công việc của anh là thầu điện dân dụng, không thể làm online như công việc của tôi. Một người đàn ông quen lên giọng chỉ đạo cho thợ thầy ở công trình, giờ phải ru rú trong nhà, bám cái bếp nên cuồng chân, tù túng. Cũng may nhà còn có miếng đất nhỏ làm vườn, trồng được vài chậu rau, cây kiểng cho anh có chỗ thả lỏng tay chân, đầu óc. 

Hết dịch, anh miệt mài tìm công trình để giảm gánh nặng chi tiêu. May mà còn có việc để làm. Anh đi suốt, kể cả ngày nghỉ. Tôi lại trở về đúng vị trí “nữ tướng” trong bếp. Nấu xong một bữa cơm là người đã no ngang vì mệt. Chỉ ước anh ít việc lại một chút để mình còn được hưởng ké “cơm chồng” mỗi tuần 1, 2 bữa cũng đỡ vã biết mấy!

Chồng tôi là người hay lai rai với bạn bè. Người ta nói mấy ông ưa nhậu được cái nấu ăn rất ngon, một phần vì thường xuyên làm “mồi” nhậu nên tay nghề khá lên. Tôi không ưa khoản nhậu nhẹt của chồng nhưng ngẫm lại, được cái này phải mất cái kia, chứ mấy ai hoàn hảo. Tôi vẫn còn may mắn hơn rất nhiều người. Vì dù gì chồng tôi vẫn tự nguyện nấu ăn cho vợ con bằng cả cái tâm, bảo bọc vợ con bằng tất cả khả năng. Nghĩ vậy cũng là giúp mình tập bớt càm ràm. 

Được ăn “cơm chồng” miễn phí, dại gì mà than với thở! 

Theo phụ nữ TPHCM