Một ngày nọ, giữa lưng chừng những câu chuyện đông tây qua điện thoại, đột nhiên ba ngại ngần hỏi tôi: "Dạo này con rảnh không? Hôm nào con thu xếp về đưa má đi chợ được không?".

Tôi ngạc nhiên: “Ba má cần mua gì nói con, mà gấp quá thì ba chạy ra đầu hẻm cũng có mà. Đi chợ chi cho cực…”. “Không, là má muốn đi”, ba nói. “Nhưng mà…”, tôi ngập ngừng rồi thôi.

Đi chợ với ba hay với chúng tôi là việc đơn giản. Từ nhà ba má, chạy xe chừng 5km là tới chợ. Ở đó có vô vàn đồ dân dã, có các bà, các mẹ, các chị… người quen của má.

Suốt cả đời gần như má tôi gắn với chợ. Má có một sạp hàng nhỏ ngoài đó, thêm những thức hoa quả vườn nhà mùa nào thức đó má mang ra bày bán. Một sạp nho nhỏ, nhưng má nuôi đủ anh em tôi lớn lên. Bao việc lớn nhỏ trong nhà, má ra sức vun vén…

Chỉ khi các con đã phương trưởng, chúng tôi phải vừa phân tích, vừa năn nỉ, vừa giận dỗi má mới chịu tạm xa sạp hàng để nghỉ ngơi.

Hình minh hoạ
Má nghỉ bán ở chợ, nhưng vẫn chạy qua chạy lại thăm bạn cũ... (ảnh minh họa)

 

Nghỉ chợ, nhưng má vẫn chạy qua chạy lại ra đó. Má nói quen rồi, ở nhà cứ bứt rứt, ngày nào không ra một chút thấy thiếu. Gần 1 năm nay chân má yếu, phải thuốc thang rồi tập trị liệu, muốn đi đâu, cả nhà phải để má ngồi xe lăn để đẩy cho tiện. Có lẽ vì thế nên chuyện má ra chợ chơi với các bà, các mợ thành xa xôi.

Ba nói: "Ba chạy xe máy đưa má đi sợ không ổn, chân má yếu, mà sức ba thì…" Vậy là tôi hiểu ra. Ba muốn đưa má đi chợ đâu phải là để mua đồ như tôi nghĩ. Ba muốn má gặp những người quen cũ, muốn má hòa vào không gian má đã từng gắn bó, muốn má nở một nụ cười vui nhất như đã từng. Ở nhà, má có ba, nhưng những câu chuyện rủ rỉ của đôi vợ chồng già mãi rồi cũng chững lại. Má muốn gặp mọi người, má cũng muốn một không gian khoáng đạt, muốn chạm lại không gian của ký ức.

Tôi đã nghĩ má có ba, có chiếc xe lăn là đủ. Má có thể ra vào ngoài hẻm nhỏ để nhìn ngắm mọi người, để gặp anh em hàng xóm nếu má muốn. Tôi đã không tìm hiểu những điều má mong mỏi.

Tôi về. Má mừng rỡ khi tôi nói sẽ đưa má đi chợ. Má háo hức từ lúc tôi mở lời. Má nói má sẽ mua thứ này, thứ khác. Sẽ mang ít đồ cho thím Tư, người đã ngồi kế sạp hàng của má suốt bao năm… Suốt tối hôm đó má vui như như đứa trẻ. Ba thi thoảng nháy mắt tôi như muốn nói: "Đó, thấy chưa con!".

Tôi dừng xe kế bên hông chợ, rồi nhấc xe lăn của má xuống. Ba xua tay tôi khi thấy tôi định cùng ba đẩy má vào chợ: “Để ba!”. Nụ cười của ba sao mà đáng yêu.

Tôi đứng từ phía xa thấy mọi người xô lại bên má hồ hởi. Thím Tư, bà Sáu, anh hàng cá, chị bán rau… Tim tôi nghẹn lại trong niềm xúc động. Má đang được hòa vào tình cảm của những người đã từng gắn bó suốt những năm tháng lam lũ. Không gian ấy, không đâu có thể thay thế.

Dù là mùi cá mú rau thịt, dù là lao xao ì xèo những tiếng mặc cả mua bán, có góc chợ thậm chí còn cả những chao chát khi người mua người bán không thuận lòng… nhưng má rất vui. Niềm vui đi chợ mà cả năm nay má không hề có.

Hình minh hoạ
Người già có những niềm vui hệt như trẻ thơ... (ảnh minh họa)

 

Người già là vậy đó. Khi không còn là nỗi lo cơm áo gạo tiền, không còn lo dạy dỗ con cái… sẽ là mong muốn chạm vào những điều giản dị: Mong con bình an, mong những đứa cháu bên mình ríu rít những câu chuyện không đâu. Mong những cuối tuần tiếng xe con cái đỗ xịch trước hiên nhà. Và mong chạm cả vào những ký ức yên vui...

Má tôi bây giờ không chú ý nhu cầu vật chất nữa, má cần niềm vui tinh thần. Niềm vui giản đơn ấy, những đứa con như tôi đang tất bật với mưu sinh không hiểu được.

Khá lâu sau, tôi mới thấy ba chầm chậm đẩy xe đưa má ra. Gương mặt má rạng rỡ hơn bao giờ hết. Tôi chạy ra mở cửa xe để chờ đỡ má lên. Nhưng thực ra tôi len lén giấu đi niềm xúc động sắp đẩy thành giọt nước mắt.

Tôi sẽ về nhà nhiều hơn nữa để đưa má đi chợ, đưa má đến với những khoảnh khắc quý giá, như buổi sáng yên bình này. Nhất định...

Theo phụ nữ TPHCM