Các nàng dâu biết điều
Trước đây, bà Lê Thị Nhung (60 tuổi, ở huyện Bình Chánh, TPHCM) thường kể về chị dâu không mấy cảm tình; bởi gia đình người anh chồng bà khá giả, có nhà riêng… nên ít đụng chạm với gia đình chồng. Còn bà sống cùng ba mẹ chồng nên ít nhiều không thoải mái.
“Chị dâu tôi có tiền, là dân buôn bán nên thỉnh thoảng ghé gửi tiền cho mẹ chồng tôi. Còn tôi là giáo viên dạy nhạc, thu nhập khiêm tốn, đâu có bạc triệu cho mẹ. Thế nhưng tiền gạo, thức ăn, điện nước… hằng tháng ngốn của vợ chồng tôi hơn số tiền chị dâu cả đưa cho mẹ chồng tôi rất nhiều”.
|
|
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock |
Nhưng, người nhà chồng không ai thấy điều đó. Họ chỉ thấy người dâu cả thỉnh thoảng ghé đưa vài triệu đồng, cho đó là nhiều. Sự so sánh nói mát của mẹ chồng, những xuýt xoa khen dâu cả hiếu thảo khiến vợ chồng bà Nhung phật lòng. Từ đó mỗi lần chị em bạn dâu đến, bà Nhung lại qua nhà hàng xóm chơi hoặc xuống bếp ngồi… buồn. Cho đến khi vợ chồng bà Nhung dành dụm tiền mua đất, ra riêng, thỉnh thoảng cũng ghé biếu ba mẹ chồng ít tiền, mẹ chồng mới công nhận sự hiếu thảo của Nhung.
Bà Thu - chị em bạn dâu với bà Nhung - chia sẻ: “Cùng là dâu, tôi luôn nói với mẹ chồng rằng Nhung chịu thương, chịu khó, chăm sóc cho mẹ trực tiếp và công sức nhiều hơn vợ chồng tôi”. Bây giờ, cả 2 con dâu đều thay nhau đến chăm sóc ba mẹ chồng. Chị dâu cả còn bỏ tiền thuê người giúp việc để cả 2 chị em dâu bớt vất vả.
Những chị em bạn dâu sống cùng gia đình nhà chồng ít nhiều sẽ va chạm. Nhưng nhờ sự khéo léo của 2 nàng dâu, họ trở nên thân thiết chẳng khác ruột thịt. Bà Nguyễn Thúy Minh (74 tuổi, ở phường 6, quận 8, TPHCM) nhớ lại: “Lúc tôi về nhà chồng năm 1975, trong nhà đã có cô dâu - vợ em chồng tôi - tên Hà. Hà vụng về, chỉ biết chăm con, nhỏ hơn tôi đến gần 1 con giáp nên tôi xem như em út.
Mỗi khi mẹ chồng phàn nàn, tôi đều im lặng chứ không thêm dầu vào lửa. Có nhiều lúc tôi “nói đỡ” cho em, như mẹ than em kho cá mặn quá, tôi nói đỡ chắc em chưa quen, lần sau chắc chắn em kho sẽ ngon hơn. Nhờ vậy em khăng khít với tôi như chị em ruột. Những khi bực mình mẹ, em hay lên phòng tôi càu nhàu. Tôi lắng nghe, an ủi em và không “nói đi nói lại” với mẹ chồng”.
Rể anh, rể em không phân biệt giàu nghèo
Ông Trần Thắng (50 tuổi, ở phường Cầu Kho, quận 1, TPHCM) là chủ thầu xây dựng. Sau khi cưới vợ, có nhà riêng, có xe hơi xịn nên khiến ba mẹ vợ vô cùng hãnh diện. Ông Nguyễn Minh - em rể cột chèo với ông Nghĩa - nghèo hơn, chỉ là công nhân xưởng giày tại Tân Bình. Em rể lại sống cùng ba mẹ vợ vì Minh là dân nhập cư chứ không phải dân Sài Gòn gốc như ông Thắng.
Năm nay, Minh đã 40 tuổi, vẫn là thân “chui gầm chạn”, anh rất mặc cảm, sống theo sắc mặt ba mẹ vợ, nhất là mẹ vợ hay khen lấy khen để người rể lớn. Những ngày giỗ chạp hoặc lễ tết trong nhà vợ, rể “đại gia” Trần Thắng luôn được chào đón nồng nhiệt. Thậm chí, ba mẹ vợ còn bảo rể nhỏ Nguyễn Minh phải mang ghế, bưng nước mời rể lớn.
|
|
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock |
May mắn, rể anh Trần Thắng là người hiểu biết, không vì “lợi thế” của mình mà “bắt nạt” rể em. Ông luôn mời rể em ngồi bên cạnh, hỏi chuyện và rồi anh em… cùng “dô” mấy lon bia. Ông luôn nhìn thấy điểm mạnh của rể em và khen em trước mặt ba mẹ vợ: “Cái đèn led chú thay cho đèn neon cũ rất sáng, rất hợp lý và thời thượng. May mà trong nhà có chú, chứ tui lâu lâu ghé, không thể nào chăm sóc ba mẹ từng chút như chú”.
Nhờ vậy, ông Nguyễn Minh bớt mặc cảm ở nhà vợ và nhà vợ cũng thấy rõ, nếu không có rể nhỏ, họ cũng sẽ loay hoay khó khăn khi tuổi già sức yếu không có người đàn ông tháo vát như con rể Nguyễn Minh bên cạnh.
Nhiều gia đình chị em bạn dâu nói xấu nhau, anh em cột chèo đánh nhau trong những ngày họp mặt gia đình chỉ vì lời khen chê của ba mẹ vợ hoặc ba mẹ chồng. Gia đình bà Lê Khánh Mai (70 tuổi, ở phường 5, quận Gò Vấp, TPHCM) thường vào chiều tối luôn gây phiền hà cho hàng xóm bởi tiếng gây gổ giữa 2 cô con dâu.
Con dâu cả bà Mai là công nhân may túi xách, mất việc 3 năm nay. Cô ở nhà lo cơm nước cho gia đình chồng. Cô dâu út là y tá. 2 người con trai, người chạy xe ôm, người là công nhân ngành in. Ăn cơm xong, chỉ chuyện nạnh nhau rửa chén cũng ồn ào. Cô dâu út vin vào cớ đi làm suốt ngày. Cô dâu lớn bảo đây chẳng phải người hầu. Chén ai ăn, người đó rửa. Cuối cùng, người anh cả hoặc mẹ chồng phải thay nhau xuống bếp rửa chén. Đó chỉ là một trong vô số chuyện khiến họ gây nhau.
Bà Cao Lệ Hoa (76 tuổi, ở quận 1) cho biết bà có 2 dâu 2 rể. Dâu cả là giảng viên đại học - đồng nghiệp của con trai bà. Dâu nhỏ buôn bán trái cây ở chợ Bà Chiểu. Rể lớn của bà Hoa làm điều dưỡng trong bệnh viện. Rể nhỏ là giáo viên. Cả con cái dâu rể đều có nhà riêng.
Đại gia đình chỉ sum họp những ngày giỗ và lễ tết. Tuy nhiên cả dâu, rể đều rất yêu thương vợ chồng bà và yêu thương nhau. Đó là nhờ bà rất tâm lý và khéo cư xử. Ví dụ đi mua sắm, bà rủ 2 con dâu cùng đi. Dâu cả dạy đại học chưa chắc thu nhập nhiều như dâu buôn bán.
Tuy nhiên không vì thế mà bà phân biệt đối xử; cũng như không vì cách lựa quần áo, nữ trang mà bà dè bỉu thu nhập hay gu thẩm mỹ của các con dâu. Dâu nào thiếu tiền, bà cho mượn hoặc bù thêm vào. Bà trả tiền cho dâu cả cái áo thì cũng mua tặng dâu em cái khăn choàng. Không bao giờ bà đến gặp dâu này, nói xấu dâu kia.
Với rể cũng vậy. Đi du lịch, bà tặng cho rể lớn dây nịt hay kiếng mát thì cũng mua cho rể em những thứ như thế, cùng chất liệu và giá tiền. Bà không bao giờ chê bai dâu rể trước mặt mọi người. Cả chồng bà cũng rất khéo trong cư xử để dung hòa tình cảm giữa các dâu và rể.
Bà Hoa kết luận: “Dâu rể trước khi về nhà mình, ở nhà tụi nó cũng là con cưng, con vàng con ngọc của ba mẹ. Dù rể hay dâu có không như mình mong ước thì cũng là lựa chọn của con mình, là người con mình sống cùng suốt đời, người mang lại hạnh phúc cho con mình. Vì vậy, thật vô lý nếu vì sự khiếm khuyết tài chính hay tính nết của dâu, rể mà mình phân biệt đối xử, sẽ gây nên bất hòa giữa anh chị em trong đại gia đình. Ngược lại, nếu mình nghĩ dâu rể về nhà mình là con của mình thì ba mẹ chồng hay ba mẹ vợ và các con cháu đều vui vẻ”.
Ai nghe bà Hoa nói, chứng kiến cách cư xử của bà với dâu rể đều tấm tắc khen: nếu người mẹ chồng, mẹ vợ nào cũng nghĩ và làm như bà Hoa, hẳn thế giới đã hạnh phúc đại đồng.
Theo phụ nữ TPHCM