Ngày đầu kết hôn, Hân đã luôn muốn rạch ròi mọi việc trong nhà. Cô cho rằng, sự phân công 50-50 là cần thiết. Lý lẽ là dù lương thấp hơn, cô vẫn làm việc kiếm tiền như chồng. Có những nghĩa vụ liên quan đến sinh con, chăm con thì chồng chẳng giúp được nên anh phải đảm nhận những việc khác. Vậy nên mỗi khi làm việc gì mà đó là việc của chồng, cô sẽ rất tức tối.

Một bộ quần áo bẩn chồng treo trong nhà tắm cũng có thể khiến cô nổi điên vì nghĩ chồng đang ỷ lại việc cho mình. Ăn cơm xong, bát đĩa chưa rửa mà chồng đang bận điện thoại công việc, cô cũng kệ để đến tận đêm. Cô không bao giờ đụng tay vào việc của chồng. Cũng giống như việc dạy đứa con lớn học lớp Một, cô nhất quyết không tham gia. Chồng đi công tác, cô sẽ bảo con trai gọi điện cho ba để… ba dạy online.

Ảnh mang tính minh họa - Freepik
Ảnh mang tính minh họa - Freepik

 

Những lần chồng cô than mệt hoặc nhờ vợ làm giúp, cô kể công: “Thôi anh đừng có đùn đẩy, việc của em cũng đâu có ít. Em đã đi chợ, nấu cơm, tắm cho con, dọn nhà… Em cũng mệt vậy”.

Hân luôn vạch rõ ranh giới đến độ vợ chồng xa cách, mất dần sự kết nối. Lúc nào cũng là em làm cái này, anh phải làm cái kia. Nếu anh không làm, em cũng sẽ không làm. Hân luôn đề phòng và không cho chồng nói gì nếu anh mở đầu bằng “đợt này anh rất bận và áp lực” vì cho rằng chồng muốn trốn nghĩa vụ trong nhà.

Dần dần, chồng đã chẳng còn nhờ vả hay chia sẻ điều gì với Hân nữa. Những tin nhắn, những cuộc nói chuyện trở nên thưa thớt. Từng chút một, Hân nhận ra mối quan hệ giữa vợ chồng cô giống như những đối tác hơn là bạn đời. Cô đã luôn đòi hỏi sự công bằng nhưng cuối cùng, cuộc hôn nhân của cô lại rơi vào bế tắc bởi chính sự công bằng đó.

Chồng cô có người khác. May mắn là chồng cô và cô gái ấy mới chỉ dừng ở việc nhắn tin chia sẻ về áp lực trong công việc. Sóng gió đến, đã có lúc Hân đau khổ và muốn tung hê lên: “Anh phải chịu sự trừng phạt vì dám có người khác”. Nhưng sau những đau đớn, Hân  hiểu rằng, mình đã có thể là người chia sẻ những buồn vui với chồng nếu như không vô tình tạo ra vách ngăn giữa 2 người. Cô bình tĩnh lại. Cô không muốn trừng phạt, vì điều đó sẽ tạo ra địa ngục trong nhà. Cô quyết định thay đổi, lùi lại để vun vén mối quan hệ.

Cô nói với chồng về những tổn thương, những sai lầm và đòi hỏi có phần quá đáng từ cô. Chồng cô cũng nói ra điều anh khó chịu bao lâu: “Nhiều khi anh nói mệt quá thì em hãy hiểu là anh đang mệt thật”. Hân bỗng thương người đàn ông của mình hơn bao giờ hết…

Cùng đi làm kiếm tiền nhưng công việc của Hân nhàn hơn chồng rất nhiều. Anh phải chạy xe mỗi ngày 30 cây số đi về, còn Hân đi làm ngay gần nhà. Mỗi ngày, chồng cô cũng xử lý một loạt công việc với những con số, tính toán và nhiều lúc kéo dài về tận đêm. Còn công việc của Hân chỉ giải quyết trong giờ hành chính là xong, thời gian còn lại, Hân sẽ thường lướt mạng giải trí. Ấy thế, lúc nào Hân cũng đòi chồng phải làm việc nhà cho bằng mình, phải để tâm mọi thứ liên quan khác.

Hân cũng đã từng nghĩ đàn ông thì phải chịu áp lực và rất khó chịu mỗi khi chồng kêu mệt hoặc than thở. Nhưng cô đâu biết, đàn ông hay phụ nữ cũng giống nhau. Ai cũng có nhu cầu được sẻ chia chứ đâu phải đàn ông là sắt đá. Cô than thở và kể lể được thì cớ sao lại khó chịu với điều đó từ chồng?

Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock

 

Sau cuộc đối thoại, vợ chồng cô cùng nhất trí dỡ bỏ cái vạch ngăn “việc ai người đó làm”, mỗi người đều cố gắng tốt nhất phần của mình để có nhiều thời gian hơn bên nhau. Cô không muốn đấu tranh để được “ngang ngửa” với ông chồng. Cái cô muốn là sự kết nối. Cô dành thời gian dạy con học, dọn dẹp nhà cửa, sửa soạn trước những bữa sáng, tìm kiếm bộ phim hay để vợ chồng xem cùng nhau vào mỗi tối cuối tuần… Nhiều lần, cô chủ động hỏi: “Anh có mệt không?” và lắng nghe chồng nói cả tiếng về công việc của anh.

Lạ kỳ là dù làm nhiều việc hơn trước nhưng Hân lại cảm thấy thoải mái, nhẹ nhàng hơn. Vì cô đã dẹp bỏ được những kỳ vọng, soi mói và ỷ lại vào chồng. Và cũng lạ kỳ, ông chồng của cô về nhà sớm hơn và cùng vợ làm việc nhà nhiều hơn. 

Theo phụ nữ TPHCM