leftcenterrightdel
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock 

Như thể chỉ đợi tôi ngồi lên ghế trước của chiếc taxi, chị tài xế đã chuẩn bị sẵn câu chuyện: “Hoa bán đầy đường em nhỉ, làm chị vừa nhớ ra hôm nay là ngày 8/3! Thảo nào bạn chị đăng Facebook ảnh chồng nấu cơm, rửa chén. Kể ra phụ nữ mình cũng được giải phóng vài ngày”. 

Lời chị nói làm tôi nhớ ra, đúng là mình cũng đã vô tình lướt qua rất nhiều bài đăng “món quà” chồng rửa chén, dọn nhà, nấu cơm… Bên dưới đó là rất nhiều lời khen, trầm trồ rằng cô này, chị kia lấy được chồng tốt. Tôi vốn không suy nghĩ gì nhiều nhưng nay bỗng nhiên tự hỏi: Chuyện chồng vào bếp hay làm việc nhà thì có còn đáng ngạc nhiên và có nên tung hô?

Xã hội đã đi lên rất xa so với những lề lối cho rằng việc nhà là của phụ nữ. Chuyện chồng làm việc nhà trong nhiều gia đình đã được coi là hiển nhiên chứ không phải là một đặc ân, một niềm xúc động lớn lao trong những ngày lễ, ngày kỷ niệm. “Hiển nhiên” nghĩa là mọi việc trong nhà đều bình đẳng, ai tiện việc gì thì làm việc nấy. Vợ dọn bàn ăn thì chồng rửa chén, vợ bận dạy con học thì chồng dọn dẹp, vợ đi làm về trễ thì chồng nấu cơm hoặc cùng ra ngoài ăn… Tức là trừ chuyện sinh con thì đích thân vợ phải làm, chẳng có nghĩa vụ gì phải gắn riêng với người vợ.

Và nếu ngay cả người vợ cũng có tâm lý luôn gắn việc trong nhà là của mình, chỉ cần chồng vào bếp một chút thì coi như chuyện “động trời”, chẳng phải các anh cũng sẽ sinh ra tâm lý như thế hay sao?

Tôi có một người bạn mà trong cuộc gặp nào, bạn cũng kể rằng cứ đi làm về là chẳng phải làm gì. Chồng bạn sẽ làm hết mọi việc từ đi chợ, nấu nướng và cho chén đũa vào máy rửa chén sau khi ăn xong. Bạn khen chồng hết lời vì biết hy sinh, có trách nhiệm với gia đình. 

Nhưng thực tế thì rất khác. Lý do anh ấy phải vào bếp đơn giản là không làm thì không được. Con quấy khóc, không chịu rời mẹ và không thuê được người giúp việc vừa ý. Tiền lương của bạn đủ cân mọi chi phí từ sinh hoạt đến tiền học của con. Nếu bạn không đi sớm về muộn thì sẽ không giữ được thu nhập cho gia đình. Công việc xây dựng của chồng bạn thì bấp bênh… 

Bạn nói về chồng như thể chồng bạn là trụ cột chính trong gia đình. Nhưng bạn vừa phải bế con vừa nghe chồng càm ràm vợ lười, quát mắng con cái, thi thoảng cả nhà lại nháo nhào lên vì chồng đòi đi tìm khoảng trời riêng. Bạn không dám nói lại nửa lời vì dù bạn góp ý, chồng cũng không tiếp thu. 

Nghe đâu được 1 năm như thế thì bạn cũng phải thuê người giúp việc dù chẳng ưng ý, chỉ để được giải thoát khỏi cảnh “chồng làm việc nhà”. Những lời khoe chồng không còn nhưng chắc chắn bạn cảm thấy thoải mái hơn rất nhiều. Vì như bạn nói: “Ít nhất thì người giúp việc nấu canh mà mặn thì mình còn bảo nêm nhạt được, còn chồng nấu mặn mà mình góp ý là “nhảy dựng” liền: “Không nấu được thì đừng có chê”. 

Tôi nghĩ, chính tư duy nhún nhường, luôn ôm đồm việc nhà cũng góp phần làm cho đàn ông thêm gia trưởng. Cho đến bây giờ, tôi vẫn nhớ rất rõ một buổi trưa thứ Bảy của 10 năm trước, tôi đi làm về đến nhà là 12g30 nhưng bếp vẫn lạnh tanh. Cả chồng tôi và bác giúp việc ngồi đó đợi tôi về nấu vì “không biết phải nấu gì”. Tôi đã rất tủi thân bởi sau khi chạy xe đường xa nắng nôi, mệt và đói lại phải đứng nhìn những người ở nhà thản nhiên… đợi mình về nấu cơm.

Đó là khoảnh khắc tôi quyết tâm thay đổi. Nhà tôi không còn thuê người giúp việc. Vợ chồng tôi ngồi lại nói chuyện với nhau. May mắn chồng tôi là người có tư duy cởi mở, anh thú thật “lâu nay không làm vì không biết”. Còn tôi chấp nhận những bữa cơm có thể sống, đồ ăn nấu không vừa miệng với mình, trả lời những câu hỏi ngớ ngẩn nhất của chồng trong bếp… Đổi lại hôm nay, nếu tôi có đi làm hoặc ra ngoài vào cuối tuần, bếp vẫn đỏ lửa, nhà cửa vẫn gọn gàng.

Tôi nghĩ sự bình đẳng vốn không đến từ điều gì xa xôi. Nó đến từ việc cả hai cùng ý thức được sự tham gia của mình trong những phút giây sinh hoạt ở nhà. Vậy nên đừng khoe chuyện chồng rửa chén nữa, xưa rồi! 

Theo phụ nữ TPHCM