Hỏi thế, tức là chạm nỗi đau của Lan. Quả thật, Lan không giấu chuyện cô từng hờn giận nhà chồng. Mẹ chồng luôn cho rằng cô gái nào tới với con bà cũng vì nhòm ngó mấy cái nhà mặt tiền. Nhất là khi gia cảnh của Lan lại không hề môn đăng hộ đối.

Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock

 

Khi xưa, sự giận dỗi không ảnh hưởng lắm đến tình yêu của Lan với anh chồng, vì suốt 2 năm yêu đương, anh bảo cô chỉ cần né không về nhà anh, không gặp ai là được.

Trước đám cưới chừng 2 tháng, mẹ chồng tương lai hẹn gặp Lan, nói xách mé chuyện dòm ngó nhà cửa. Hôm ấy không kìm được, cô đã thành thật nói: "Cháu không quan tâm gì hết ngoài con trai bác, cháu cũng biết lấy anh sẽ vất vả hơn bình thường".

Gia đình càng cấm, anh chàng càng quyết tâm cưới Lan. Anh tuyên bố không cần cha mẹ tổ chức đám cưới, không cần ở nhà cha mẹ, sẽ tự thuê nhà và bắt đầu mọi thứ từ số 0. Cha mẹ chồng Lan thấy con trai cứng đầu nên không chịu nhún, cặp đôi cũng không chịu lùi. Đám cưới vẫn diễn ra dưới hình thức bữa tiệc nhỏ, chỉ mời bạn học đôi bên tại Bình Quới.

Đôi trẻ về bên nhau với bao hoài bão xây dựng tổ ấm. Đứa con thứ nhất ra đời trong phòng trọ, đứa con thứ hai cũng ra đời trong căn hộ chật chội. Vợ chồng đi làm với mức lương bình thường, làm sao có thể tích cóp mua nhà!

Những năm đầu, nhà nội vẫn xa cách với nàng dâu như ngày chưa cưới. Ông bố chồng thỉnh thoảng thở dài vì nhà cửa rộng mênh mông nhưng con trai trưởng và cháu đích tôn không về ở. Biết ông buồn, nhưng bà mẹ chồng không muốn xuống nước trước. Bà thường nhắc chuyện vợ chồng Lan "thách" ông bà trước đám cưới: "Chúng nó bảo nó không cần, để xem chúng nó không cần trong bao lâu".

2 căn nhà mặt tiền ông bà đem cho khách thuê, mỗi tháng thu được hơn 30 triệu đồng. Ông từng gợi ý bà đem tiền này chia cho con trai nuôi con nhỏ, chi trả tiền thuê nhà, nhưng vợ chồng Lan lắc đầu: “Ba mẹ giữ để dưỡng già, chúng con tự lo được”.

10, rồi 15 năm qua, Lan và chồng vẫn không xin ông bà bất cứ món đồ nào. 1 lần đứa cháu trai đích tôn về, bà gọi cháu vào phòng nói: "Bà để tài sản cho cháu nhiều lắm. Ngôi nhà này, tiền cho thuê nhà bao lâu bà cất này. Ông bà chỉ tiêu lương hưu đủ rồi, nên không dùng gì phần của cháu và cha mẹ cháu cả".

Cuộc sống có khi thuận lợi, nhưng cũng lắm lúc khốn khó, nhất là đợt dịch COVID-19 căng thẳng. Không biết bao lần Lan rơi nước mắt nghĩ lại 15 năm ở thuê, dọn chuyển qua 5, 7 căn nhà. Những ngày tháng thiếu trước hụt sau, phải vay tiền bạn bè khi con bệnh, cửa nhà nheo nhóc, vợ chồng bảo nhau ráng tự lực cánh sinh. Lan động viên chồng: “Thì cứ đặt mình vào cảnh như những người bạn nhập cư đều không nhà cửa, khổ tí để có động lực mà vươn lên”.

Dần quen với cảnh ở thuê và điều kiện thiếu thốn, chồng Lan bỏ hẳn thói tiêu tiền vung tay kiểu công tử hồi trẻ và cũng không còn trách giận cha mẹ.

Ảnh mang tính minh họa - Our-Team
Ảnh mang tính minh họa - Our-Team

 

Hôm rồi, có người bạn cùng lớp hỏi chuyện làm con dâu nhà 3 mặt tiền. Mấy bạn khác vào nhóm chat nói chắc Lan thoải mái chuyện tiền nong lắm, chỉ cho thuê nhà thôi đã đủ sống sung túc bằng mấy người đi làm rồi.

Lan nhẹ nhàng kể: “Mười mấy năm qua, tôi chưa từng cầm xu tiền thuê nhà nào. Nhà chồng nay cũng đã biết tôi không nhòm ngó tài sản. Hồi trước bà nội tụi nhỏ khó tính lắm, nhưng tôi đều đặn qua lại và lễ phép đủ đầy, lại biết nuôi dạy con học giỏi, khỏe mạnh, nên càng lúc bà càng có cảm tình với con dâu.

Bà mới làm giấy tặng 2 bất động sản cho cháu nội, chồng tôi mừng rơi nước mắt. Thôi thế là cất được gánh nặng tâm lý bà không thương con cháu, chứ không hẳn vì ham 2 căn nhà. Tuy vậy, tôi cũng lo con trai ỷ lại vào tài sản sẵn có, phải bảo con luôn cố gắng, để kiếm nghề nghiệp có lương tốt mà vững bước vào đời. Tài sản của ông bà, con cháu chỉ là người tiếp tục giữ gìn mà thôi”.

Nghe chuyện của Lan, có người bảo Lan “dở hơi”, nhưng tôi rất hâm mộ cô ấy, nhất là cách khuyên chồng con không tham tài sản của ông bà. 

Theo phụ nữ TPHCM