Hóa giải hiểu lầm của mẹ chồng
Trước đây tôi và chị L.T.N học cùng trường, khóa trên khóa dưới nên cũng biết mặt nhau. Lúc tốt nghiệp ra trường cùng đi làm báo, tôi và chị cũng có đôi lúc gặp nhau. Bẵng đi một thời gian dài không liên lạc nên tình cờ gặp lại chị trong một buổi hội thảo trên Lào Cai, hai chị em tay bắt mặt mừng. Trong lúc chờ đến giờ họp báo, chị có điện thoại gọi tới. “Dạ, con ăn rồi ạ. Trên này lạnh lắm mẹ ạ. Dạ, con mặc ấm rồi. Mẹ yên tâm”, chị buông điện thoại rồi quay sang tôi cười giải thích. “Mẹ chồng gọi hỏi thăm xem ăn tối chưa với nhắc mặc áo ấm vào đấy”.
“Chị sướng thế, được mẹ chồng quan tâm đến ăn lẫn mặc”, tôi nói giọng vẻ ganh tị. “Cũng không phải một lúc mà được như thế đâu em ạ. Chị cũng phải trải qua nhiều sóng gió lắm mới thì hai mẹ con mới có thể hiểu và thông cảm cho nhau đấy”, chị đáp.
Chị N. kể, ngay từ lúc chị và chồng chị bây giờ còn yêu nhau, đã gặp không ít khó khăn. Sau khi ra mắt bố mẹ anh lần đầu, chị hồi hộp hỏi anh xem ý kiến của các phụ huynh ra sao. “Em hỏi thì anh xin thưa. Mẹ anh bảo phụ nữ làm báo chao chát đanh đá lắm, hỏi anh đã tìm hiểu kỹ chưa mà đòi lấy. Em cứ chuẩn bị tinh thần nhé”, anh nửa đùa nửa thật đáp.
Trước tình yêu của hai người và sự kiên quyết của anh, mẹ anh đồng ý để anh chị làm đám cưới. Nhưng ngay lúc chị bước chân về nhà chồng, mẹ anh đã tỏ thái độ không ưa rõ ràng. Bà luôn tìm mọi cách xét nét và bắt lỗi con dâu. Công việc của một phóng viên kinh tế của chị nhiều lúc phải theo các cuộc hội họp, sự kiện nên đi về thất thường, nhiều lúc phải trực tin đến tối muộn.
Mẹ chồng chị bóng gió: “Con dâu nhà người ta sáng đi chiều về, đằng này thì đi đến nửa đêm còn chưa thấy về. Hàng xóm láng giềng người ta nhìn vào lại tưởng làm cái nghề gì bất chính mới vậy… Lấy con dâu về giúp đỡ đần việc nhà cửa cuối cùng lại phải hầu thêm, cơm nước đùn hết cho osin già này”.
Ảnh minh họa.
Bà cũng nhắc nhở con trai phải nghiêm túc uốn nắn vợ vào nề nếp. “Các cụ đã bảo dạy con từ thuở còn thơ, dạy vợ từ thuở bơ vơ mới về. Con phải rắn mặt thì mới trị được nó”, mẹ chồng chị nói với con trai. Mỗi lần chị phải đi công tác xa, mẹ chồng lại khó chịu ra mặt. Thậm chí, bà còn đặt dấu hỏi nghi ngờ liệu khi đi xa chồng, chị có thừa dịp để “mèo mả gà đồng” không. Dưới sức ép của mẹ, chồng chị cũng bị ảnh hưởng ít nhiều.
Không ít lần chị phải ôm gối khóc thầm khi mẹ chồng quá khắt khe, còn chồng cũng không dám thể hiện ra mặt bênh vực chị. Thế rồi, sau nhiều ngày suy nghĩ, chị quyết tâm thay đổi mọi định kiến của mẹ chồng đối với mình.
“Hạnh phúc ở trong tay mình mà không biết nắm lấy, không biết đấu tranh để gìn giữ thì khi tuột đi mất chẳng thể trách ai”, chị thầm nghĩ.
Bước đầu tiên, chị cố gắng thu xếp công việc để có thể buổi sáng dậy sớm nấu bữa sáng, buổi tối thì tranh thủ về nấu cơm đỡ đần mẹ chồng. Những ngày đi công tác xa, chị thường hỏi xem anh hoặc họ hàng có người quen ở các tỉnh để chị đến xin ở nhờ. Làm như vậy, mẹ chồng chị cũng bớt đi định kiến con dâu không có người quản lý sẽ làm chuyện sai trái.
Bất cứ khi nào đi viết bài thị trường, chị cũng chủ động hỏi thông tin của mẹ chồng về hàng hóa và xin bà đưa ra các đánh giá với tư cách người tiêu dùng. Được con dâu hỏi chuyện, ban đầu mẹ chồng chị còn lảng tránh không trả lời. Nhưng chị khéo léo đan cài vào trong câu chuyện khi hai mẹ con cùng ở trong bếp nấu cơm.
“Vì mẹ chồng chị hay đi chợ nên chị hỏi xem giá rau bao nhiêu một mớ, giá thịt bao nhiêu một lạng. Sau đó, hỏi bà so với thời gian trước có tăng không. Rồi hỏi dần đến việc ảnh hưởng đến tiền chợ thế nào. Mặt hàng nào đang được yêu thích. Vốn dĩ các bà nội trợ bao giờ cũng muốn thể hiện sự sành sỏi trong việc chợ búa nên kiểu gì cũng sẽ mở lòng mà nói”, chị cười chia sẻ.
Những thông tin của mẹ chồng cung cấp được chị sử dụng vào bài viết của mình. Khi nào báo ra, chị đem tặng bà một cuốn và bà tỏ ra rất hài lòng khi ý kiến của mình được con dâu đưa lên mặt báo.
Sự việc khiến mẹ chồng thay đổi hẳn thái độ với chị là khi nhiều phụ nữ trong khu, trong đó có mẹ chồng chị bị một người bán hàng đa cấp lừa bán cho loại thực phẩm chức năng kém chất lượng. Vừa mất tiền vừa uống vào hại sức khỏe, mọi người đều rất phẫn nộ. Đúng thời gian đó, chị cũng đang thực hiện loạt phóng sự về mặt trái của bán hàng đa cấp. Nhiều ngày chị phải đi sớm về muộn, giãi nắng dầm mưa lần theo manh mối để thu thập đủ tư liệu viết bài. Nhờ loạt bài của chị đăng trên báo mà nhiều đường dây buôn bán lừa đảo được đưa ra ánh sáng.
Khi được tin bọn làm ăn bất lương bị bắt, những người bị lừa trong khu phố nhà chị ai nấy đều hởi lòng hởi dạ. “Đúng là báo chí giúp phanh phui những tệ nạn trong xã hội, lấy lại công bằng cho người dân. Bà Vân có con dâu làm báo thật là đáng tự hào”, người hàng xóm nói.
“Chứ còn gì nữa. Con dâu tôi nó phải vất vả lắm mới viết được một loạt bài như thế đấy. Nhiều lúc thấy nó lăn lộn vậy tôi cũng xót”, mẹ chồng chị khoe.
Kể từ đó, mẹ chồng chị không còn định kiến nặng nề với chị như trước. Cũng nhờ vậy mà tình cảm gắn kết cảm thông cũng dần gia tăng. Đến giờ, mẹ chồng chị luôn tạo điều kiện cho chị làm tốt công việc, thậm chí chăm lo cho chị chẳng khác gì con gái của bà.
Chồng là hậu phương
Chị N.T.D làm thư ký tòa soạn cho một tờ báo điện tử có lượng độc giả truy cập cao. Trước đây, khi chỉ làm nhân viên bình thường, công việc của chị không quá bận rộn. Nhưng nhờ nỗ lực phấn đấu, chị được thăng lên làm thư ký tòa soạn. Nhưng chức vụ đi đôi với trách nhiệm. Chị phải phụ trách đăng bài bất kể giờ giấc sáng tối, cứ có bài của phóng viên gửi đến là phải đẩy lên trang.
Nhiều lúc phải ôm máy tính từ sáng, thậm chí nửa đêm cũng phải thức để làm việc. Mọi sinh hoạt trong cuộc sống của hai vợ chồng chị bị đảo lộn tất cả. Thậm chí buổi tối khi hai vợ chồng đang chuẩn bị “vui vẻ” thì tiếng chuông điện thoại của phóng viên réo vang, chị đành phải ngậm ngùi rời giường ra bàn làm việc.
Ảnh minh họa.
Mọi việc càng trở nên khó khăn sau khi chị sinh con. Hết thời gian ở cữ, chị gửi con cho một người hàng xóm gần nhà. Tan làm ở cơ quan, anh thường tranh thủ về đón con, giúp chị nấu ăn. Thấy chồng cứ về nhà lại cơm nước rồi tắm rửa cho con, chị cũng rất sốt ruột. Nhất là những hôm con ốm, anh lúng túng bế con dỗ dành. Nhiều lúc chị thấy chán nản, muốn xin từ chức để trở lại làm phóng viên như trước.
Nhưng anh đã hết lời động viên chị: “Đặc thù công việc của em như vậy thì cũng phải cố gắng chấp nhận thôi, bây giờ làm ở đâu cũng vậy. Nếu điều kiện đỡ đần em được thì anh sẽ làm hậu phương cho em. Hai vợ chồng mình tương hỗ cho nhau cùng phấn đấu. Em cứ yên tâm làm việc cho tốt”.
Nhiều đêm thấy vợ kỳ cạch viết bài, anh đến bên bàn khoác thêm áo cho chị đỡ lạnh. Thỉnh thoảng, anh còn nấu mì cho vợ ăn đỡ đói. “Mai em không phải dậy sớm nấu đồ ăn cho anh đâu. Đêm đã thức khuya rồi thì cứ ngủ để lấy sức làm việc”, anh thường căn dặn chị như vậy.
Chị D. thấy mình thật may mắn khi có một người chồng luôn sẵn sàng làm hậu phương vững chắc cho vợ. Bởi nhiều bạn chị cũng làm báo nhưng chồng họ thấy vợ bận rộn thì cũng mải mê đi nhậu tối ngày. Nhà cửa chả ai chăm lo, bỏ bê rồi dẫn đến kết cục đáng tiếc cho cuộc hôn nhân.
Trong lòng chị luôn ngập tràn sự biết ơn chồng. Chính sự hiểu biết và quan tâm của anh đã là mồi lửa giữ ấm cho tổ ấm hạnh phúc của gia đình anh chị. Chị tự nhủ lòng sẽ cố gắng hơn nữa để đáp lại sự hi sinh thầm lặng của chồng mình.
Theo giadinhonline.vn