Đại gia đình của chị Thắng chụp hình kỷ niệm dịp Tết Giáp Thìn
Ông bà nội, cha mẹ chồng của chồng chị Thắng đã mất nhưng đại gia đình hàng trưởng bối là các cô, chú chồng. Theo thống kê sơ bộ của chị, tính đến đời chút của ông bà nội chồng, đại gia đình có tổng cộng 197 người. Sắp tới, có hai người cháu sắp sinh và thêm một cháu dâu nên tổng số thành viên sẽ chẵn tròn 200 người. Trung bình, mỗi gia đình nhỏ có từ 4 - 7 người.
Chồng chị Thắng là cháu trai trưởng nên nhà nằm gần khuôn viên nhà thờ dòng họ. Ngoài dịp tết, mọi người vẫn gặp gỡ nhau vào ngày giỗ của ông bà. Họ xem đây là việc tưởng nhớ tổ tiên, bày tỏ sự tưởng nhớ với ông bà đã khuất. "Tết là dịp các thành viên tụ tập đông đủ nhất. Ngày giỗ ông bà chỉ làm khoảng 10 mâm nhưng ngày tết lên đến tận hơn 20 mâm", chị Thắng nói. Ngày tết, mỗi nhánh gia đình sẽ dâng lên một con gà lễ, bánh chưng, rượu, tiền vàng… thờ cúng tổ tiên trong nhà thờ dòng họ.
"Ngoài sân điện, mọi người sẽ tổ chức chúc tết, thi thơ… Hồi xưa ông nội của chồng rất hay làm thơ răn dạy con cháu nên đến giờ các thành viên vẫn giữ thói quen đó. Sau đó, mọi người hạ lễ xuống để chấm và trao giải", chị Thắng kể. Cũng theo người cháu dâu, việc xếp hàng nhận mừng tuổi là phần được mọi người trông chờ nhất. Đại gia đình có quy luật tất cả những ai kết hôn, có con mới phải mừng tuổi. Những người trong diện được mừng tuổi cũng xếp hàng dài. "Tôi làm dâu đến nay được 16 năm và luôn thấy vui, tự hào về sự đoàn kết của gia đình", chị Thắng cho biết.
Nhớ lời răn dạy của ông bà
Người phụ nữ vẫn nhớ như in chuyện con trai hơn 30 tuổi của người chú có lỗi khi có lời nói không đúng mực với mẹ. Mọi người trong nhà đã họp lại, giảng giải để người con chú hiểu ra, kèm hình phạt "lấy roi đánh đòn" để mong người đó không lặp lại sai lầm. "Sau khi được các bác, các chú phân tích, người đó tự nhận ra lỗi lầm và hoàn toàn nhất trí với hình phạt đó. Từ đó, người ấy cũng thay đổi cách cư xử với người khác", người cháu dâu nhớ lại.
Thế hệ sau cũng giữ đoàn kết như ông bà, cha mẹ
Mỗi gia đình có việc quan trọng như đám cưới, đám hỏi… đều nhờ anh em góp ý, giúp đỡ. Thế hệ cháu chắt cũng sát tuổi nhau nên khi học đại học, mọi người rủ nhau thuê chung một căn nhà để ở, vừa tiện lại vui vẻ, đầm ấm. Chị Thắng luôn mong đại gia đình đoàn kết, yêu thương nhau để trở thành tấm gương tốt cho thế hệ sau. "Vì có nhiều thành viên quá nên đôi khi quên tên, không nhớ nổi mặt người này, người kia. Đại gia đình cũng không tránh được những lúc bất đồng quan điểm nên thỉnh thoảng sẽ có cuộc họp nội bộ, thống nhất theo ý kiến số đông, hợp lý", chị Thắng chia sẻ.
Bà Hà Thị Tỵ (60 tuổi), em gái út của cha chồng chị Thắng, chia sẻ dù đã lấy chồng hàng chục năm nhưng mỗi năm bà đều cố gắng về gặp mặt mọi người. "Anh em tôi rất may mắn và hạnh phúc khi được làm con của bố. Bố luôn có kỷ luật trong gia đình; anh em, dâu rể không hài lòng với nhau sẽ tổ chức cuộc họp để thanh minh, phân xử. Nếu bố thấy cãi nhau sẽ bắt viết bản kiểm điểm nên ai cũng sợ, không dám vi phạm. Đến khi bố mất, anh em, con cháu đến nay vẫn duy trì những thói quen đó", bà Tỵ bộc bạch.
Theo Thanh niên