leftcenterrightdel
 “Nhà tâm lý” mang tên má

Ba tôi mất đã 22 năm, để lại mảnh vườn, vài vuông ruộng và 11 đứa con cho má. Một mình má dựng vợ, gả chồng, nuôi chúng tôi ăn học. Ai nhìn má cũng nể, cũng thương, kèm đó là bao niềm xót xa... 

Có lẽ “thành tựu” của má từ sau thời con gái là lấy được tấm chồng “hiền như cục đất”, đến mức làng trên, xóm dưới nghe tên ba là quý, là thương. Khi ba đi, người ta vẫn nhắc “bao năm sống không mất lòng ai”. “Thành tựu” tiếp theo của má chính là tinh thần kiên cường, nỗ lực không mệt mỏi khi vừa làm mẹ vừa choàng luôn vai cha, gánh gồng, nuôi dạy đàn con 
thành người.

Càng lớn, chúng con càng hiểu rằng, chắc chắn má cũng rất cô đơn. Không ít lần chúng con vừa đùa vừa thật: “Má còn đẹp gái chán, để tụi con kiếm bạn trai cho nha!”. Má cười, rồi lại hái rau, nhổ cỏ, đi chợ một mình như bao ngày.

Bà con chòm xóm hay nói với tôi: “Má cậu trên đời có một. Ông đi sớm, bà tần tảo tay cuốc, tay liềm quần quật cắt cỏ nuôi bò, làm ruộng, chăn vịt, nuôi gà, buôn gánh, bán bưng, đi rừng, băng suối gì cũng có mặt bà... Nhiều nhà cha mẹ đề huề mà con cái học hành chểnh mảng, hư hỏng, nói không nghe, phá làng phá xóm. Con cái của má đứa làm phim, đứa giám đốc, đứa giáo viên... kể tới là nở mặt thay cả xóm”.

Ngồi nghe các cô, các dì nói chuyện phiếm, tôi thấy kiêu hãnh biết mấy khi được làm con của má, được má nuôi dạy, được má bảo ban. Tôi luôn tin rằng, má tôi hay những bà má khác trên đời, đối với con cái, đều thật vĩ đại. 

Làm công tác tư vấn tâm lý, giảng dạy tâm lý học, nhưng tôi không vượt qua “nhà tâm lý má”. Lúc buồn vui, lúc cô đơn, lúc bế tắc, lúc cần lời khuyên là tôi cầu cứu má. Và lần nào tôi cũng được tiếp thêm động lực, được gợi mở để giải quyết chuyện của mình chỉ với những lý lẽ rất giản dị, rất đời thường. Đúng như hai câu thơ: “Con dẫu lớn vẫn là con của mẹ/ Đi hết đời lòng mẹ vẫn theo con” (Con cò - Chế Lan Viên). 

Thực tế là rất nhiều người trong chúng ta, ở ngoài xã hội có thể là ông này, bà nọ, có thể “hô mưa gọi gió” nhưng về nhà vẫn là đứa con bé bỏng, non dại trong mắt má và người thân. Má nói một câu, tôi phải bật chế độ “nghiêm túc suy nghĩ”, nếu má chê dở là phải coi lại dở chỗ nào mà sửa, má khen tốt là tôi mừng như mở cờ trong bụng.

Có thể trình độ văn hóa của má tôi không cao, nhưng thế giới quan, nhận thức, tư tưởng và hiểu biết của má đôi khi uyên bác không thua kém những người học cao, hiểu rộng. Lúc ba tôi vừa mất, nhiều người vừa thương, vừa lo, cũng có khi không đồng tình hoặc chê bai khi má nhất quyết cho con cái học hành tới nơi, tới chốn.

leftcenterrightdel
 Má dồn sức lo cho các con học hành tới nơi tới chốn (tác giả bìa phải)

Ở quê thời đó bà con thường có tư tưởng “Học chi cho nhiều, biết có làm quan làm tướng gì không?”.  Đặc biệt, nếu là con gái, sẽ phải nghe hoài câu “Học cho cố vô rồi cũng theo chồng”. Nhưng không vì nghèo, vì khổ mà má bắt đứa con nào nghỉ học.

Có người còn ác ý tiên đoán: “Rồi nó cũng rớt tốt nghiệp hoặc học đại học ra trường cũng thất nghiệp như con X., thằng T. kia thôi. Cho học chi mất công”. Đổi lại, má tôi đối đáp chắc nịch: “Kệ ông/bà ơi! Học mới thoát nghèo được, nó học cho nó, sau này nuôi nó, chứ tui đâu có nuôi được cả đời”. 

Lúc ngồi đủ mặt trong mâm cơm, má hay nhắc đi nhắc lại: “Tụi bây lo mà học hành cho đàng hoàng, không khéo người ta khinh nhà mình nghèo, mẹ góa - con côi, nghe chưa! Chừng nào cái sống lưng của má còn đứng thẳng được là má còn cho bây đi học”.

Nhờ trời thương, sống lưng má tôi vẫn khỏe bấy lâu nay. Dù có bệnh tim trong người kèm u nang buồng trứng, nhưng thân hình chưa tới 1m50, cân nặng hiếm khi vượt quá 35kg của má không chịu khuất phục bởi khó khăn, thử thách. Má luôn cố giữ cho cái sống lưng thật thẳng để đàn con noi theo và an tâm học hành. 

Anh em tôi cũng nhờ cái sống lưng thẳng của má mà nên người và luôn tự nhắc nhớ rằng, sống là phải đàng hoàng, tử tế, ngay thẳng như má. 

Theo phunuonline