Mẹ chồng tôi sinh ra và lớn lên tại xã Hải Sơn, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị. Mẹ là con út trong gia đình có bốn anh chị em. Nếu như ở những gia đình khác, người con út luôn được nâng niu, bảo bọc thì trái lại, mẹ luôn là người chịu nhiều thiệt thòi nhất.

Tuổi thơ của mẹ là những ngày mò ốc dưới sông, hái rau ở ruộng… Lớn lên một chút, mẹ một buổi đi học trường làng, buổi còn lại bán buôn ngoài chợ. 

leftcenterrightdel
 Chân dung mẹ do anh trai vẽ (mùa hè 2022)

Mỗi ngày, từ tờ mờ sớm, khi các anh chị vẫn còn ngủ, mẹ đã phải trở dậy phụ bà xếp chè xanh, rau lang, mít non vào sọt, rồi gánh về chợ huyện cách nhà gần chục cây số để bán. Ngày nào cũng vậy, mưa không nghỉ, nắng không buông. Bà ngoại lúc đó vừa là cán bộ giao liên nằm vùng vừa lăn lộn buôn thúng bán bưng để nuôi đàn con bốn đứa cùng người mẹ chồng bị mù. Bà nói, làm vợ thời chiến dù cơ cực, vất vả bao nhiêu thì nhất định vẫn là hậu phương vững chắc để chồng yên tâm nơi tiền tuyến.

Trong cái lý của bà, lúc đó, các cậu các dì đều đang ở cấp học cao nên ai cũng cần sự đầu tư, vun vén để sớm bước ra đời. Chưa kể, các cậu các dì đều học giỏi, chững chạc, giữ những chức vụ đoàn, hội quan trọng ở trường lớp và địa phương. Vậy nên, người em út đang ở “tuổi ăn chưa no lo chưa tới” là mẹ lại trở thành người đồng hành thân cận nhất của bà. Ngày qua ngày mẹ lầm lũi tròn vẹn chuyện gia đình. 

Ông ngoại hồi đó là một chiến sĩ thông tin mẫn cán trên chiến trường miền Nam. Thời chiến, Bắc - Nam chia cắt, chưa kể phải đảm bảo an toàn, bí mật quân đội nên những chuyến đi của ông đằng đẵng. Lần xa nhà lâu nhất kéo dài đến 18 năm. 18 cũng là số tuổi mà người con gái út lần đầu được nhìn thấy cha mình. 

leftcenterrightdel
 

Sau ngày thống nhất, ông ngoại đem theo mẹ từ Quảng Trị vào Huế sinh sống và làm việc. Mẹ là công nhân Xí nghiệp Liên hợp công trình đường sắt Thừa Thiên - Huế. Công việc của mẹ là đứng bán xăng dầu tại các cây xăng bán lẻ của xí nghiệp. Việc làm vất vả, đổi ca liên tục, mẹ không bao giờ ca thán một lời.

Mấy năm sau, mẹ kết duyên cùng ba - một chàng trai xứ Huế làm cùng công ty. Nếu mẹ là cô công nhân lao động chân tay vất vả thì ba là người phụ trách kỹ thuật việc bận ngập đầu. Trong chặng đời công tác, ba có đến hơn 10 năm liên tục làm việc tại văn phòng thuộc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đặt tại Hà Nội. Một mình mẹ ở lại Huế nuôi con, quán xuyến từ trong ra ngoài. 

Thời gian trôi qua, cuộc đời như một ẩn số xoay vần. Khi các con đã lớn, chồng từ thủ đô về làm việc gần nhà thì ông bà ngoại lại đến tuổi đau ốm, ai cũng mang một “tổ hợp” bệnh trong người. Từ Hải Lăng vào Huế sinh sống, ông bà chỉ muốn được người con gái út chăm sóc mà thôi.

***
Hoàn cảnh tạo nên tính cách con người. Mẹ chồng tôi là mẫu phụ nữ từ nhỏ đến lớn luôn toàn tâm toàn ý lo cho người thân, gia đình. Từ ngày về làm dâu của mẹ, hiếm khi nào tôi thấy mẹ có sở thích riêng. Mẹ luôn chăm chăm nấu những bữa ăn ngon, hợp khẩu vị cho con; mẹ sắp xếp nhà cửa, nhắc nhở, lên lịch tập luyện, chăm sóc sức khỏe cho chồng.

leftcenterrightdel
 Cuốn sổ chép tay của mẹ

Khái niệm “yêu bản thân”, “sống cho mình” có lẽ rất xa vời đối với những phụ nữ bị hoàn cảnh đẩy đưa như mẹ. Cho đến sáng nay, tôi dọn nhà và nhìn thấy cuốn sổ tay nằm gọn lỏn trong hộc bàn… 

Thay cho lời ngỏ tự viết, ở trang đầu tiên, mẹ tôi đã chép lại những dòng thơ mượt mà: 

“Giở trang sách thấy đời vui ấm lửa
Lời lời thơm như dòng sữa ngọt ngào
Ý làm thang cho tri thức bước cao
Bao ý đẹp giục tâm hồn vỗ cánh”.

Tôi tiếp tục lần giở những trang tiếp theo. Cuốn sổ bọc da, trên những trang giấy kẻ ngang đã ngả màu thời gian là những bức hình vẽ hoa hồng, hoa loa kèn, hoa phượng, khuôn mặt những cô gái đẹp và những bài thơ, bài hát mang hơi thở, dấu ấn của một thời thanh xuân.

leftcenterrightdel
 Mẹ tôi (áo tím, bế cháu) một đời luôn lo lắng cho gia đình

Tôi nhớ mãi một đoạn thơ mẹ tự tình về người bạn tên Phơi: 

“Phơi là người bạn của hồn Quy
Một người bạn gái thật trung thành
Một người đồng chí trong lý tưởng
Phơi là nhịp sống của tim Quy”. 

Mẹ đặt thơ mộc mạc nhưng chân thành, đơn sơ mà đầy tha thiết. Thì ra, ẩn sau dáng hình lam lũ vẫn luôn còn đó một tâm hồn mơ mộng, muốn chắp cánh bay xa…

Đọc văn có thể hiểu được ý người. Ở phần giữa, những bài hát Đảng đã cho ta một mùa xuân, Cuộc đời vẫn đẹp sao, Cô gái mở đường, Theo lời Bác gọi, Người đi xây hồ Kẻ Gỗ… được mẹ viết bằng những nét chữ tỉ mỉ, bay bướm nhất.

Mẹ cũng như lớp lớp thế hệ thanh thiếu niên thời ấy, lý tưởng lớn nhất của cuộc đời chính là được góp sức mình vào sự nghiệp bảo vệ, xây dựng, kiến thiết quê hương nhưng đành gác lại. Lúc đó, cuộc đời mẹ bận rộn trong chuyện chợ búa, nương vườn. Các anh các chị đã sống thay em gái út một thanh xuân huy hoàng.

Cầm cuốn sổ chép tay của mẹ, tôi chợt bật cười. Tôi và những người bạn của tôi cũng từng có những chân trời xưa như thế, chỉ là bây giờ không nhiều người còn gìn giữ.

Cũng như mẹ, sau lời tự bạch thổ lộ về những thông tin cá nhân, “bảo bối” của tôi cũng được lấp đầy bởi những lời lẽ đầy nhiệt huyết, yêu thương. Là người mê văn chương, tôi dành hẳn hơn chục trang đầu để trích dẫn những câu danh ngôn nổi tiếng, những câu thơ, những câu ca dao tục ngữ hay.

leftcenterrightdel
 

Phần giữa, hiển nhiên là vài chục bài hát của những ca sĩ, nhạc sĩ yêu thích. Thời tôi, những bài hát của Mỹ Tâm, Đan Trường, Mỹ Linh… được yêu thích nhiều nhất. Cuối cùng, phần “Lưu bút ngày xanh” được tôi nắn nót trang trí và gửi gắm nhiều tâm tư thầm kín. Ở đây, kèm vào phần lời, tôi dán những bức hình chụp chung cùng những người bạn thân nhất. Tôi chia sẻ những suy tư, cảm nhận về trường lớp, gia đình, ước mơ, cuộc sống và những rung động đầu đời của lứa tuổi hoa niên…

Bây giờ, thỉnh thoảng tôi vẫn giở cuốn sổ ấy ra đọc lại, để thấy một thời mình từng “sống thật” đến thế nào. Tôi gọi đó là sống thật bởi công cụ để chúng tôi bộc bạch không công khai như tài khoản Facebook, Zalo bây giờ. Đó chỉ là một cuốn sổ chép tay sờn mép, giấy ngả vàng ngà.

Sẽ chẳng ai “sống ảo” khi họ được lui về một góc, nhìn thật sâu vào những khát khao, mơ mộng chốn riêng tư. Tôi chợt thấy thương mẹ nhiều hơn. Mẹ cũng từng có nhiều lý tưởng, sở thích, ước muốn đi đây đó, kết bạn với người nọ, làm những việc ý nghĩa với người kia nhưng đều gác lại vì một thứ mẹ nâng niu hơn tất cả: gia đình.

Ai đó từng nói: “Những điều đẹp nhất là những điều đã qua”, nó đẹp chỉ vì nó không còn tồn tại nữa. Tôi thì nghĩ khác. Có những điều đẹp không phải vì nó đã qua mà vì chính bản thân điều đó từng mang trong mình một vẻ đẹp thực sự, như những cuốn sổ chép tay của mẹ tôi. Đó không chỉ là những tờ giấy, những dòng chữ mà còn là tâm tư, lý tưởng của tuổi trẻ một thời.

Mẹ viết sổ đâu chỉ để lưu giữ điều đã qua mà còn vì mơ đến những chân trời… 

Theo phụ nữ TPHCM