Tôi còn nhớ rõ ngày đầu tiên vào lớp Một. Mẹ ủi áo, xếp gọn mọi thứ cần thiết vào ba-lô bé nhỏ của tôi. Mẹ dặn dò con phải kính thầy kính cô, làm quen bạn bè mới, khiêm nhường, không hiểu gì phải hỏi. Mẹ nói, không có gì phải sợ, lớp Một cũng có các cô như cô Như, cô Tâm ở nhà trẻ vậy. Nhờ có mẹ, ngày đầu tiên đi học trong ký ức của tôi nhẹ nhàng như… bước đi trên mây.

Hôm ấy ba mẹ tăng ca, tôi chơi một mình chán chê. Mặc mưa to, tôi cứ thế chạy lên công ty ba, vì muốn được ba đèo về. Mưa nặng hạt trắng xóa, những chiếc xe trên đường trông như những vệt mực di động lem nhem. Sau khi băng qua ba con đường lớn, cuối cùng tôi đã đến cổng công ty.

leftcenterrightdel
 Tác giả lúc còn nhỏ trong vòng tay của mẹ

Thấy đứa trẻ sáu tuổi một mình đứng lớ ngớ trước cổng, cả công ty ba được phen hoảng hồn. Ba và mẹ nghe tin mà tim trật nhịp. Trước giờ, tôi chưa bao giờ qua đường mà không có ba hoặc mẹ. Tôi ngồi co ro trong tấm chăn mà chú bảo vệ quấn, tay cầm ly nước nóng hì hà hì hụp thổi. Mẹ khẽ ôm tôi, vuốt vuốt gáy tôi và cười. Nụ cười ấm lòng yên dạ. Ba lên xe ngồi đằng trước, mẹ đằng sau, tôi ngồi giữa, hết mưa rồi về nhà thôi!

Mẹ tôi chỉ học hết bổ túc lớp 12, nhưng mẹ rất yêu văn thơ. Sau khi bị giảm biên chế ở công ty dược, hằng ngày mẹ đi xe đạp khoảng một tiếng đến làm việc nhà cho người ta. Trong ký ức của tôi, lúc nào mẹ về cả nhà đều cười rất vui vì mẹ luôn mang đồ ăn về. Mấy đứa con tấm tắc: “Đồ ăn người giàu ngon thiệt”. Rồi gia đình nhỏ của tôi rời khỏi căn nhà xưa ấy, chính thức cách chia với nội. 

Về Bình Tân, mẹ không thể đạp xe đi làm vì quá xa, đành kiếm kế mưu sinh khác. Mẹ nhận bao bì in sai về nhà, xé ra để in lại, 2kg giá 20.000 đồng, một ngày làm được 2kg. Rồi mẹ được giới thiệu đi làm việc nhà ở khu chợ Xã Tây. Mẹ chỉ nghĩ cho gia đình, còn mẹ chịu khổ cũng không sao. Tính cả thời gian di chuyển, một ngày mẹ làm hơn 12 tiếng. Sáng 5 giờ đi, tối 7 giờ về. Ấy vậy mà tôi luôn thấy mẹ cười…

Tôi lên lớp Hai, mẹ chuyển chỗ làm. Lần này mẹ làm về điện tử, thủ kho của một cửa hàng bán kim tự điển. Những trưa rảnh, mẹ hay lấy sách văn, Hán văn ra đọc.

Nhà tôi, cứ hễ mưa to là ngập, nước tràn từ ngoài vào, nước dâng từ bên trong. Nhà xây ở đất ruộng, mà ngày xưa kỹ thuật làm nền không tốt nên nhà ngày càng lún, gạch nứt, nước theo đó mà dâng. Phải đến mười năm sau, từ tiền dành dụm của mẹ, và một phần lương hưu của ba, căn nhà được nâng lên lần một. Nhà lại gặp mối, mưa lại dột, nhà lại nâng. Lần này, năm 2000, ba mẹ xây hẳn nhà mới. Suốt cả đời hầu như mẹ chẳng mua sắm gì cho riêng mình, tiền làm ra mẹ dành hết cho các con ăn học và sửa nhà, xây nhà.

Đến lúc kiệt sức, mẹ buông việc, ở nhà nội trợ. Đến lúc anh Hai lấy vợ, nhà cũng khá khang trang, vậy là mẹ yên tâm rồi. Mẹ hay nói: “Chứ nhà nghèo quá người ta chê, mà con gái về làm dâu cũng tội”. Mẹ luôn bảo, làm người thì thanh liêm, bớt nói lo làm. Mẹ luôn bảo phụ nữ sợ nhất là lấy nhầm chồng, cho nên làm gì cũng nên lo tính kỹ càng, đừng quá lật đật vồn vã. 

leftcenterrightdel
 Giờ đây, ba mẹ tôi đã già, đi đâu tôi cũng phải đi cùng

Nhớ hoài thời còn cái ăng-ten tre cột giữa trời, cả nhà tôi ăn tối xong, quây quần bên cái ti vi, lâu lâu ba chạy ra xoay xoay chỉnh chỉnh cho đúng hướng thì mới có sóng đài. Mấy mẹ con cùng xem phim, cải lương… rồi say mê bàn luận. Lúc có tiền, mẹ mua được mấy cái võng, nước ngập thì mang võng lên gác, người thay phiên nằm, xem phim, đọc truyện. 

Giờ đây, ngôi nhà đã tươm tất, đủ đầy hơn, nhưng cả ba mẹ đều già yếu. Ba tôi cũng không còn chạy xe được nữa, đi đâu tôi chở ba đi. Dù bị đau khớp, nhưng mẹ vẫn là bà chủ của gian bếp. 

Mỗi sáng thức dậy, thấy trên bàn chén cơm nóng, tô canh bốc khói, tôi cảm thấy đầy phấn chấn như được mẹ truyền cho năng lượng sống. Nhà tôi chỉ cần có vậy, cha mẹ con cái chỉ mong được thấy mặt nhau, trò chuyện với nhau. Mỗi ngày đi làm về nhà, tôi ôm mẹ rồi sà vào mâm cơm, chặc lưỡi khen lấy khen để mắm ruốc ngon, canh rau dền ngọt, thịt kho tàu đậm đà. Hạnh phúc quá còn gì! 

    Theo phunuonline.com.vn