Họp mặt gia đình online

Dù mỗi gia đình nhỏ trong đại gia đình chúng tôi đang ở mỗi nước khác nhau, chúng tôi vẫn cố gắng duy trì những thói quen tốt. Cứ mỗi tối Chủ nhật, chúng tôi lại họp mặt online đông đủ trong nhiều giờ để cùng nhau chia sẻ những vui buồn trong cuộc sống và công việc.

leftcenterrightdel
 Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock
Chúng tôi cũng thu xếp để đại gia đình họp mặt đông đủ mỗi năm ít nhất 1 lần. Trong thời gian đó, cả nhà đi du lịch, cùng chuẩn bị bữa ăn gia đình và tổ chức những sinh hoạt vui vẻ cùng nhau. Đó là dịp để tất cả cùng tạo ra những kỷ niệm đẹp cho nhau. Chúng tôi cũng không quên ghi lại những khoảnh khắc vui vẻ hạnh phúc ấy để gìn giữ.

Công việc bận rộn, cuộc sống luôn có nhiều áp lực, nhưng cả nhà tôi vẫn giữ thói quen thường xuyên quan tâm và trao cho nhau những lời chúc thân thương, những món quà ý nghĩa vào dịp sinh nhật, ngày kỷ niệm, ngày tết… để củng cố và bồi đắp tình cảm gia đình.

Mỗi khi có thể, chúng tôi lại ăn cơm cùng nhau. Bữa cơm gia đình là khoảnh khắc quý giá để hình thành và củng cố nếp nhà. Việc cùng nhau nấu nướng, bày biện, thưởng thức, chăm sóc và gắp cho nhau từng miếng ăn, sau đó lại cùng nhau dọn dẹp khiến các thành viên xích lại gần nhau hơn, biến bữa ăn thành nơi để trao gửi yêu thương.

Gia đình các con tôi đều ở xa, nhưng thỉnh thoảng tôi nhận được tin nhắn, hình ảnh của con dâu, con gái khoe hôm nay con nấu món ăn Việt Nam. Tôi nhớ mãi có lần con dâu gửi cho tôi hình tô hủ tíu mì và nhắn: "Chồng con mấy hôm nay cảm, vừa hết bệnh là thèm ăn món hủ tíu Mỹ Tho nên con nấu nè mẹ, mà nhắc đến Mỹ Tho là con nhớ đến mẹ".

Gìn giữ nét đẹp truyền thống

Không chỉ ngày giỗ, ngày tết, chúng tôi còn tạo thói quen thắp hương bàn thờ mỗi sáng, mỗi chiều, mỗi dịp đi xa, mỗi khi trong nhà có việc quan trọng như một hình thức "báo cáo" và thầm cầu mong ông bà tổ tiên phù hộ.

leftcenterrightdel
 Tác giả (bìa phải) và các con, cháu bên mâm cơm gia đình - Ảnh do nhân vật cung cấp

Ngoài ra, những giá trị truyền thống Việt trong ngày tết như: cùng nhau chuẩn bị mâm cỗ, cúng ông bà, chúc tết, lì xì được từng thành viên chăm chút và duy trì, dù các con không ở trên quê hương Việt Nam. Tết năm rồi, con gái tôi ở London còn gói cả bánh tét, bánh chưng.

Năm rồi, tôi dắt cháu nội đi mua quà sinh nhật là đôi bông tai - món trang sức cháu rất thích. Khi đến cửa hàng, cháu có vẻ do dự, hỏi: "Bây giờ nội nghỉ hưu rồi, tiền đâu mà mua quà cho con?". Một câu hỏi ngây thơ nhưng vô cùng đáng yêu, thể hiện sự quan tâm của cháu dành cho bà.

Trên tất cả, chúng tôi thường xuyên dạy trẻ nhỏ tôn quý và hiểu ý nghĩa của nếp nhà, cho trẻ tham gia hòa cùng sinh hoạt gia đình sớm nhất có thể, định hướng để trẻ ý thức trách nhiệm về bổn phận đối với gia đình. Các con được ba mẹ rèn dạy về sự quan tâm và lòng thương yêu đối với từng người thân trong gia đình. Tôi nghĩ đó là cách bảo tồn và gìn giữ nếp nhà qua nhiều thế hệ.

Ngoài những thói quen hằng ngày, nếp nhà còn được duy trì qua những hoạt động lớn như việc tổ chức các lễ hội gia đình, những chuyến về quê tảo mộ, đám giỗ, chúc tết ông bà… để trẻ em hiểu hơn về cội nguồn. Những câu chuyện kể từ người lớn trong gia đình về tổ tiên, về những kỷ niệm xưa cũ cũng là cách gắn kết quá khứ với hiện tại, giúp các thế hệ sau hiểu và trân trọng hơn những gì mình đang có.

Tôi cũng chú trọng việc giữ gìn tiếng mẹ đẻ. Mỗi lần sang thăm cháu ở nước ngoài, quà tôi mang qua nhiều cuốn truyện cổ tích Việt Nam. Tôi vẫn luôn tin rằng, những cuốn sách văn học, những bài thơ, câu ca dao, tục ngữ sẽ nuôi dưỡng tâm hồn, giúp trẻ cảm nhận sâu sắc hơn về tình yêu gia đình, quê hương, đất nước.

Nếp nhà chỉ có thể giữ gìn trọn vẹn khi được nuôi dưỡng trong tình yêu thương và chở đầy yêu thương. Chỉ khi từng thành viên trong gia đình hiểu và trân trọng những giá trị này, nếp nhà mới thực sự trở thành một phần không thể thiếu, là nguồn gốc của hạnh phúc và sự bền vững cho mỗi gia đình, mỗi dòng họ và cho cả xã hội.

Theo phụ nữ TPHCM