Nhiều người già đến đăng ký làm di chúc tại Trung tâm đăng ký di chúc số 1 Hàng Châu. Ảnh: Qianjiang Evening News.

"Khi con trai và con dâu còn ở với nhau thì tôi coi đó là người nhà. Nhưng ngộ nhỡ chúng ly hôn thì con dâu chỉ là người ngoài. Tôi không muốn tài sản của mình lại phải phân chia cho người ngoài", cụ bà Lý Hoa (92 tuổi), người Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang cho biết.

Bà Lý Hoa là một trong 20 người đầu tiên được nhận Giấy chứng nhận di chúc do Trung tâm đăng ký di chúc số 1 Hàng Châu cấp vào ngày 23/6/2019.

Với hình dáng và kích thước giống như cuốn hộ chiếu, trang đầu tiên ghi tên Giấy chứng nhận di chúc, trang thứ 2 là ảnh và thông tin cá nhân của bà Lý Hoa, kèm theo con dấu của trung tâm. Một số trang trống còn lại để ghi thêm thông tin nếu người lập di chúc muốn thay đổi.

"Nếu có giấy này, sau khi người lập di chúc mất đi, người thừa kế chỉ cần mang giấy đến Trung tâm đăng ký di chúc số 1 Hàng Châu, chúng tôi sẽ trích xuất nội dung di chúc", Giám đốc của Trung tâm này cho hay.

Giấy chứng nhận này sử dụng nhiều công nghệ chống giả tiên tiến như hình mờ kỹ thuật số, mã vạch máy tính và in màu. Ngoài ra, người ta còn phát hành một loại tem đặc biệt để dán lên các trang trong giấy chứng nhận di chúc. 

Đi cùng bà Lý đến nhận giấy chứng nhận có hai con trai. Con trai lớn của bà đã qua đời, để lại một cô cháu gái. "Nó là một đứa cháu bất hiếu. Tết nó không thèm về thăm tôi, đến điện thoại cũng không gọi. Vừa hay tôi xem được thông tin về trung tâm lập di chúc này nên đi đăng ký", bà Lý chia sẻ.

Hiện bà Lý chỉ có một căn nhà, bà muốn chia thành hai phần cho mỗi người con trai, còn cháu gái thì không có tên trong di chúc. Nhưng khi đặt bút ký, bà lại do dự, quay lại nói với con: "Nhỡ sau này nó hồi tâm chuyển ý, quay lại với gia đình thì sao, mẹ làm thế có nhẫn tâm quá không". Cả hai người con an ủi bà: "Mẹ yên tâm, đến lúc đó chúng con sẽ tự chia phần cho cháu. Chúng con đều là những người có lương tâm mà".

Tôn Thần cũng đến lấy giấy chứng nhận di chúc với mẹ cùng ngày với bà Lý Hoa. Người đàn ông này cho biết, anh là con trai duy nhất trong gia đình. Trong di chúc, mẹ để hết lại tài sản cho anh, vợ anh không có tên.

Mẹ của Tôn Thần cũng giống như nhiều người già khác tại Trung Quốc khi cho rằng, với tỷ lệ ly hôn ngày càng cao như hiện nay, an toàn nhất là lập di chúc để lại tài sản cho con ruột.

Theo thống kê của Trung tâm đăng ký số 1 của Kho di chúc Trung Quốc, 11,79% người dân đã lập di chúc để ngăn chặn việc mất tài sản nếu con cái ly hôn. Có tới 99,92% số người lập di chúc chọn điều khoản có tên "Ngăn chặn con dâu con rể", nghĩa là tài sản được thừa kế không thuộc tài sản chung của vợ chồng con cái.

Với chính sách một con được áp dụng từ thập niên 70 của thế kỷ trước, nhiều người cho rằng những gia đình chỉ sinh một con không cần phải lập di chúc bởi tài sản trước sau gì cũng thuộc về đứa con đó. Tuy nhiên thực tế lại khác.

Tiểu Lệ là con gái duy nhất của một gia đình trung lưu, có bố mẹ là công chức nhà nước. Khi bố mẹ cô đột ngột mất sau một tai nạn, không để lại di chúc. Đáng lẽ cô là người thừa kế duy nhất. Không ngờ bà ngoại Tiểu Lệ còn sống, vì thế một phần tài sản được chia cho bà ngoại. Không lâu sau bà ngoại cũng mất, phần tài sản của bà lại được chia cho các con là cậu, dì của Tiểu Lệ. Từ việc đáng lẽ được nhận hết phần tài sản của cha mẹ, thì nay Tiểu Lệ chỉ được nhận hơn phân nửa, số còn lại là dành cho anh chị em bên mẹ của cô.

Từ thực tế này, số lượng lập di chúc cho những gia đình có một con ở Trung Quốc đang tăng rất cao. Theo số liệu thống kê Trung tâm đăng ký số 1 của Kho di chúc Trung Quốc, trong 127.968 bản di chúc đã được lập tại trung tâm này vào năm 2018, có tới 47,6% đến từ những gia đình có con độc nhất.

                                                                                                                                                                                                                                                                                               Theo vnexpress