Sống ở Anh đã lâu, nay tôi mới biết người ta bán đậu ván trong tiệm tạp hóa Ấn Độ. Tôi mua ngay một gói nấu chè để thắp hương ông bà.
Về nhà, tôi ngâm đậu vào nước trước một đêm, đơn giản như tôi thường làm mỗi khi nấu đậu xanh hay các loại đậu khác để dễ đãi vỏ. Sáng hôm sau, đậu nở mềm ra, nhưng lớp vỏ vẫn còn bao bọc các hạt đậu một cách bền bỉ. Tôi lên mạng, thấy hướng dẫn chỉ cần vò sơ thì lớp vỏ sẽ bong, nhưng tôi vo vài lần chẳng có lấy một cái vỏ nào rơi ra. Sợ nát đậu, tôi đành ngồi ngoài sân kiên nhẫn bóc vỏ từng hột. Khi lột từng vỏ đậu, ký ức bắt đầu ùa về và tôi nhớ lại cảnh chị em tôi ngồi bóc vỏ đậu ván.
Nhà tôi gốc miền Trung, nên đậu ngự, đậu ván lúc nào cũng có người gửi vào Sài Gòn tặng. Buổi sáng, má tôi ngâm một thau đậu, dặn chị em tôi lột vỏ để chiều về má nấu chè. Ba tôi rất thích chè đậu ván, đậu ngự.
Đậu ngự lột dễ và nhanh vì hạt đậu to. Đậu ván thì lâu hơn nhiều vì hạt nhỏ nên cần tính tỉ mỉ. Ngủ trưa dậy, tôi thấy hai chị đang ngồi lột đậu bên sau hè, là cái hẻm nhỏ bên hông nhà. Ba tôi trồng chuối, mãng cầu, mít vừa có trái ăn vừa có bóng mát. Má tôi trồng thêm rau thơm trong chậu và một ít loại hoa. Tôi bắc cái ghế đòn nhỏ để phụ hai chị lột đậu ván.
Chị Hai chỉ cho hai đứa em lột từ từ để đừng bị gãy cái mầm nho nhỏ trên hạt đậu. Vì nhà đông con nên má tôi nấu nhiều mới đủ, mấy chị em ngồi làm chung nên không thấy nản. Cũng vào những buổi xế ngồi lột đậu như thế mà mấy chị em có những mẩu chuyện vui vui. Ví như khi tôi huyên thuyên: “Hôm bữa kia kìa, bà nội cho em ăn cái kia kìa” làm hai chị cười ngất ngư và nó trở thành câu nói bất hủ mỗi khi mấy chị muốn trêu tôi ngố và tồ.
Lột đậu chỉ là một trong những “hoạt động thể chất” chị em tôi cùng làm với nhau. Có những ngày cận tết, đi học về thấy một thau củ kiệu to tướng. Thật lòng cũng có đôi chút ngán ngẩm vì kiệu lúc đó còn lá, còn rễ đầy đất cát, nghĩ đến đoạn trường biến chúng thành những củ kiệu thon dài trắng nõn, tôi nghĩ chắc còn lâu. Thế mà thoáng chốc, ba đứa con gái ngồi vào cùng má cắt rễ, rửa sạch ngâm tro, phơi nắng, xếp vào hũ. Má cho nước mắm ngon đã nấu vào là xong. Mấy chị em xuýt xoa nhìn hũ dưa món đợi ngày tết đến để cúng ông bà.
Cắt củ kiệu còn dễ, gọt vỏ me để làm me ngâm đường mới nhiêu khê. Cũng cái thau nhôm to đó, má ngâm đầy me non. Khi vỏ đã mềm, bốn má con ngồi gọt quanh cái thau lột vỏ. Tôi thuộc đứa ít khéo tay, chuyên gọt phạm, nên má đành biệt phái đi lau hũ. Chỉ có mấy trái mà da tay nhăn nheo, còn chân thì mỏi.
Tôi lại miên man nhớ đến những lần cả nhà ngồi làm bánh xu xê. Hôm đó là đám cưới nhà người bà con. Má tôi khéo tay nên người ta nhờ làm bánh để mang làm lễ. Bánh làm lễ nên má tôi gói rất đẹp. Má khuấy một nồi bột lớn, xắt dừa non thành từng sợi nhuyễn trộn vào. Nồi đậu xanh trộn đường làm nhân má phân công cho hai đứa út là tôi và em trai ngồi vo viên tròn.
Hai chị phụ má gói lá và cho bột và nhân vào vỏ bánh. Bánh xếp lớp đều tăm tắp, vô cùng đẹp mắt. Má cho tụi tôi ăn thử mấy cái hấp lên làm mẫu, ngon ơi là ngon. Chỉ trong một buổi chiều mà mấy má con làm được cả trăm cái bánh vuông vức. Người bà con cứ nhắc mãi vì hồi xưa quý nhau, làm biếu nhau chứ má không tính công cán gì.
Rồi còn vô số những lần má làm bánh tai vạc, đúc bánh xèo, làm chả cá. Lần nào cả đám con cũng xúm vào vừa làm vừa ăn. Cả bầy con không ai nói ai, cứ thấy cả nhà có việc là cùng xắn tay áo cùng làm. Tôi cũng có thói quen này nên đến đâu, hễ thấy có việc là tôi tình nguyện giúp mọi người.
Từ khi lấy chồng xa xứ, nhà neo người nên tôi ít khi bày nấu những món đòi hỏi sự tỉ mẩn. Như cái nồi chè đậu ván này, sau khi lột vỏ đến hạt đậu cuối cùng, chắc còn lâu lắm tôi mới nấu lại!
Theo phụ nữ TPHCM