Má chồng tôi rất yêu âm nhạc. Má biết nhiều bài thuộc dòng nhạc tiền chiến nhưng yêu thích nhất bài Nụ cười sơn cước của nhạc sĩ Tô Hải và Sơn nữ ca của nhạc sĩ Trần Hoàn.
Vào những lúc cao hứng, má hay lẩm nhẩm hát đi hát lại một mình: “Tôi nhớ mãi một chiều xuân chia phôi. Mây mờ buông xuống núi đồi…”. Giọng má cũng véo von lắm, có điều phát âm và nhịp nhàng có phần không ổn. Hồi đó, chúng tôi còn sống chung với má và các em, nhà cửa chật chội nhưng luôn bay bổng trong tiếng hát và tiếng guitar.
|
|
Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK |
Mùa nóng, mấy anh em và những người bạn hay xúm xít phía trước nhà dưới tàn cây trứng cá. Đêm, có hơi men dẫn đưa, dường như tiếng đàn và giọng hát thăng hoa hơn.
Thường, chúng tôi hay ngồi lại bên nhau rất lâu, có khuya khoắt tới đâu má cũng thức cùng. Từ chỗ nằm của mình, má chăm chú lắng nghe và nhỏ giọng, hát với theo. Mùa đông, tất cả lại tụ tập ở chỗ ngủ của vợ chồng tôi. Căn phòng nhỏ xíu nên chật ních với người ngồi trên nền, kẻ lên giường xếp chân. Co mình bó gối, khó chịu như vậy mà ai cũng say mê đàn hát, bất kể thời gian.
Mấy hồi đó, má ngồi bên ngoài lặng lẽ thưởng thức và cùng cất giọng nếu gặp bài mình yêu thích: “… Sơn nữ ơi. Đời ta như cánh chim chiều phiêu bạt thời gian vun vút trời mây…”. Dường như những khúc hát đã đưa má trở về với ngày xưa.
Má kể, hồi đó ba chồng tôi tới vùng quê của má làm việc. Ba biết chơi guitar, mandolin và không ngờ những bản tình ca ba thường hát đã khiến trái tim má rung động, thổn thức. Những khúc hát như thể trao gửi tình yêu của ba đã được má đón nhận. Và rồi, cũng từ đó và nhờ đó, ba má nên vợ thành chồng.
Những bản tình ca cả hai yêu thích vẫn đi cùng ba má trong suốt cuộc sống chung, bởi luôn được ngân nga mỗi ngày. Những khúc hát làm chứng nhân cho tình yêu đôi lứa, khiến tình nghĩa vợ chồng thêm nồng thắm và thi vị.
|
|
Ảnh mang tính minh họa - Lifestylememory |
Duyên phận của ba má không ngờ quá ngắn ngủi. Lấy nhau chưa được hai năm, chồng tôi mới vừa đầy tháng thì ba bệnh nặng và qua đời. Rồi quê nhà chiến tranh bom đạn. Mấy má con đưa nhau vào thành phố sống tạm bợ, lắt lay. Chồng tôi lớn lên và chứng kiến thêm bao gãy đổ trong tình duyên của má.
Người đến, kẻ đi. Càng nhiều người bám níu theo đuổi, má càng cô đơn trống trải và tủi buồn thêm cho thân phận cùng những bấp bênh trong cuộc sống gia đình. Một mái nhà, một tổ ấm thiếu vắng triền miên người đàn ông làm trụ cột.
Chồng tôi luôn khao khát má gặp được một người có thể sống với má tới già, tới chết. Chứ má cứ lận đận vầy sao mình có thể yên lòng? Má cứ muộn phiền hoài sao mình thôi day dứt? Nhưng anh chỉ biết lặng lẽ buồn thương và sẻ chia cùng má trong tiếng đàn nhiều nỗi niềm.
Tiếng đàn của con trai lửng lơ một nỗi ngậm ngùi và giọng hát của má thẫn thờ bao tiếc nuối. Má vẫn chôn chặt tận đáy lòng những kỷ niệm của dĩ vãng, dẫu ba đã mang về thế giới bên kia tình yêu của má và những khúc hát.
Qua tuổi 70, má hết còn sáng suốt, minh mẫn. Chuyện cần nhớ thì má quên. Chuyện nên quên má lại nhớ. Má bỏ đi rất nhiều ý thích hồi trước. Má cũng chẳng còn thức theo chúng tôi mỗi khi nhà có dịp đàn hát sum vầy. Có khi cái thích của má tự nhiên bùng dậy làm chúng tôi bất ngờ. Tỉ như một lần nghe trên ti vi, ca sĩ hát Đêm đông của Nguyễn Văn Thương, má hát theo rất to.
Rồi một lần khác nghe bài Biển nhớ của Trịnh Công Sơn, má nhịp chân và vỗ tay, hăm hở và háo hức cất tiếng nhưng má hát trớt quớt kiểu người già và theo thói quen chứ không phải hát theo cảm xúc như hồi trước. Má hát với cái buồn, nỗi nhớ cùng những vấn vương.Vợ chồng tôi nghĩ chắc má đã quên được ba, quên cả một ký ức nhiều thơ mộng đắm say.
Cái gì đã mất mà không đẹp? Cái gì đã qua mà không hay? Như tình yêu của ba má, như những khúc hát… khoảng này cứ bật thức, thao thiết mãi trong tôi. Phải chăng vì sắp đến ngày giỗ má?
Theo phunuonline.com.vn