Có câu trạng thái trên Facebook của anh chàng 25 tuổi, kèm hình chụp một tờ giấy ghi những dòng chữ của ba khiến ai đọc cũng bật cười: “Bánh bao mẹ chiên rồi. Bánh hấp ở trong nồi. Ăn với thịt kho, nước thịt, rau thơm, rau sống. Ăn rồi cất dọn con nhé. Nếu không đọc được chữ, gọi mẹ dậy” và lời “minh họa” của chàng ta: “Vâng, ba mình rất là… ba mình. Không bao giờ nói thẳng nhưng luôn biết cách làm cho người khác thấy tội lỗi”. 

Ngoài bình luận: “Với thanh niên 25 tuổi như vậy, đúng là tội lỗi thật” và chủ nhân trả lời: “Tui chỉ về trễ thôi, có phải không biết nấu ăn đâu”. Những bình luận khác đều khen ông ba: Ôi ba anh vui tính quá, có ông ba tuyệt vời vậy còn gì… Đến lúc “quá tải” vì các bình luận khen ba mình, anh chàng mới “lật bài”: “Mọi người hiểu sai vấn đề rồi.

Đêm qua, 1 giờ sáng mình về tới nhà và ý ba mình là “mày về trễ vậy có nghĩ tới mẹ không”, chứ không phải dễ thương gì đâu”.

leftcenterrightdel
 Ảnh mang tính minh họa - Tirachardz

Tuy vậy, một người vẫn khẳng định: “Vì ba anh nghĩ cho mẹ như vậy nên ba vẫn dễ thương” và mọi người đều đồng ý, đó là một ông ba rất vui tính và dễ thương.

Bây giờ có thể thấy nhiều người cha như vậy lắm, lo cho con đến khi con lấy vợ chưa chắc đã hết lo. Một anh chàng 26 tuổi, tốt nghiệp đại học ngành toán - tin mấy năm rồi nhưng chưa kiếm được việc làm. Cha anh vừa về hưu, rảnh rang, ông sốt ruột có cháu nội, thế nhưng anh chàng này không chỉ tỉnh bơ chuyện bồ bịch mà thỉnh thoảng lại trách cha: “Tại hồi đó ba kêu con thi ngành này nên bây giờ không xin được việc làm”. Người cha trả lời: “Không đi làm thì học tiếp. Ba cần cái bằng… tiến sĩ, nếu con chưa định lấy vợ”.

Người cha này tuy đã nghỉ hưu nhưng vợ ông còn làm việc, lương cao. Vả lại, thời đi làm, ông đã chuẩn bị tài khoản khá rộng rãi để nghỉ hưu không phải lo về tài chính. Thêm nữa, với căn nhà 4 tầng đang ở, nếu cần, ông cho thuê 1 tầng là dư dả chi phí cho gia đình hằng tháng (bây giờ chưa cần).

Thẻ ATM của con trai không khi nào dưới 30 triệu đồng, thấy vơi là ba hoặc mẹ tự động… châm cho đủ. Ông quan niệm, không cho con cái tiền hay cho ít tiền là có… lỗi với con. (Ông thật quá sức… dễ thương). Rảnh rỗi, ông còn kiêm luôn việc nấu ăn, dọn dẹp cho cả nhà.

Quay ngược thời gian, ông quen chăm con cái như vậy từ hồi chúng còn bé tí, cho vợ ông đi tu nghiệp nước ngoài. Một tay ông tề gia nội trợ. Đến khi về hưu, ông chỉ ước ao có một đứa cháu nội là cuộc đời ông… trọn vẹn. Thêm nữa, con gái ông năm nay 23 tuổi, đang làm luận văn tốt nghiệp nhưng ông vẫn đưa đón mỗi ngày, đến trường, họp nhóm làm đề án hay đi ăn đám cưới... Không phải ông muốn bao cấp như vậy, nhưng có lần, vào năm thứ ba đại học, con gái ông bị tai nạn giao thông trên đường đi học về, từ đó ông đảm nhiệm luôn việc… xe ôm.

Mỗi cây mỗi hoa, mỗi người một quan niệm. Người cha thứ nhất quan tâm theo kiểu tiểu tiết, đôi lúc có hơi giận dỗi con cái thì người cha thứ hai quan tâm con theo kiểu muốn cho con sướng. Ông quan niệm, của cải chẳng mang theo được khi chết thì tại sao không tận hưởng cái hạnh phúc là được thấy con hạnh phúc. Miễn chúng biết cách xài tiền, không xài tiêu  kiểu "phá gia chi tử" thôi chứ. Không làm việc thì học tiếp còn hơn làm một công việc mình không yêu thích. Giàu, nghèo có số.

Bây giờ ông có tiền thoải mái, ông keo kiệt với con làm gì. Chính mắt ông thấy con cái có tiền, chi dùng cá nhân không vui sướng hơn là khi ông mất đi, làm sao ông thấy được hạnh phúc này?

Ông nói, nhiều người quan niệm để của cải lại cho con nhưng theo ông chẳng cần thiết. Cứ cho con cái tiền khi mình còn sống, chúng hạnh phúc mình cũng hạnh phúc. Quả đúng là người cha dễ thương! 

Theo phụ nữ TPHCM