|
|
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock |
“Cưng ơi, chị gửi cá dứa một nắng về đó, mai em ra xe lấy nha”. “Ok, chị cưng. Cảm ơn cưng nha”.
Nghe chị gái tôi và bà sui của chị nói chuyện điện thoại mà tôi ôm bụng cười. Ai đời gọi sui gia bằng cưng này, cưng nọ. Tôi cà khịa chị: “Ba còn sống là chị bị la chết luôn nha. Phải gọi bằng anh sui, chị sui đàng hoàng chớ”. Bà chị tỉnh bơ: “Kệ đi, bà sui người miền Tây nên quen gọi cưng, thoải mái vậy cũng vui”.
Thế hệ ba tôi, những người sinh thời 1940, rất kỹ lưỡng trong việc xưng hô nên nghe vậy chắc chắn sẽ phàn nàn. Tôi cũng quen thói xưng hô bỗ bã, mấy đứa cháu ở nhà toàn kêu tôi bằng tên trống không, chẳng “cô, dì” gì ráo trọi nên bị ba la hoài. Đặc biệt với sui gia, ba càng kỹ hơn nữa, gọi “anh/chị” xưng “tôi” và mỗi khi họ tới nhà đều phải tiếp trang trọng ở phòng khách, để giữ một khoảng cách cần có.
Trở lại chuyện sui gia của bà chị. Mọi quy tắc đều được họ cho qua. Hôm làm đám cưới cho con, ngồi bàn họ, 2 bên cười nói rổn rảng, chẳng thưa hỏi, gửi gắm con cái 2 bên cho đúng với thủ tục xưa nay. Bà má chồng cháu tôi cười hê hê nói với chị gái tôi: “Thôi, gửi gắm gì cưng ơi, con bé con cưng giờ là trùm nhà này rồi”.
Hồi đó, tôi thích nền nếp như thế hệ của ba và sau này thấy kiểu vui vẻ, không câu nệ lễ nghi như sui gia nhà chị mình cũng vui. Đằng nào cũng có cái hay riêng.
Nhờ tình thân sui gia nên mỗi khi cháu gái và cháu rể tôi có chuyện lục đục là lập tức anh chị sui 2 bên rủ nhau tìm cách giải quyết nên hầu như mọi chuyện đều êm đẹp.
Cuộc sống thay đổi, phong cách giao tiếp có thể thay đổi nên lễ nghi chẳng phải chuyện căn cơ mà tình sui gia mới là thứ cần thiết để phần nào giúp con cái có cuộc hôn nhân vững vàng hơn. Chén tô trong sóng còn khua, vợ chồng sống với nhau kiểu gì cũng có lúc trắc trở. Trong những tình huống cự cãi, nếu sui gia thuận thảo thì sẽ vun vào, ngược lại sẽ có tâm lý kéo các con ra xa hơn; đôi khi vì chuyện rất nhỏ mà sui gia cũng làm căng chỉ cho “đã cái nư” của mình, rất dễ khiến 2 bên “rã đám”.
Hồi xưa, ba tôi và 2 ông bạn chơi với nhau từ mấy chục năm trước, không hẹn mà tình cờ con cái của họ thành chồng, thành vợ. Thế là họ thành sui gia. 3 ông già khoan khoái, từ bạn nhậu, bạn đánh cờ trở thành cha chung của mấy đứa con nên đã thân càng thân.
Nhờ tình thân này, 3 người cha luôn “chừa một cánh cửa để các con về” - họ lý giải về cách mình luôn dang tay đón các con dù chúng thế nào. Con cái nhiều phen cự cãi, có trận “long trời lở đất” chứ chẳng phải đùa nhưng họ chẳng bao giờ lý sự kiểu “con anh, con tui” để giành phần thắng mà luôn tìm cách nói phải quấy để gỡ rối, vun vén cho các con. Rồi từng ông rời cõi tạm, người đầu tiên bỏ đi được 2 người còn lại phụ lo tang lễ chu đáo, người thứ hai ra đi, người còn lại vẫn làm y như thế. Giờ này có lẽ 3 ông bạn đã gặp nhau ở nơi nào đó, hẳn họ vui vì con cái đang sống đầm ấm. Hạnh phúc ấy có công lớn của họ.
Hồi này, chị gái tôi và nhà bà sui chẳng gọi nhau cung kính như những “ông già xưa” nhưng vẫn đang cư xử đúng như cách của người đi trước. Từ sui gia, họ trở thành những người bạn. Mỗi khi các con “có biến”, ông sui, bà sui liền ra sức tìm cách hóa giải.
Nhìn vào dễ thấy họ không dành cho nhau sự trang trọng nhưng tình cảm thì có thừa; chẳng hạn, khi sui gia đến nhà, bà má chồng cháu tôi vẫn mặc nguyên bộ đồ bộ nói chuyện với khách, chị gái tôi đi thẳng vào bếp phụ bà sui một tay, sau đó cả nhà có một bữa ăn vui vẻ.
Nhớ có lần, 2 đứa con đang cãi nhau vì một chuyện đối với chúng là khá nghiêm trọng, chị gái tôi lên tiếng: “2 đứa bình tĩnh giải quyết coi, chuyện đâu còn có đó. Đừng có để má bị bà sui nghỉ chơi nha”. Bọn nhỏ nghe mắc cười quá bèn ngưng cãi mà cảm thán: “Thiệt tình!”.
Dĩ nhiên, duyên nợ vợ chồng không ai giống ai, không phải tình sui gia có tính quyết định, nhưng ít nhất tôi nghĩ, nếu sui gia thân tình, không mâu thuẫn, sẽ giúp được con cái nhiều hơn. Xây dựng tình cảm sui gia cũng là cách giúp con xây dựng cuộc hôn nhân vui vẻ.
Theo phụ nữ TPHCM