Tết càng gần, càng mong con cháu
Mấy ngày qua, bà Chu Thị Hồng Thúy (84 tuổi, ở Đồng Nai) cứ ra ra vào vào khi thì lau dọn chiếc tivi, máy cassette đã cũ, lúc thì cùng con cháu dọn cỏ, sắp xếp lại cây kiểng quanh nhà để chuẩn bị đón tết.
Theo cháu gái của bà, gần đây bà đã hơi lẫn, nhưng mỗi dịp lễ, tết, bà vẫn muốn tự tay chăm chút lại nhà cửa đón con cháu.
|
Bà Chu Thị Hồng Thúy cùng cháu chắt chụp ảnh lưu niệm trong một dịp họp mặt gia đình |
Thi thoảng bà nhớ ra phải đi dặn mớ cá, mớ thịt để dành kho ăn tết, ít bánh mứt, trái cây sấy khô cho đàn cháu. Xong xuôi mọi việc, bà mang cái ghế nhỏ ra ngoài sân ngồi, mỗi lần nghe tiếng xe máy chạy ngang, lại thấp thỏm chờ con cháu trở về.
Từ dịp tết Dương lịch đến nay, đều đặn mỗi ngày bà Trần Thị Hoàng (70 tuổi, ở Đồng Tháp) lại lọ mọ dọn dẹp, lau bàn ghế… Bà đã muối dưa và liên tục nhắc con cái chuẩn bị đậu, thịt để gói bánh tét. Cả nhà sợ bà mệt, nhắc bà ăn uống, nghỉ ngơi, liền bị bà la. Bà cứ cặm cụi làm hết mứt bí đến mứt dừa, mứt gừng… Làm xong một món, bà lại nhắc tên những đứa cháu rồi xót xa: “Tết đến nơi rồi mà còn ham làm chưa chịu về nhà”.
Thay vì gửi tiền, hãy về nhà
Theo thạc sĩ tâm lý Phan Thị Hoài Yến, khoa Tâm thể Bệnh viện TP Thủ Đức, hầu hết người lớn tuổi trong gia đình thường đều có tâm lý muốn quán xuyến mọi việc, từ trách nhiệm dọn dẹp, trang trí nhà cửa, chuẩn bị đồ ăn, hay các nghi lễ dịp tết cổ truyền, để mình không trở thành... người thừa với con cháu.
Ông bà cặm cụi làm việc nhà cũng vì muốn "lờ" đi tâm lý chờ đợi người thân trở về sum vầy. Vì vậy, nếu nhà hàng xóm có người về nhà sớm, dễ nhận thấy người lớn trong gia đình trở nên buồn bã, giận dỗi, thậm chí cáu gắt.
|
Bà Thúy cùng con dọn dẹp nhà cửa, trồng lại cây cảnh quanh nhà chuẩn bị đón tết |
“Mặc dù hiện nay chúng ta có thể nhắn tin, gọi video gặp ông bà mỗi ngày, nhưng những giây phút bên nhau ngày tết vẫn rất ý nghĩa, vì người lớn luôn muốn mình là điểm tựa vững chắc cho con cháu. Thế nên, chia sẻ khó khăn, niềm vui của mình với cha mẹ cũng là điều con cái nên làm đầu năm để cha mẹ biết rằng với con cái, cha mẹ vẫn rất quan trọng” - thạc sĩ tâm lý Phan Thị Hoài Yến nói.
Vì vậy, trên thực tế, có khi ông bà, cha mẹ không phải bệnh về thực thể mà quá mong ngóng con cháu nên bị rối loạn lo âu, mong mỏi con cháu về vui tết, chờ đợi bữa cơm sum vầy và chia sẻ về hành trình trong năm qua.
Ngược lại, khi trưởng thành, chúng ta cũng muốn làm điểm tựa cho cha mẹ. Tuy nhiên, thời gian qua, dịch COVID-19 ít nhiều làm ảnh hưởng đến cuộc sống, kinh tế của nhiều người. Mất việc trước tết, không dư dả sau một năm cật lực làm việc, sợ mình trở thành gánh nặng cho gia đình, làm cha mẹ mất mặt với người quen, hàng xóm.... cũng là lý do khiến con cháu ngại ngần khi về nhà.
Thạc sĩ tâm lý Phan Thị Hoài Yến chia sẻ: “Thay vì với lý do bận việc, chúng ta có thể tâm sự với cha mẹ, bởi điều cốt yếu ông bà, cha mẹ thường thấy cô đơn, tủi thân, nghĩ con cháu ham kiếm tiền ngày tết mà bỏ rơi mình.
Lúc này, thay vì chuyển khoản chúc tết ông bà, cha mẹ, hãy bỏ qua những khó khăn để trở về bên gia đình, ân cần hỏi han, cùng ông bà trang trí nhà cửa, tháp tùng họ đi chùa đầu năm, cùng cha mẹ ôn lại kỷ niệm, để tết của tất cả mọi người được trọn vẹn”.
Ngoài những chăm sóc về tinh thần, trong ngày tết, hãy nhắc nhở người lớn tuổi trong gia đình giữ ấm cơ thể, tập thể dục khoảng 15-30 phút để tăng cường sức khỏe. Hạn chế việc sử dụng rượu bia ở người lớn tuổi. Đặc biệt, con cháu nên đưa ông bà tái khám, kiểm tra sức khỏe trước tết để đề phòng các trường hợp bệnh bộc phát đột ngột, nhắc nhở ông bà uống thuốc đều đặn, đúng giờ theo đúng hướng dẫn của bác sĩ.
Mỗi gia đình nên giữ liên hệ với các trạm y tế phường, xã; số điện thoại dịch vụ cấp cứu; các nhà thuốc hoạt động 24/7 phòng khi xảy ra các tình huống khẩn cấp.
|
Theo phụ nữ TPHCM