Trong lời mở đầu, tác giả viết: “Đối với tôi, khoảng thời gian nhìn lại cuộc đời mẹ và viết ra cuốn sách này có chút đớn đau, có chút thương cảm lại có cả niềm hạnh phúc vô ngần”. Thật sự, cảm giác khi ta đọc một cuốn nhật ký về chặng đời đau buồn của một người thân không bao giờ khó chịu bằng khi chính ta quan sát, chắt lọc rồi tự cầm bút viết lại điều đó.
Từng trang sách khiến người đọc tự soi chiếu lòng mình. Đã bao lâu rồi ta chưa nói câu xin lỗi, lời yêu mẹ? Đã bao lâu rồi ta chỉ xem vai trò làm mẹ của mẹ là hiển nhiên mà quên mất rằng “làm mẹ” không phải lúc nào cũng là bổn phận mà còn là sự lựa chọn, mẹ cũng có những khoảnh khắc cảm thấy cô đơn, muốn rời bỏ hiện tại để đi xa hoặc đơn giản là hồi tưởng thời thanh xuân đầy đắm say, ngọt ngào, son rỗi.
Liệu ta đã thông cảm đủ cho chiếc áo mang tên “làm mẹ” quá nặng nề, có khi chệch choạc bởi mẹ mệt nên chẳng phải lúc nào cũng bận vừa vai?
Người mẹ trong tác phẩm chính là hình mẫu của hầu hết bà mẹ trên cuộc đời này: từng có một thời thiếu nữ rực rỡ như hoa; sau khi lấy chồng rồi sinh con đẻ cái thì trở nên cau có hoặc trầm tư, đôi tay ngọc ngà dần thô ráp, mái tóc dài mượt theo thời gian dần xơ xác…
Trước khi làm mẹ, người phụ nữ nào cũng được gắn với những tên gọi đáng yêu như “nàng”, “em”, “cô gái nhỏ”… Thế nhưng, khi lập gia đình, chính những người thân thuộc nhất lại là người chối bỏ, phủ nhận cái quyền “mẹ cũng cần được yêu” ấy. Những ông chồng mặc nhiên xem vợ như… người giúp việc, những đứa con trai chỉ gọi mẹ khi cần… người phục vụ, còn các cô con gái đôi khi yêu mẹ vô bờ mà cũng không hiếm lần đối với mẹ bằng thứ tình cảm ghét cay ghét đắng. Thậm chí, nhiều trường hợp, sự hóa giải chỉ có được nhờ bài thuốc thời gian.
Trong tác phẩm đầu tay này, Jang Hae-Joo chọn cách viết gần gũi, dễ hiểu như những lời tâm tình. Trong bài Mẹ đẹp hơn hoa, tác giả viết: “Mẹ tôi hạnh phúc với việc trao đi hơn là nhận lại. Thay vì nắm chặt cái gì đó không buông, mẹ thích mở rộng bàn tay mình cho người ta nắm lấy. Mỗi khi thấy ai đó gặp khó khăn, mẹ sẽ bảo với người đó: “Đến nhà tôi đi, tôi nấu cơm rồi, hãy đến ăn một bữa”. Mẹ luôn biết cách chia sẻ tình cảm với người khác thông qua những bữa cơm. Mẹ tôi chính là người mang trong mình trái tim ấm áp như vậy đấy. Người mẹ biết sẻ chia những điều tốt đẹp với gia đình và xung quanh trong mắt tôi còn đẹp hơn hoa”.
Nếu mẹ bao dung, hy sinh và vĩ đại như bao bà mẹ khác thì Jang Hae-Joo cũng nhiều lúc ích kỷ, vô tâm, đòi hỏi như bao cô con gái khác trên đời. Lúc nhỏ, cô luôn ganh tị với em trai mình. Cô cho rằng mẹ luôn dành tình yêu cho em nhiều hơn. Suy nghĩ này đeo bám, chi phối cô cả những năm tháng sau này, khi cô đã trưởng thành và có công việc ổn định. Mỗi lần mẹ cần nhờ điều gì, cô luôn thoái thác, đùn đẩy, yêu cầu mẹ hãy mở lời với cậu con trai cưng.
Đứa con nào cũng yêu mẹ nhưng không phải ai cũng biết cách thể hiện tình yêu thương ấy. Đôi khi, chính sự bối rối, mâu thuẫn lại làm tổn thương nhau.
Nếu cuốn sách mở ra với đôi chút đớn đau thì khi khép lại, tác giả đã chuyển tải một thông điệp đầy ý nghĩa tích cực: “Trong tương lai hẳn chúng ta còn trải qua nhiều điều nhưng con không thấy lo sợ nữa. Con đã học được cách nhìn mẹ như chính con người mẹ. Con thực lòng xin lỗi vì bấy lâu nay không thể yêu thương mẹ thật nhiều. Hơn tất thảy, cảm ơn mẹ vì đã làm mẹ của con”.
Theo phụ nữ TPHCM