Chau sống cách vợ một tiếng đi tàu. Ảnh: BBC.
Cả Lam Lok lẫn Jason Chau đều sống với bố mẹ. Họ không đủ tiền mua nhà riêng, cũng không thể cùng chuyển đến nhà nội hoặc nhà ngoại vì cả hai bên đều quá chật. Yu, con gái ba tuổi của cặp vợ chồng trẻ ở với Lok từ thứ hai đến thứ năm, cuối tuần sang nhà Chau.
"Lúc đầu, tôi không thể chịu được. Chúng tôi đôi khi nghi ngờ cuộc hôn nhân vì sống riêng tạo cảm giác như mình vẫn độc thân", Lok chia sẻ. "Hơn một năm, chúng tôi mới quen với cuộc sống này".
Lam Lok và Jason Chau yêu nhau từ năm 2012, khi cùng làm ở Disneyland. Ba năm sau, họ kết hôn và sinh ra bé Yu.
Tháng đầu tiên sau khi con chào đời, Lok gặp khó khăn dù được mẹ giúp đỡ. "Chồng tôi không thể san sẻ việc chăm con vì sống quá xa", cô trải lòng.
Ở Hong Kong, tình trạng như Lok và Chau không hề hiếm. Thống kê chính phủ năm 2018 cho thấy gần một phần mười cặp vợ chồng ở Hong Kong không sống cùng nhau. Kể cả khi sống cùng nhau, 12% đôi vợ chồng 25-34 tuổi phải ở nhờ nhà bố mẹ.
Nghiên cứu Khả năng chi trả nhà ở Demographia năm 2019 trên 309 khu vực đô thị ở 8 quốc gia cho thấy Hong Kong là thị trường nhà đất đắt đỏ nhất. Giá một ngôi nhà gấp 21 lần thu nhập trung bình hàng năm của hộ gia đình. Trong khi đó, tại London (Anh), khoảng cách chỉ là 8,3 lần.
Thu nhập của người Hong Kong từ 15 đến 24 tuổi là 10.750 đôla Hong Kong, từ 30 đến 39 tuổi là 21.000 đôla Hong Kong. Michael Rowse, cựu giám đốc chương trình InvestHK của chính phủ nước này cho biết dù thu nhập khá tốt, các gia đình trung lưu vẫn khó đủ tiền mua nhà.
Vợ chồng Tam và Lee có thể sống chung nhờ được cấp nhà xã hội. Ảnh: BBC.
Lok và Chau đều có mức lương trên trung bình. Họ không phải trả tiền nhà cho bố mẹ nhưng vẫn chật vật trong việc tiết kiệm tiền mua nhà. "Chúng tôi vẫn định về với nhau, nhưng điều này không khả thi trong tương lai gần", Chau nói.
Để sống chung, nhiều đôi vợ chồng trẻ ở Hong Kong tìm đến nhà xã hội, giá thuê rẻ hơn đáng kể so với nhà tư nhân. Tuy nhiên, do cung không đủ cầu, thời gian đợi nhà lên tới 5,5 năm.
Kathy Tam 28 tuổi và chồng là Louis Lee 32 tuổi nộp đơn xin thuê nhà xã hội từ năm 2012, 5 năm trước khi họ kết hôn. "Chúng tôi chắc chắn về nhau nên dù không có nhà, chúng tôi vẫn làm đám cưới", Tam chia sẻ.
Nhờ chuẩn bị sớm, cặp vợ chồng chỉ sống xa nhau một năm, sau đó về ở chung trong căn hộ rộng 21 mét vuông.
Vậy làm thế nào để duy trì hôn nhân khi không ở chung nhà?
Wilfred Wong và Joyce Leung đều 30 tuổi, đang sống cùng gia đình, cách nhau 40 phút đi tàu. Hàng ngày, họ nhắn tin, gọi điện cho nhau và lên kế hoạch hẹn hò. "Nghe thật kỳ quái, nhưng sống riêng cũng có thể giữ lửa cho hôn nhân", Wong nói.
Ở tuổi 69, Ma Hoi-shing thường xuyên xa vợ. Ảnh: BBC.
Tương tự, khi bố mẹ có thời gian trông cháu, Lok và Chau hẹn hò hoặc đi du lịch Nhật Bản. Lúc rảnh rỗi, họ thuê khách sạn và đưa con đến Disneyland. Mỗi tuần, Chau cố dành thời gian đi cùng vợ con ra bến tàu.
Tất nhiên, cảm giác cô đơn là không thể tránh khỏi.
Ma Hoi-shing 69 tuổi, cựu công nhân tại một sòng bạc Macau sống trong căn nhà 5,5 mét vuông không cửa sổ, tiền thuê bằng hai phần ba tháng lương hưu. Vợ ông, Jin Guo Fei 62 tuổi, thường xuyên về quê ở Hàng Châu vì lo ngại không gian chật chội ảnh hưởng tới sức khỏe. Phần lớn thời gian, Ma chỉ có một mình.
Ma và Jin đã nộp đơn xin thuê nhà xã hội cách đây ba năm. Thời gian bên chồng ít ỏi, Jin vẫn khẳng định họ rất hạnh phúc.
Theo
vnexpress