Soi lại những tác giả nữ của văn chương miền Nam trước 1975, Bà Tùng Long là cái tên không thể không nhắc. Bởi lẽ, ngoài gia tài 68 tiểu thuyết và 400 truyện ngắn, đằng sau đó còn là hình ảnh một phụ nữ mạnh mẽ, kiên cường được hun đúc từ cốt cách riêng và thiên chức làm mẹ. Báo chí nhiều lần hỏi việc viết lách có ý nghĩa thế nào với bà, câu trả lời thật giản dị rằng: “Tôi viết để nuôi con”.
Khi hỏi nhà văn Nguyễn Đông Thức - con trai Bà Tùng Long - nếu ngay lập tức nói 3 điều về mẹ mình thì đó là gì, câu trả lời là: yêu thương chồng con hết mực, làm việc cần cù, vô cùng ngăn nắp. Ông nhớ về mẹ mình: “Trang viết đầu tiên trong ngày của mẹ là thực đơn cho cả nhà hôm đó, luôn có những món ăn chồng con yêu thích. Mẹ còn thường xuyên mua trà ngon để ba uống. Mỗi ngày, mẹ đều cùng ba uống 2 cữ trà sáng và trưa”. Dù bận rộn vô cùng nhưng 9 người con đều được bà chăm sóc chu đáo từ chuyện học hành, đau bệnh cho đến quần áo, giày dép, sách vở mỗi dịp tết hay đầu năm học.
Trong cuốn hồi ký của mình, bà nói việc mình chạy sô đến các tòa soạn gửi bài và đi dạy ở các trường tựa như danh ca chạy tới các tụ điểm. Vào thập niên 1960, có thời điểm mỗi tháng bà kiếm được khoảng 10 lượng vàng.
Đó là khi những truyện dài kỳ của bà đăng trên các báo được đông đảo bạn đọc đón nhận. Tên tuổi Bà Tùng Long ăn khách đến mức chỉ mới quảng cáo truyện của bà trên báo thì có nhà xuất bản đã đặt cọc mua bản quyền. Hằng ngày, bà đều đặn viết khoảng mười mấy trang giấy, trong đó có truyện cho 3-4 tờ báo và các trang giải đáp (mục Gỡ rối tơ lòng, Tâm tình cởi mở…).
Nhưng, khoan nghĩ đó là hình ảnh một phụ nữ lúc nào cũng đầu tóc rối bù, luôn chân luôn tay. Trái lại, đó là sự bận rộn của một kế hoạch đã được thu xếp một cách khoa học: việc nào làm trước việc nào làm sau, luôn tươm tất trong bộ áo dài, bà ba mỗi khi đi dạy hay tiếp khách.
Cũng trong ký ức của nhà văn Nguyễn Đông Thức: “Mẹ tôi thường viết nhiều vào buổi tối. Tôi nhớ hoài tiếng bút mẹ viết trên giấy trong đêm khuya”. Đó đã trở thành âm thanh mang cảm xúc đặc biệt đối với cậu con trai út của nhà văn - tiếng động của trí tuệ và của sự cần mẫn làm việc gấp 2, 3 lần người khác vì “tôi viết lách để nuôi con”.
Có điều gì khiến người đàn bà đó hết lần này tới lần khác thoát khỏi giới hạn bản thân để đạt đến nghị lực và sức viết phi thường như vậy ngoài sự lên tiếng của trái tim người mẹ! Tình yêu và nghĩa vụ dành cho 9 đứa con cần phải được nuôi dạy ăn học đàng hoàng mạnh mẽ đến mức khiến bà làm mọi thứ mà lương tâm cho phép, không gì có thể cản bước.
Tất cả đã được đền đáp: bà có một gia tài văn chương phong phú và 9 người con đều được học đại học, có công việc tử tế. Để rồi ở tuổi ngoài 80, bà thong thả ngồi nhớ lại những quãng đường mình đã đi qua và ghi vào hồi ký. Rất dễ thấy, cuốn hồi ký ấy mang hơi thở của một người đàn bà đã sống một cuộc đời không hối tiếc, đã làm hết mọi thứ cần làm. Bà đi qua mọi vất vả một cách nhẹ nhàng, không một lời than trách dù là lúc khó khăn nhất.
Theo phụ nữ TPHCM