Người ta thường than mình già rồi, cốt là để được nghỉ ngơi, sống cuộc sống an nhàn, vui vầy cùng con cháu mà không cần phải chạy đôn chạy đáo lo toan đủ thứ. Nhưng với bác Nguyễn Thị Lý thì khác. Ở tuổi tròn 70, bác Lý “than” mình già với bạn bè trang lứa là để nhắc nhau cố gắng tranh thủ làm thật nhiều việc có ích cho gia đình và xã hội, trước khi tuổi già thực sự ập đến.
Bác Lý người gốc Huế. Dù gia đình bác chuyển vào Tây Nguyên sinh sống đến nay đã 40 năm, bác vẫn giữ được “chất Huế” đậm đặc - từ giọng nói, tính cách, đến phong tục tập quán. Phụ nữ Huế xưa nay có tiếng đảm đang, ăn nói dịu dàng, giỏi nội trợ, yêu chiều chồng con hết mực. Bác Lý cũng là một hình mẫu như thế.
|
Bác Lý vẫn tự lập, tự lo cuộc sống của mình bằng nghề bán hàng ăn. Trong ảnh, bác Lý đang bán đậu hũ |
Bác sinh được 9 người con. Không may, người con đầu lòng và con út của bác vắn số mà bỏ bác đi từ rất sớm. Chồng bác cũng lâm bạo bệnh mất cách đây 20 năm, khi bác vừa bước sang tuổi 50. Bác ở vậy, một mình bươn chải nuôi 7 người con. Vất vả lắm nhưng bác không bao giờ than thở.
Các con bác giờ đây đều đã trưởng thành. 6 anh chị có gia đình riêng, chỉ cậu “út” là còn độc thân, nhưng cũng đã có cuộc sống tương đối ổn định. Bác không còn phải lao tâm khổ tứ lo cho từng người con nữa. Nhưng không vì thế mà bác cho phép mình nghỉ ngơi. Hằng ngày, bác nấu xôi, bánh canh, mì trộn, đậu hũ, mang ra chợ bán. Cái chợ quê cỏn con, chủ và khách đã “nhẵn” mặt nhau, thậm chí thân nhau như người nhà. Khách nào thường ăn gì, mặn ngọt ra sao, bác Lý đều nhớ hết. Khách đến với bác phần vì bác nấu gì cũng ngon, phần vì tính tình vui vẻ, nhiệt thành của bác.
Những hôm hàng quán xôn xao, bác Lý vui niềm vui của người bán đắt hàng. Luôn chân luôn tay suốt buổi nhưng bác không hề thấy mệt. Hôm nào chợ búa vắng, hàng quán hẩm hiu, bác cũng vẫn vui. Thức ăn không bán hết, hễ thấy ai đi ngang qua là bác đều mời lại, dúi cho mỗi người một ít mang về. Buôn bán bận bịu vậy, nhưng bác vẫn sắp xếp thời gian đi chùa học phật pháp, trước là để sửa mình, sau là dạy dỗ con cháu. Giáo lý từ bi, bác ái của nhà Phật đã ngấm sâu vào người bác, khiến mỗi lời bác nói, mỗi việc bác làm đều toát ra sự hòa ái, vị tha.
Mỗi tháng 1 lần, bác tự mình nấu cơm chay mang đến bệnh viện, giúp những người có hoàn cảnh khó khăn đang phải nằm viện. Ban đầu, bác chỉ lặng lẽ dùng sức lực và tiền bạc của bản thân để làm, thi thoảng nhờ thêm sự giúp sức của con cái. Nhưng sau, khi biết được việc làm ý nghĩa của bác, nhiều bạn bè xa gần đã hăng hái “hùn phước”, trợ duyên. Kẻ góp công, người góp của.
Quỹ thiện nguyện của nhóm bạn thiện nguyện cứ thế tăng dần. Những hoạt động của nhóm cũng ngày càng phong phú: khi thì nấu cơm hỗ trợ bệnh nhân nghèo; khi thì thăm hỏi và tặng quà cho những hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; lúc lại góp áo quần, vật dụng giúp đỡ đồng bào bị thiên tai, lũ lụt… Bác vẫn thường động viên các bạn trong nhóm thiện nguyện: “Mình già rồi bây ơi. Ráng làm được chi thì làm kẻo mai mốt không còn sức để mà làm nữa”.
|
Bác Lý và các cháu nội ngoại |
Tâm sự với tôi, bác Lý nói: “Bác muốn làm những việc thiện nguyện xã hội lâu rồi. Càng có tuổi, bác lại càng “thèm” làm hơn. Một mình làm không nổi thì nhờ thêm sự giúp sức của mọi người. Bác và các bạn trong nhóm luôn khích lệ nhau cố gắng, không làm được việc lớn thì tích cóp nhiều việc nhỏ, gặp đâu làm đó và duy trì những việc ấy cho tới khi nào không còn cái thân này để làm nữa mới thôi”.
Sau khi gặp bác để xin phép viết về bác và chụp mấy tấm hình, tôi vừa về đến nhà thì bác gọi điện, dặn: “Con ơi, nếu có kể chuyện bác làm việc xã hội thì con nhớ nói là bác và mọi người cùng làm nghe. Đừng nói một mình bác mà tội”.
Mỗi khi nghĩ về bác Lý, về những việc làm và tâm nguyện của bác, tôi luôn cảm thấy ấm áp, tươi vui. Bác Lý và những người bạn của bác cứ giản dị, lặng lẽ gieo mầm thiện vào đời. Vì thế mà giữa cuộc sống với đầy toan tính, bon chen này, bác cứ ăn ngon, ngủ ngon, vui vẻ…
Theo phụ nữ TPHCM