Một người mẹ ở Quảng Châu, Trung Quốc kể, cậu con trai hai tuổi đột nhiên thức dậy lúc nửa đêm, nắm tay mẹ, sau đó nắm tay bố, miệng luôn nói: "Hòa giải, hòa giải". Hóa ra trước khi ngủ, hai vợ chồng cãi nhau một chuyện nhỏ, tưởng con đã ngủ nhưng cậu bé vẫn nghe thấy. "Đôi mắt của trẻ là máy ghi hình còn đôi tai chúng là máy ghi âm. Khi thức dậy trong giấc ngủ, điều mà trẻ lo lắng nhất là chuyện bố mẹ cãi nhau", người mẹ kết luận.

Chúng ta hay nghĩ trẻ con chưa hiểu gì, có thể cãi vã trước mặt chúng thoải mái. Nhưng thực tế, sự nhạy cảm của trẻ nằm ngoài sức tưởng tượng của cha mẹ. Có những lúc, bố mẹ nghĩ rằng đó là vài câu cãi vã vụn vặt và quên luôn sau đó nhưng trái tim trẻ vẫn luôn căng thẳng.

Thế giới trẻ em có an toàn hay không phụ thuộc vào mối quan hệ của cha mẹ có ổn định, tổ ấm có hòa thuận hay không. Ảnh: sina.

Khi cha mẹ đang tranh cãi, họ nói với con cái: "Chuyện này không liên quan gì tới con, vào bàn làm bài tập đi". Nhưng đứa trẻ sẽ không thể yên tâm quay lại bàn học, chúng có thể bồn chồn nấp sau cánh cửa nghe trộm hoặc khóc thầm với bàn tay nắm chặt. Thế giới trẻ em có an toàn hay không phụ thuộc vào mối quan hệ của cha mẹ có ổn định, tổ ấm có hòa thuận hay không.

Người dẫn chương trình Khương Tư Đạt của Trung Quốc từng nói nhiều lần về những tổn thương do bố mẹ gây ra hồi nhỏ. Bố mẹ anh đang nói chuyện giây trước, giây sau có thể cãi nhau ngay lập tức. Cậu bé thường rất vất vả để phán đoán xem vì sao họ lại cãi vã và nguyên nhân có phải do cậu không.

"Trong những cuộc tranh chấp, làm sao một đứa trẻ lại giả vờ không biết gì. Tôi luôn cảm thấy bất lực vì không có khả năng ngăn cản bố mẹ cãi nhau", Khương nói.

Khương còn thường xuyên chứng kiến họ ném đồ đạc vào nhau. Có lần người bố ném một cốc thủy tinh xuống đất, mảnh vỡ găm vào chân Khương gây chảy máu. Hai người chỉ ngừng cãi nhau khi thấy con trai bị thương. "Tôi cảm thấy mãn nguyện phần nào khi sự hy sinh của bản thân có thể dập tắt được chiến tranh", Khương hồi tưởng.

Với cha mẹ có lý trí, khi cãi nhau thường họ không để con cái chứng kiến. Nhưng cũng có người coi cãi vã là một cuộc tranh giành quyền lực và yêu cầu con cái phải theo "phe" mình. Nhưng sự thật là dù người bạn đời tồi tệ đến đâu, trong mắt trẻ thơ họ vẫn là những người cha, người mẹ tốt.

"Bố của con là kẻ lười biếng, đừng như ông ấy"; "Mẹ con thật quá đáng, nhà này bị cô ta phá nát rồi"... Có bao nhiêu lời nói như thế này được phát ra từ miệng người lớn nhằm vào những đứa trẻ. Cuộc cãi vã vợ chồng có thể sớm được hòa giải nhưng nỗi đau của những đứa con không thể xóa nhòa. Con cái dù không muốn nghi ngờ tư cách của cha mẹ, nếu bắt buộc lựa chọn, chúng cũng chỉ cố gắng làm vừa lòng cả hai bên trong sự e sợ.

Những đứa trẻ lớn lên trong môi trường như vậy thường sẽ rất nhạy cảm và luôn thấy bản thân kém cỏi.

Có những lúc bố mẹ có thể bỏ qua vài câu cãi vã vụn vặt nhưng trái tim trẻ vẫn luôn căng thẳng. Ảnh: sina.

Việc mâu thuẫn vợ chồng là không tránh khỏi. Nhưng nếu cãi nhau, bạn không được làm tổn thương con cái mình.

1. Không bắt trẻ lựa chọn

Nhiều bố mẹ yêu cầu con chọn theo phe bố hay phe mẹ trong các cuộc cãi vã. Dù đứng về phía ai thì trẻ cũng khó lựa chọn, chúng luôn bối rối nên làm thế nào để vừa lòng cả hai bên.

Trẻ con không cần phải đánh giá đúng sai trong các cuộc cãi vã của người lớn. Thực sự không có nhiều điều đúng hay sai về những việc liên quan tới gia đình.

2. Cố gắng không cãi nhau trước mặt con cái

Dù có tranh cãi gì chăng nữa cũng không nên diễn ra trước mặt con cái. Nếu điều này từng xảy ra, hãy nhớ giảng hòa trước mặt trẻ. Hãy để đứa trẻ hiểu rằng cuộc cãi vã của cha mẹ không phải vấn đề của chúng và mối quan hệ giữa hai người đã được cải thiện.

Việc làm này cũng xoa dịu những cảm xúc bị tổn thương của trẻ. Cần nói rõ với trẻ mâu thuẫn của bố mẹ không phải trách nhiệm của chúng và trẻ không làm gì sai.

3. Hãy cho trẻ biết cha mẹ yêu thương con cái nhất

Sau mỗi cuộc cãi vã, điều trẻ sợ nhất là bố mẹ ly hôn, chúng sẽ còn nhận được tình yêu thương của bố mẹ nữa. Nói cách khác, chúng sợ sẽ không còn ai yêu mình.

Vì vậy hãy nói với trẻ, cãi vã chỉ là vấn đề nhỏ của cha mẹ nhưng cả hai vẫn luôn yêu thương trẻ.

Tình yêu thương của cha mẹ quyết định chất lượng giáo dục của gia đình. Giáo dục tràn đầy tình yêu thương mang lại may mắn; giáo dục thiếu tình yêu thương chỉ có thể dẫn đến bất hạnh. Không ai tránh khỏi những cuộc cãi vã, nhưng chúng ta có thể để con cái tránh được những điều xui xẻo.

Theo vnexpress