Một hôm, chị Quỳnh Trang bệnh và bay từ Sài Gòn về Hà Nội. Trong căn nhà của ba mẹ, người phụ nữ 47 tuổi bỗng có cảm giác được trở lại thành… con nít.
Ba mẹ chị nhất định bắt con phải nghỉ ngơi hoàn toàn, không cho làm việc, tịch thu điện thoại, lo từng bữa ăn, viên thuốc, kèm cặp giờ giấc thật điều độ. Khi mẹ chị có việc ra ngoài, bà nấu sẵn nồi nước lèo, viết thư tay dặn dò con gái:
“Con gái,
Ba đi bấm huyệt. Mẹ đi bơi. Con ngủ dậy nấu lại nồi nước trên bếp rồi chế mì mà ăn. Nếu con gái muốn ăn thêm thịt bò thì múc ở nồi ủ cạnh mấy bình nước. Mẹ về vắt cam cho con sau”.
Bức ảnh lá thư tay của mẹ kèm hình ảnh tô mì đầy đủ gia vị, cà chua, rau thơm được chị Trang chia sẻ trên trang cá nhân bỗng nhận nhiều “like” bất thường. Hơn 1.700 người dành sự yêu thích trước sự quan tâm đầy ắp mà mẹ dành cho con gái.
Vì nhiều người biết “bé gái Quỳnh Trang” trong mắt ba mẹ, khi bước ra ngoài lại là “bà trùm” trong giới showbiz, với biệt danh “madame” hay “người đàn bà thép”. Đó là người phụ nữ điều hành doanh nghiệp “triệu đô”, đưa ra những chiến lược thay đổi cục diện làng thời trang Việt Nam, vinh dự nhận Huân chương công trạng Italia. Chị hiện đang là Chủ tịch Hiệp hội Các nhà thiết kế thời trang Đông Nam Á.
Chị Trang cho biết, ba chị nay đã 76 tuổi nhưng suốt mấy chục năm qua, ông chưa một ngày thôi đọc sách. Bất cứ lĩnh vực nào từ kinh tế, xã hội, lịch sử, kinh doanh hay cuộc sống, tình yêu… chị đều có thể nói chuyện được với ba. Ba chị cũng rất giỏi làm thơ, đánh đàn, luôn suy nghĩ rất tích cực.
Còn mẹ chị là một phụ nữ tân tiến, hiện đại và biết cách chăm sóc bản thân. Từ những năm 1980, mẹ chị đã luôn nổi bật khi biết làm điệu với tóc xoăn lọn, đánh son, làm móng tay, xức nước hoa, chỉn chu từng chút. Bà cũng luôn là hình mẫu đa tài khi vừa làm tốt nhiệm vụ của một phó trưởng phòng kinh tế vừa giỏi nữ công gia chánh, biết hết mọi việc từ may, thêu, đan, nấu nướng, tề gia nội trợ.
Chị Trang được hưởng trọn những nét tinh túy nhất trong giáo dục gia đình, có tầm nhìn về tư duy từ ba, nữ tính như mẹ. Nhưng điều chị nể trọng nhất ở ba mẹ đó là lối sống hào sảng, luôn giúp đỡ và nhân hậu với những người xung quanh. Từng câu chuyện về sự tử tế của ba mẹ mà chị được chứng kiến đã ăn sâu trong tiềm thức, làm nên một tinh thần hướng thiện.
Ba chị luôn nói: “Cho người khác tiền bạc là hạ sách. Cho người khác cơ hội là trung sách. Cho người khác tầm nhìn là thượng sách”.
Tốt nghiệp cấp III, đứng trước ngưỡng cửa chọn nghề nghiệp, chị Quỳnh Trang đã rất muốn theo đuổi sự nghiệp ca hát, nuôi ước mơ trở thành ca sĩ, vì từ bé chị đã có khiếu văn nghệ, đi biểu diễn nhiều nơi, tham gia nhiều hoạt động xã hội. Chị cũng từng trúng tuyển vào Nhạc viện Hà Nội. Nhưng rồi chị chọn theo con đường thời trang từ một phân tích của ba mẹ: “Ba nói tôi là con gái, nhà lại không có ai theo nghề hát nên sẽ khó thành công. Ba mẹ khuyên tôi thi vào Đại học Tài chính - Kế toán, sau khi tốt nghiệp dễ có công việc ổn định”.
Có một “Madame Trang Lê” như hôm nay là tổng hòa của rất nhiều yếu tố quyết định sự thành công trong ngành thời trang. Ngoài tự trau dồi, chị cũng ứng dụng được những kiến thức về kinh doanh, tài chính trong chuyên ngành học, thêm khiếu ăn mặc, sự mạnh dạn, kỹ năng xã hội từ bé… để dấn thân, từng bước xây dựng nên con đường mà hiếm ai làm được.
“Cuối năm 2010, đầu năm 2011, công ty tôi sản xuất chương trình Vietnam’s Next Top Model mùa đầu. Tôi bận rộn, vào Sài Gòn suốt 6 tháng. Khi ấy, mẹ nằm viện, tôi muốn ra với mẹ nhưng không thể. 2 mẹ con vẫn gọi điện trao đổi với nhau, mẹ động viên con gái cứ lo công việc. May mắn, mọi chuyện cũng qua, mẹ ổn và được về nhà.
Đến khi tôi về lại Hà Nội, ba gọi vào phòng riêng nói chuyện. Ba nghiêm khắc hỏi tôi tại sao mẹ bệnh 2 lần không về. Tôi giải thích nhiều, nhưng ba chỉ nói: “Con nghĩ sao nếu lần này con về mà không còn mẹ nữa?” - chị Trang rơm rớm nước mắt kể lại câu chuyện khiến chị mãi hối hận và cũng là khoảnh khắc chị quyết định rằng sẽ bay về nhà bất cứ khi nào có thể. “Các con và cha mẹ - đó là những người quan trọng nhất cuộc đời. Tôi có thể cho họ tất cả, nhất là sự hiện diện của mình” - chị nói.
|
Ba mẹ và 2 con của chị Quỳnh Trang |
Cuối năm 2012, chị đưa ba mẹ và các con đi du lịch châu Âu. Và tất cả các dịp hè, lễ, tết… những năm sau đó, khi các con chị được nghỉ học, chị đều tổ chức các chuyến đi cùng gia đình. “Tôi làm việc chỉ để mang lại hạnh phúc cho người thân” - chị Trang nói. Chị luôn ý thức được rằng thời gian bên ba mẹ đang thu hẹp dần nên bất cứ khi nào có thể, chị đều về nhà, tận hưởng cảm giác chỉ làm “con gái Quỳnh Trang”.
Khi làm mẹ, chị Trang nương theo tất cả những bài học mà ba mẹ đã dạy dỗ mình để đồng hành cùng các con. Con trai đầu chị Trang năm nay đã 20 tuổi, hiện đang du học tại Mỹ. “Dù bận rộn thế nào, tôi luôn có mặt trong tất cả các ngày quan trọng của con.
Tôi đưa các con đi khắp nơi trên thế giới. Được theo mẹ trong những chuyến công tác, các con rút ra được những bài học về tư duy, tầm nhìn hay sự tử tế. Mỗi khi ngủ bên con, tôi đều hát ru, những lời ca êm ái và bình yên nhất” - chị Trang tâm sự. Để rồi con dù lớn thế nào vẫn luôn giống như đứa trẻ trong vòng tay ba mẹ.
Theo phụ nữ TPHCM