Mâm cúng cô hồn rằm tháng 7 phải có gạo và muối.

Theo quan niệm dân gian, tháng 7 Âm lịch là tháng của cô hồn (hồn người chết lẻ loi, cô đơn, không nơi nương tựa, không ai cúng vái). Vào tháng 7 âm lịch, cửa địa ngục sẽ được mở cho những vong hồn được lên trần gian, và đóng cả vào ngày 15/7 âm lịch. Vậy nên hàng năm, các gia đình tiến hành lễ cúng thí thực cô hồn (hay còn gọi là cúng chúng sinh) diễn ra từ ngày mùng 1 đến 15/7 âm lịch. Lễ này được coi là một hành động nhân đạo, cứu giúp cho những linh hồn khốn khổ.

Trong chùa hoặc tại các gia đình có truyền thống Phật giáo, người ta cúng cô hồn bằng các món ăn chay, không cúng đồ ăn mặn vì sẽ khơi dậy "tham, sân si". Theo đó, lễ cúng cô hồn thường không có xôi, thịt gà, thịt heo... Ngoài ra, khi rải tiền vàng ra mâm, cần để 4 hướng Đông, Tây, Nam, Bắc, mỗi hướng từ 3-5-7 cây hương. Lễ cúng được bày và làm ở ngoài trời.

Một số lễ vật cần chuẩn bị trong cúng cô hồn: Tiền vàng (từ 15 lễ trở lên, quần áo chúng sinh từ 20 đến 50 bộ); Tiền chúng sinh (tiền trinh), hoa, quả 5 loại 5 mầu (ngũ sắc); Bỏng ngô, khoai lang luộc, ngô luộc, sắn luộc; Kẹo bánh, tiền mặt (tiền thật, các loại mệnh giá); Khi cúng thêm cháo thì thêm mâm gạo muối (5 bát, 5 đôi đũa hoặc thìa). Nước lã.


Cháo loãng được coi là món không thể thiếu khi cúng cô hồn bởi vì người ta tin rằng món này dành cho những linh hồn bị đày đọa phải mang một thực quản nhỏ hẹp không thể nuốt được thức ăn thông thường.

Gạo và muối cũng là hai vật phẩm không thể thiếu trong mâm cúng cô hồn. Việc cúng gạo và muối mang 3 ý nghĩa. Thứ nhất muối và gạo là hai loại thực phẩm gắn với cuộc sống của con người, cúng muối gạo cũng là cầu mong sức khỏe và may mắn đến cho mọi người. Ngoài ra đó cũng là cách để bày tỏ sự biết ơn đến bậc bề trên đã khai sinh ra nền văn minh lúa nước. Ý nghĩa cuối cùng là để bố thí cho vong linh không được ai thờ cúng.

Buổi cúng thường kết thúc với việc rải gạo, muối ra sân, ra đường và đốt vàng mã. Dân gian quan niệm tục rải gạo muối có ý nghĩa để cho vong linh được no đủ, hài lòng và từ đó có thể siêu thoát. 

Thông thường các gia đình sẽ trrộn gạo muối và tung ra các hướng, vừa tung vừa niệm "Nam mô A Di Đà Phật, điều lành đem tới điều dữ đem đi. Nam mô A Di Đà Phật!". Làm như vậy để bố thí cho chúng sinh, cho các vong vãng lai, qua đường. Dân gian cũng quan niệm rằng các vong hồn sau khi nhận được bố thí đó sẽ kéo đi không ở lâu quấy nhiễu gia chủ.

Dân gian cũng quan niệm người cúng không nên ăn đồ cúng cô hồn, không đem đồ cúng đó vào nhà. Tuy nhiên, theo thông tin trên báo Giác Ngộ Online, các phẩm vật cúng cô hồn như chè cháo, cơm canh vì cúng ở ngoài trời trong một thời gian khá dài nên bị nguội lạnh, đôi lúc bị ruồi kiến quấy phá, nhang khói vương vãi nên không mấy an toàn cho sức khỏe. Do vậy mà các gia đình e ngại không dám dùng. Còn các phẩm vật khác như kẹo bánh trái còn bao bì và vỏ bọc nguyên vẹn thì vẫn dùng được. Những phẩm vật này người cúng có thể dùng hay cho những người khác dùng, không nên bỏ đi sẽ hoang phí và mang tội.

Theo thoidai