“Sắp tới anh đi công tác, em tính ăn uống như thế nào?” - chồng gọi điện hỏi. “Em không nhịn đói đâu mà lo” - tôi cười. “Anh sẽ nấu sẵn cho 2 ngày, còn lại là đồ sơ chế trong tủ lạnh hén”. Đó chính là giọng điệu đầy lo lắng của chồng tôi khi anh chuẩn bị đi nước ngoài nửa tháng.
|
|
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock |
Khi tôi về nhà, tủ lạnh và khắp nơi trong nhà đã chi chít những tờ giấy ghi chú xinh xinh đầy màu sắc. Ở trên ngăn đông tủ lạnh thì nào là “sườn xào chua ngọt, bò hầm, thịt luộc”, ngăn mát là “há cảo, bánh xếp đông lạnh, gà chiên mắm”, rồi thì trứng, kim chi, một phần cơm chiên hải sản nấu sẵn và cà phê pha sẵn nằm ngay ngắn. Lo cho cô vợ hậu đậu không tìm ra thứ gì đó và kém nấu nướng, anh đã cẩn thận chuẩn bị như thế, tôi cảm động vô cùng.
Ở nhà tôi, chồng là đầu bếp chính. Cũng vì đời đưa đẩy mà chồng tôi phải đảm nhiệm trọng trách này. Hồi mới cưới, ngập tràn trong tình yêu, tôi háo hức mong nấu cho chồng những bữa cơm thật ngon. Ngặt một nỗi, tôi hầu như không biết nấu ăn.
Tôi hí hửng sắm sửa tạp dề, bộ chén tô có họa tiết tinh tế, hợp với màu khăn trải bàn, thêm bình hoa xinh. Đồ tôi nấu tính ra cũng không đến nỗi quá tệ, vẫn ăn được, nhưng chẳng thể nào gọi là ngon. Nấu nướng được một thời gian, tôi dần nhận ra điểm yếu chí mạng của mình. Đó là tôi không đủ kiên nhẫn đứng chờ cái gì đó sôi hoặc chín.
Thực ra, tính tôi khá thong thả, nhẹ nhàng; nhưng lạ thay cứ mỗi khi phải chờ nồi canh sôi là tôi lại không chịu được. Tôi muốn bỏ đi làm việc khác nhưng lại sợ nồi canh trào ra nên phải đứng canh, ôi thật chán ngấy những lúc như vậy. Vì thế mà những món tôi thường nấu chỉ loanh quanh cơm chiên, mì xào, kimbap, sandwich… không cần phải chờ đợi lâu.
Khi thấy tôi lóng ngóng và uể oải trong bếp, chồng đành bảo tôi đưa tạp dề cho anh. Rồi anh trở thành bếp trưởng trong nhà. Chồng có vẻ rất mê nấu nướng. Anh thích kết hợp các gia vị cũ để sáng tạo ra những hương vị mới. Thỉnh thoảng anh còn mày mò thử những món ăn đủ thể loại từ các nước khác. YouTube của anh toàn là clip dạy nấu ăn.
Thời vợ chồng phải ở trong nhà vì COVID-19, tài nghệ nấu ăn của chồng tôi được dịp tỏa sáng. Mâm cơm của chồng luôn có ít nhất là 3 món và không bao giờ trùng lặp trong vòng 10 ngày, nào là sườn xào chua ngọt, canh hầm, cơm gà, bún bò Huế… Lúc bị mắc COVID-19, chúng tôi có đau họng và sốt nhưng không mất vị giác, thế nên khi cách ly xong, ai cũng tăng cân chóng mặt. Lúc anh sốt cao, người mệt mỏi, tôi giành nấu nhưng anh vẫn muốn được đứng bếp, tôi phụ sắp xếp bàn ăn và dọn dẹp.
|
|
Ảnh mang tính minh họa - Freepik |
Bình thường, nếu phát hiện quán nào ngon, công việc của tôi sẽ là báo với chồng để cả hai cùng đi ăn thử. Sau đó, tính tò mò trỗi dậy, anh sẽ cố gắng “tái hiện” món ăn ấy khi về nhà.
Có lần tôi hỏi: “Chồng ơi, anh không thấy nấu ăn thật phiền phức sao?”. “Thực ra đâu phải hôm nào cũng nấu, lâu lâu thấy phiền thì mua đồ về ăn cũng được, có sao đâu”. Tôi nghe chồng nói, thấy đỡ bận lòng.
Khi chúng tôi qua thăm nhà nội, “Nhà còn thịt cá nhiều không? Đem chút thịt này về bỏ tủ ăn dần đi con”. “Con… cũng không biết nhà còn nhiều hay ít nữa. Chồng ơi, nhà mình còn thịt nhiều không?”. Dù mẹ chồng tôi đã chứng kiến cảnh này suốt 10 năm có lẻ, nhưng câu hỏi của tôi vẫn khiến bà phải chau mày.
Có vẻ mẹ vẫn thấy khó chịu với việc con trai của mẹ phải đứng bếp nấu ăn cho tôi. Đôi lúc bà cũng có rầy la tôi về chuyện này. Còn mẹ tôi thì cứ mỗi lần gọi hỏi tôi đã cơm nước chưa là bà lại thấy áy náy. “Tối nay mấy đứa ăn gì rồi?”. “Anh làm gà hấp bia, trời ơi ngon y chang mẹ làm luôn. Thật vi diệu”. “Con rể ơi, cứ mua về mà ăn, nấu chi cho cực vậy. Mẹ cho tiền thêm, sau này cứ mua về mà ăn”. Dường như mẹ tôi luôn thấy có lỗi với nhà thông gia khi đã quá nuông chiều tôi từ nhỏ, không cho tôi đụng tay vào việc bếp núc.
Vậy đấy, người lớn 2 bên có vẻ vẫn còn khó chấp nhận kiểu cô vợ sợ cái bếp, nhưng với vợ chồng tôi thì có sao đâu, chúng tôi vẫn rất yêu thương và hạnh phúc bên nhau.
Theo phụ nữ TPHCM