Vườn rau sân thượng xanh mát của chị Ngọc.

Chị Phạm Thị Ngọc (Gò Vấp, TP HCM) bắt đầu trồng rau sân thượng từ đầu năm 2017. Hai khoảng sân thượng có diện tích không quá lớn, sân trước khoảng 8m2, sân sau gần 25m2 nhưng đủ loại rau củ quả. Ngoài các loại rau quả ăn hàng ngày như bầu, mướp đắng, mướp hương, bí sặt, chanh, bí đỏ, ớt, nha đam, đủ đủ, rau dền, rau muống, chuối, rau mồng tơi, lá lốt, chị Ngọc cũng trồng thêm hoa đồng tiền và hoa hồng để khu vườn thêm màu sắc.



Vườn rau sân thượng vào thời điểm mới bắt đầu trồng



Một lần thu hoạch rau sạch cho gia đình ăn.

Hiện tại, Sài Gòn đang là mùa mưa nên chị cho biết ưu tiên trồng mướp hương, mướp đắng, bí sặt, bầu, rau muống. Mùa mưa qua đi sẽ lại trồng các loại khác cho phù hợp.

Chia sẻ về bí quyết trồng rau sân thượng, chị Ngọc khiêm tốn cho biết bí quyết khá đơn giản. Chị cố gắng giữ mọi thứ tối giản nhất có thể để tiết kiệm thời gian và công sức hơn. Vào mùa mưa, chị Ngọc dùng phân ủ khô, còn mùa khô vẫn dùng phân ủ khô nhưng tưới thêm phân lỏng.

Theo như chị chia sẻ, phân được lấy từ hai nguồn chính là phân bò, phân thỏ mua ngoài hàng và rác nhà bếp với xác cây già cỗi trong vườn. Nền tảng đất ban đầu để trồng rau chỉ gồm đất thịt, phân hữu cơ hoai mục trộn cùng tro trấu hun theo tỷ lệ 1:1:0,5

Với đất thịt, chị dùng loại đất thịt đen, đã được rây sàng sạch sẽ, không chứa rác, đá.

Phần lớn phân hữu cơ hoai mục là tự ủ từ hai loại được dùng nhiều là phân bò và phân thỏ.

Cách ủ như sau: trộn phân với mùn dừa theo tỷ lệ 1 phân: 2 mùn dừa + trichoderma, tưới ẩm rồi đảo đều, cho vào thung xốp đậy nắp lại. 1 tháng đảo 1 lần. Sau 2,5-3 tháng, có thể lấy ra dùng. Cứ 1-2 tháng, chị Ngọc ủ 2 thùng như vậy và đủ để dùng quanh năm, vừa dùng để trộn đất vừa bón cho rau.

Ngoài ra chị Ngọc cũng tận dụng rác thải nhà bếp (chỉ lấy vỏ hoa quả và gốc rau) cùng xác cây già cỗi để ủ thành phân, bằng cách cho hết chúng vào chậu xi măng, tưới ẩm và rắc thêm trichoderma và 1 lớp phân rùn quế mỏng. Chị đặt 1 chậu nhựa phía dưới lỗ thoát nước của chậu xi măng để hứng phần nước rỉ ra từ hỗn hợp ủ bên trên. Nước này sẽ hòa loãng để tưới rau. thành phẩm ủ dùng để trộn đất trồng rau hoặc ươm cây con rất tốt.

Bí quyết bắt sâu bệnh của chị Ngọc cũng khá đơn giản, chỉ bắt bằng tay đối với các cây như chanh, hoa nhài. Với các loại rau, chị Ngọc dùng lưới phủ lên để ngừa sâu. Với các loại dây leo lớn, chị hầu như không can thiệp. Chỉ can thiệp 1 hoặc 2 lần bằng chế phẩm sinh học nếu tình trạng quá nặng. Nếu sau 1-2 lần can thiệp mà tình trạng không cải thiện, chị sẽ tự cho rằng thiên nhiên tại thời điểm đó hoặc đất của chậu đó, vị trí trồng đó không thích hợp cho cây và chọn loại bỏ cây, thử trồng loại cây khác. Chị cũng cho biết không cố can thiệp bằng hóa chất hay chế phẩm sinh học để cứu cây cho bằng được mà tôn trọng sự chọn lọc của tự nhiên.















Chị Ngọc gọi vườn rau của mình là "vườn rau quên hết muộn phiền". Cứ mỗi lần đi làm về, chị lại lên sân thượng ngắm nghía, soi từng cái lá, cái hoa rồi chụp ảnh và tận hưởng không gian thanh bình trong chính căn nhà của mình. Chẳng coi trồng rau là công việc nặng nhọc, vất vả, chị coi đó là "một hoạt động nhẹ nhàng thay cho tập thể dục", vừa tốt cho sức khỏe thể chất, vừa nuôi dưỡng tâm hồn. "Trồng rau sân thượng nhàn lắm. Sài Gòn có hai mùa thôi, vào mùa mưa mình không cần tưới tắm gì cho cây, cũng không đổ đất ra phơi trộn hay làm cỏ gì vất vả", chị Ngọc nói.

Theo thoidai