Ở cái chợ nhỏ tự phát gần nhà tôi, mỗi năm vài lần, người ta mang những vật dụng đan bằng tre đến bán. Mỗi lần bắt gặp cảnh thúng mủng, rổ rá, giần sàng… bày trên vỉa hè là tôi đều sà lại xem. Giá tôi có thể mang tất cả về gian bếp của tôi, chỉ để ngắm.
Ngày xưa, khi ông nội tôi còn sống, trong nhà tôi luôn “đầy nhóc” những vật dụng bằng tre. Nội tôi rất giỏi đan lát. Từ những thứ nho nhỏ như cái rế để đặt nồi cơm, cái rá vo gạo, cái giỏ đựng cua đến những thứ lớn hơn như rổ, thúng, nong, nia… nội đều tự đan lấy.
|
Trong nhà của tác giả luôn có nhiều rổ rá bằng tre |
Vườn nhà sẵn tre, hễ rảnh là nội lại chặt 1, 2 cây thật thẳng và chặt từng đoạn ống tre dài - ngắn phù hợp với từng loại rổ rá. Những lúc như thế, tôi thầm nghĩ, phải chi có câu thần chú “khắc xuất, khắc xuất” mà Bụt đã ban cho chàng Khoai trong truyện Cây tre trăm đốt thì nội tôi đỡ cực.
Góc sân nơi nội ngồi làm, ban đầu la liệt ống tre. Nhưng chỉ sau 1, 2 hôm nội miệt mài chẻ chẻ, vót vót, số ống tre vơi dần. Những sợi tre được vót ra cứ xoăn tít, khô dần đi dưới nắng. Mớ nan lớn nhỏ cũng được rải ra phơi khắp sân.
Khi nan đã khô, nội gom lại rồi miệt mài đan, tỉ mẩn và nhẫn nại. Đan một, đan đôi. Đan thưa, đan mau. Mê lớn, mê nhỏ dần dần hiện ra. Rồi nội cạp vành cho từng tấm mê. Rổ lớn, rá nhỏ, giần sàng… cũng lần lượt xuất hiện.
Những món đồ vừa đan xong còn phải mang đi “phủ vecni”. Gọi “phủ vecni” cho sang chứ thực ra chúng được nội bỏ lên gác bếp cho bồ hóng bám vào. Ngày 3 bữa khói bếp xông lên. Chừng nửa tháng sau, những chiếc rổ rá trắng tinh chuyển sang màu nâu cứng cáp, thách thức các loại mối mọt.
Rổ rá ngày xưa, nhờ tấm lòng yêu quý đối với cây tre mang hồn cốt dân tộc và qua bàn tay khéo léo của người nông dân mà thành. Nhờ thế, nó cũng mộc mạc, bền chắc, thủy chung…
Nhà nông bao đời gắn bó với những vật dụng như thúng mủng, nong nia… nên yêu quý chúng vô cùng. Tre không thiếu, người biết đan không thiếu, đồ tre cũng vì thế mà nhiều vô kể. Nhưng nó không hề bị rẻ rúng. Hễ có cái nào dùng lâu bị gãy nan hay lủng lỗ, người ta đều cẩn thận vá lại như vá áo. Rổ rá nhờ đức cần kiệm của người nông dân mà lành lặn theo.
Bởi mới nói, rổ rá ngày xưa cũng có hồn. Trước là cái hồn của thiên nhiên từ cây tre muôn đời đứng thẳng, chắt chiu mưa nắng lớn lên. Sau là cái hồn của người đan lát cần mẫn, cẩn thận; biết nâng niu trân quý quyện vào.
Ngày nay, trong gian bếp của nhiều gia đình, có nhiều rổ rá xanh đỏ bằng nhựa. Chúng được sản xuất đại trà bằng máy móc công nghiệp với nhiều kiểu dáng và kích cỡ khác nhau. Đôi khi, chúng còn được làm cho giống đồ tre để thêm phần “mộc mạc”.
Phải chăng, tôi là kẻ hoài cổ, mải tiếc nhớ những giá trị xưa nên thành ra bảo thủ, cố chấp, “dở người”? Rổ rá không biết nói. Nhưng nhìn vào rổ rá, người ta có thể hiểu được đôi chút về người dùng. Nếu lắng lòng lại, biết đâu, mình lại cảm được những lời tâm tình bằng thứ ngôn ngữ lặng thinh của rổ rá.
Theo phụ nữ TPHCM